Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Vì sao Mỹ không có sự ủng hộ của Trung Đông trong cuộc chiến Nga-Ukraine?

 MISTEN - Sự “im hơi lặng tiếng” của nhiều nước Trung Đông giống như “gáo nước lạnh” dội vào các nỗ lực của Mỹ nhằm vận động đồng minh và đối tác ủng hộ cho Ukraine.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn Saudi Arabia bơm thêm dầu mỏ ra thị trường, còn Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngừng giúp đỡ giới tài phiệt Nga tránh biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Nhưng những quốc gia này vẫn không có bất cứ động tĩnh gì.

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các quan chức Mỹ được cho là đã cố gắng dàn xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Nhưng UAE đã từ chối đề nghị này. Sau đó, ông Mohammed bin Salman đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là ví dụ mới nhất trong thời kỳ lạnh giá trong quan hệ giữa Mỹ với một số nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu ở Trung Đông. Trước đó, Tổng thống Biden từng gọi Saudi Arabia là “một quốc gia bị bài xích” và tuyên bố sẽ trừng phạt nước này do liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Trung Đông cảm thấy bị bỏ rơi

Cuộc chiến Nga-Ukraine khiến Mỹ nhận ra rằng, họ cần phải củng cố quan hệ với Saudi Arabia và các quốc gia khác ở Trung Đông thêm một lần nữa. Mỹ và châu Âu muốn các đối tác ở Trung Đông bơm thêm dầu mỏ ra thị trường để hạ giá năng lượng toàn cầu cũng như ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga.

Nhưng Trung Đông không đưa ra bất cứ cam kết nào. Những quốc gia dầu mỏ như Saudi Arabia và UAE vẫn tuân theo giới hạn về sản lượng dầu thô theo thỏa thuận đã được nhóm OPEC + thông qua. Họ cũng lo ngại việc tăng sản lượng dầu sẽ khiến giá dầu thô giảm và ảnh hưởng tới doanh thu của các nhà sản xuất.

Trong khi hàng loạt quốc gia siết chặt trừng phạt Nga thì UAE lại chào đón các nhà tài phiệt Nga, cho phép họ chuyển tài sản từ châu Âu sang Dubai. Các nước khác trong khu vực, như Iraq, Jordan và Israel đã từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.  

Vậy, điều gì khiến Mỹ - một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua không thể thuyết phục các đồng minh và đối tác trong khu vực đứng về phía họ trong cuộc xung đột Ukraine?

Kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Washington đã đánh đổi sự đảm bảo về quân sự để có được sự đảm bảo an ninh năng lượng từ khu vực. Tuy nhiên, khi Mỹ bắt đầu tự khai thác dầu ở trong nước kể từ năm 2019, nước này đã xuất khẩu nhiều xăng dầu hơn là nhập khẩu, do đó vai trò của các nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông đối với Mỹ ít quan trọng hơn.

Báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) công bố vào tháng 4 vừa qua chỉ ra rằng, Mỹ vẫn là “nhà đảm bảo an ninh và nhà xuất khẩu vũ khí chiếm ưu thế trong khu vực”. Washington có nhiều căn cứ quân sự lớn ở khắp Trung Đông, với khoảng 45.000 đến 60.000 nhân viên. Nhưng sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực đang giảm dần và điều đó tạo cơ hội cho các quốc gia khác lấp chỗ trống, ECFR lưu ý.

Ông Aaron D. Miller – thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng: “Trong hơn 20 năm qua, dù Mỹ không rút hoàn toàn khỏi khu vực, nhưng các ưu tiên của nước này đã thay đổi”.

Hy vọng hàn gắn quan hệ

Chuyên gia Aaron D. Miller cho rằng, Trung Đông vẫn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ song vai trò của họ không còn quá quan trọng như trước. “Trong bối cảnh đó, các đối tác trong khu vực dường như cảm nhận được rằng người bảo trợ an ninh – một khách hàng quen thuộc đang ít chú ý đến họ hơn. Do vậy, họ đã tìm cách tiếp cận với những bên khác”.

Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong năm 2020, 47% số dầu thô nhập khẩu vào nước này đến từ Trung Đông. Saudi Arabia đứng đầu danh sách quốc gia bán nhiều dầu thô nhất cho Trung Quốc. 

Quốc gia châu Á này cũng nỗ lực củng cố các mối quan hệ của họ với Trung Đông, chẳng hạn như hỗ trợ Saudi Arabia phát triển tên lửa đạn đạo, mua lại các cơ sở sản xuất dầu của Iraq và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Iraq.

Ông Bilal Saab, Giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Trung Đông ở Washington, lưu ý: “Các nước Trung Đông cũng có những lợi ích riêng và Mỹ không phải là người chơi duy nhất trong sân chơi này. Họ có những lựa chọn khác. Dù lựa chọn này có thể không tốt bằng Mỹ, nhưng luôn sẵn có”.

Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn và tình hình kinh tế toàn cầu xấu đi (một phần do giá xăng dầu tăng cao), Mỹ đang cố gắng giành lại nền tảng mà họ đã mất vào tay các bên khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga.

Tháng 5 vừa qua, phái đoàn cấp cao do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dẫn đầu, đã đến thăm UAE và gặp gỡ Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Tuần này, truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Mỹ sẽ thăm Saudia Arabia vào giữa tháng 7 tới để gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - điều mà trước đây ông Biden luôn ngần ngại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể thuyết phục các nước Trung Đông đứng về phía Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine và trừng phạt Nga, Washington cần đưa ra những đề xuất hợp tác cùng có lợi. Nhà phân tích Bilal Saab nhấn mạnh, “một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng là phát triển hệ thống phòng không và tên lửa”. Đây là điều mà các quốc gia như Saudi và UAE cần để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ lực lượng Houthi tại Yemen từng làm gián đoạn nghiêm trọng việc khai thác dầu mỏ của Saudi Arabia.

“Nhưng nếu họ muốn mua lại tên lửa của các nước khác hoặc phát triển tên lửa đạn đạo dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc thì đề xuất mà Mỹ đưa ra có thể vô ích”, ông Bilal Saab lưu ý.

                                                                                                                                                      vov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét