Ông Samdech Hun Sen quyết định chọn Việt Nam để kêu gọi sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn nhất, gian nguy nhất. Lịch sử đã chứng minh rằng quyết định của ông Hun Sen hoàn toàn đúng đắn
Cách đây 45 năm, (20/6/1977-20/06/2022), Thủ tướng Campuchia Hun Sen, lúc đó là Trung tá trong hàng ngũ của Pol Pot cùng với một số đồng đội đã buông súng, băng rừng, vượt suối sang Việt Nam, với ước vọng đánh tan chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu người dân Campuchia đang đứng bên bờ vực của diệt chủng. Nhờ sự giúp đỡ chí cốt, chí tình của quân và dân Việt Nam, ông Hun Sen cùng với các đồng đội đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang trong nước và cùng quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot ngày 07/01/1979, cứu hàng triệu người dân Campuchia thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”, mang lại hòa bình và thịnh vượng cho Campuchia như ngày hôm nay.
Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Campuchia đã có cuộc trò chuyện với ông Long Dany, Giám đốc trung tâm tư liệu Koh Thmor, Trung tâm tư liệu quốc gia Campuchia về ý nghĩa lịch sử của sự kiện Thủ tướng Hun Sen ra đi tìm đường cứu nước.
PV: Ông có thể cho biết về ý nghĩa của hành trình tìm đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen cách đây 45 năm (20/6/1977-20/06/2022)?
Ông Long Dany: Theo tôi, đây là một sự kiện rất quan trọng, đánh dấu thời điểm bắt đầu quá trình chiến đấu, hi sinh đầy gian khổ của Samdech Hun Sen và các nhà lãnh đạo khác vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Đó cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng khi ông Samdech Hun Sen quyết định chọn Việt Nam để kêu gọi sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn nhất, gian nguy nhất. Lịch sử đã chứng minh rằng quyết định của ông Hun Sen hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt khi đặt niềm tin vào những người bạn Việt Nam, những người đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng dưới ách thống trị bạo tàn của bè lũ Pol Pot.
Ông Hun Sen từng khẳng định rằng, ông sẵn sàng lấy sinh mạng của mình để làm vốn chiến đấu lật đổ chế độ Pol Pot, mang lại sự sống cho cả dân tộc Campuchia.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam trong thời điểm lịch sử quan trọng này ?
Ông Long Dany: Trong quá trình giải phóng Campuchia, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Việt Nam giữ vai trò hết sức quan trọng. Nếu như không có những người lính tình nguyện Việt Nam xuất hiện, không có sự giúp đỡ từ Việt Nam thì quân giải phóng Campuchia khi đó còn non nớt, lực lượng mỏng, yếu, rất khó có thể đánh đổ được chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Mặc dù đất nước Việt Nam khi đó cũng vừa mới bước ra từ một cuộc chiến tranh, nhưng đã bất chấp khó khăn, hy sinh cả xương máu để giúp đỡ Campuchia, nhân dân Campuchia luôn luôn ghi nhớ công lao này.
Việc lật đổ chế độ Pol Pot có giá trị vô cùng to lớn và không gì có thể so sánh được, bởi việc này đã cứu giúp hơn 5 triệu người dân Campuchia còn lại được sống. Cũng từ đây mà đất nước Campuchia đã được hồi sinh và phát triển như ngày nay
PV: Lịch sử 45 năm qua đã chứng minh, từ những nền móng đầu tiên mà Thủ tướng Hun Sen đã tạo lập, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Campuchia đang ngày càng phát triển. Vậy theo ông, các lớp thế hệ sau này cần làm gì để tiếp tục gìn giữ và phát huy mối quan hệ ấy?
Ông Long Dany: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi thấy rằng sự thật lịch sử luôn giữ một vai trò quan trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu về lịch sử sẽ giúp cho các thế hệ trẻ hiểu biết và có những suy nghĩ, nhận xét chính xác của mình. Việc nghiên cứu và giáo dục về tội ác của chế độ diệt chủng là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta hiểu rõ về tội ác của Pol Pot, chúng ta sẽ biết đánh giá, biết tìm cách ngăn chặn không cho những hành động bạo tàn này quay trở lại Campuchia, ASEAN hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới.
Cùng với đó, chúng ta cần phải tăng cường nghiên cứu, học tập lịch sử, đặc biệt là mối quan hệ keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Nếu như thế hệ trẻ hai nước hiểu về lịch sử thì sẽ càng hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Campuchia – Việt Nam sẽ ngày càng phát triển bền chặt hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét