Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

VÌ SAO CÀNG ĐỔI MỚI THÀNH CÔNG, KẺ XẤU CÀNG RA SỨC CHỐNG PHÁ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN?

 Tại sao chúng ta càng đổi mới thành công thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lại càng “gầm gừ”, ra sức chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, đòi hạ bệ học thuyết khoa học, cách mạng này, đòi Đảng ta “phải thay máu cho hệ tư tưởng”, “phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin với nhiều lý do khác nhau? Tuy cách tiếp cận “đa màu, nhiều sắc”, song điểm chung của họ là “khuyên Đảng ta” không nên đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào nền tảng tư tưởng của Đảng vì lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, chủ nghĩa Mác – Lênin đã cũ, lỗi thời, lạc hậu; nó đã “bị cáo chung cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Đông Âu và Liên Xô” năm 1989.

Theo họ, chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX ở châu Âu; nó chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của một số nước ở châu Âu và Liên Xô; hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh “du nhập một học thuyết ngoại lai vào Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp”, là sai lầm. Họ cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thất bại của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ ở Việt Nam là do Đảng ta “gặp may”, “bản thân Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tài cán gì”. Từ đó, họ vu khống rằng sư lạc hậu, kém phát triển của Việt Nam là do Đảng ta và Chủ tịch Hổ Chí Minh lấy “chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Gần đây, trên internet và một số trang mạng xã hội, họ lu loa rằng, C. Mác và Ph. Ăngghen sinh ra ở nước Đức, xây dựng học thuyết Mác ở nước Đức và châu Âu, còn V.I. Lênin là người Nga, bảo vệ, phát triển học thuyết Mác ở nước Nga, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà nước Đức và nước Nga là ở châu Âu, hoàn toàn không phải là châu Á, không phải là Việt Nam; thế kỷ XXI là hoàn toàn khác xa thế kỷ XIX, XX. Nghĩa là, các học thuyết của C. Mác và của V.I. Lênin chỉ phù hợp với các nước châu Âu, chứ không phù hợp với châu Á; hoàn toàn xa lạ với Việt Nam, hà cớ chi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lại lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Họ còn xiên xẹo rằng, “nay là thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư rồi mà Đảng còn cứ khư khư bám giữ, níu kéo chủ nghĩa Mác – Lênin”. Theo họ, Việt Nam muốn trở thành “con Rồng, con Hổ ở châu Á, Đông Nam Á thì phải có hệ tư tưởng khác dẫn đường”. Họ khuyên Đảng ta không nên lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng vì nó đã cũ, lỗi thời, lạc hậu. Theo họ, tại quê hương của C. Mác và V.I. Lênin, “người ta cũng đã đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào bảo tàng lịch sử”. Nếu Đảng vẫn xác định “trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin” là “tự cô lập mình”, trở thành người “đi ngược lại xu trào phát triển của tư tưởng nhân loại”, cản trở lịch sử; Đảng làm như thế là “áp đặt”, “khiên cưỡng”, “miệng thì hô hào đổi mới nhưng đầu Đảng lại bảo thủ, trì trệ”.

Hùa với các luận điệu sai trái này còn có quan điểm cho rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ hơn 30 năm trước. Chính nó đã “cáo chung cho chủ nghĩa Mác – Lênin”; rằng sự điều chỉnh, thích nghi và tiếp tục phát triển mạnh mẽ của các nước tư bản là nhờ giai cấp tư sản tận dụng tối đa thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là thành tựu của cuộc mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam là phải “thay máu cho hệ tư tưởng”, cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, thay vào đó là một lý luận khác phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, lý luận đó không có gì khác là hệ tư tưởng tư sản. Cũng có người bạo mồm, mở miệng cho rằng Việt Nam không cần bàn về chủ nghĩa này, học thuyết nọ, cứ chủ nghĩa nào, học thuyết nào đem lại sự giàu sang, phú quý thì theo, Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì chọn học thuyết ấy, khỏi phí công, tốn sức bàn luận vô bổ, v.v..

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không hề ngạc nhiên trước những luận điệu xuyên tạc, sặc mùi khiêu khích, kích động ấy bởi “điệp khúc này” không hề mới, nó đã xuất hiện từ lâu, đã được “tua đi tua lại nhiều lần” kể từ ngày chủ nghĩa Mác còn là “một bóng ma ám ảnh châu Âu” cho đến khi trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân quốc tế từ những năm 70 của thế kỷ XIX; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh chống các thế lực phản động, phản cách mạng, chống áp bức, bóc lột, bất công; giành thắng lợi về tay mình; thực hiện “sự đổi đời” nhờ giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội…

Chính sự ra đời của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới, trong đó có Việt Nam là minh chứng hùng hồn bác bỏ sự xuyên tạc, lừa bịp lạc lõng ấy. Là con người có trí tuệ, có lương tâm và trách nhiệm thì đương nhiên phải thừa nhận một sự thật không thể chối cãi: Chủ nghĩa Mác – Lênin là một khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc. Nó nghiên cứu, chỉ ra những quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đó là điểm khác biệt căn bản mà các luận thuyết của các bậc tiền bối và những người cùng thời với C. Mác, Ph. Ăngghen đã không thể có được bởi có học thuyết của họ dựa trên lập trường thế giới quan duy vật nhưng phương pháp tư duy lại siêu hình; có học thuyết, phương pháp tư duy biện chứng nhưng quan điểm lại rơi vào duy tâm, tôn giáo hoặc rơi vào chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Vượt lên trên mọi thiên kiến và các rào cản đương thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã phát hiện ra quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Qua đó chỉ rõ quy luật phát triển của lịch sử, xã hội loài người không phải do thánh thần, chúa trời tạo ra hoặc một lực lượng siêu nhiên sáng tạo mà do những mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, dẫn đến những mâu thuẫn không thể tránh khỏi của xã hội biểu hiện ở mâu thuẫn giữa các giai cấp, đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội.

Với quan điểm duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội và tư duy, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và những người cộng sự đã chấm dứt sự lũng đoạn và giải thích sai lầm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong luận giải các hiện tượng tự nhiên, xã hội và lịch sử; qua đó, các ông đã tìm ra quy luật vận động, phát triển khách quan của thế giới và lịch sử xã hội loài người.

Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin không những được thể hiện ở giá trị của phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa nhân đạo trong hai phát kiến vĩ đại của C. Mác: Quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, mà còn thể hiện sâu sắc ở việc C. Mác và Ph. Ăngghen phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, chính giai cấp này có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, kết thúc chế độ người áp bức, bóc lột người; xây dựng chế độ xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn. Điều này là hoàn toàn khách quan bởi lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử – tự nhiên, theo quy luật vận động nội tại, khách quan của nó, cái mới sẽ thay thế cái cũ, cái tiến bộ sẽ thay thế cái lạc hậu; chủ nghĩa xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản, giống như chủ nghĩa tư bản đã từng thay thế chủ nghĩa phong kiến.

Lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới từ Công xã Pa ri, đến Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 và thực tế công cuộc cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay; đặc biệt là thực tiễn đổi mới ở Việt Nam hơn 35 năm qua đã khẳng định sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin; khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin thật sự là “vũ khí lý luận sắc bén”, “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân cải tạo thế giới. Bản chất khoa học, cách mạng của chân lý này thể hiện ở chỗ:

(1) Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay chỉ ra mục tiêu, con đường, lực lượng, chiến lược, sách lược và phương pháp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, giải phóng nhân loại; xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; đem lại cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.

(2) Chủ nghĩa Mác – Lênin đã tìm ra các quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, vạch ra những “bí mật” của các hình thái kinh tế – xã hội, chỉ ra động lực và chủ thể phát triển của lịch sử chính là do con người và sản xuất vật chất – cơ sở quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội. Dù ai có xuyên tạc hoặc cố tình bôi đen, hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lênin thì sự thật ấy vĩnh viễn không thể thay đổi. Đây là điều khách quan, cơ sở khoa học để luận giải sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội.

(3) Chủ nghĩa Mác – Lênin là sự thống nhất biện chứng giữa học thuyết duy vật với phương pháp biện chứng, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tính đảng, tính cách mạng và tính khoa học, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin luôn là một học thuyết mở, sống động, có khả năng tự đổi mới, tự phát triển trong dòng chảy tư duy, trí tuệ của nhân loại, luôn thu nạp, tích hợp những thành tựu, tinh hoa trí tuệ mới nhất, tiến bộ nhất của nhân loại để không ngừng phát triển.

(4) Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải là học thuyết giáo điều, kinh viện, không phải là học thuyết vạn năng mà là kim chỉ nam cho hành động bởi linh hồn sống của nó – phép biện chứng duy vật là không bao giờ bất động, hoặc lùi bước, chấp nhận sự thỏa hiệp nào với quan điểm duy tâm, tôn giáo, phương pháp tư duy siêu hình. Nó liên tục được cập nhật, bổ sung bằng những tri thức mới từ thành tựu khoa học, tinh hoa văn hóa nhân loại và tiếp tục phát triển trong dòng chảy của tư duy nhân loại và thực tiễn cách mạng

Năm tháng sẽ đi qua, một số luận điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin có thể không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay; đó cũng là lẽ đương nhiên vì C. Mác, Ph, Ăngghen, V.I. Lênin và các bậc tiền bối khác cũng là những con người, học thuyết, quan điểm, tư tưởng của các ông cũng là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử, chịu sự quy định của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, nhưng tinh hoa của phép biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết giá trị thăng dư và chủ nghĩa nhân văn với khát vọng đấu tranh giải phóng con người, xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp cùng với hệ thống tư tưởng khoa học, cách mạng cốt lõi của nó là những giá trị vĩnh hằng, sống mãi. Chính giá trị khoa học, cách mạng và nhân văn, nhân đạo sâu sắc, bền vững này mà chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ có nó mà Đảng ta, Nhân dân ta đứng trước những biến động dữ dội của tình hình, sự chuyển đổi sâu sắc của thời cuộc vẫn tự tin khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Sự thật nói lên tất cả, chân lý và niềm tin khẳng định rõ ràng chủ nghĩa Mác – Lênin không bao giờ cũ, lỗi thời, lạc hậu; chỉ có những người vận dụng nó với cách nghĩ, tầm nhìn cũ kỹ, lỗi thời, lạc hậu hoặc mắc những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình xây dựng đất nước thì đương nhiên phải trả giá đắt, bị chính thực tiễn cuộc sống đào thải. Hãy dừng việc quy kết, đỗ lỗi cho chủ nghĩa Mác – Lênin là cũ, lỗi thời, lạc hậu nếu ai đó còn có chút lương tâm, danh dự của một con người.

Đối với Nhân dân ta, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã giành được trong hơn 92 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chân lý, bởi ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin là chắc chắn nhất, sâu sắc nhất và chân chính nhất, là “cẩm nang thần kỳ” cần thiết để đưa dân tộc ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vì sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét