Bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Với vị trí địa lý nằm ở khu vực Đông Nam Á có ba mặt giáp biển,
Việt Nam rất thuận lợi trong mối giao lưu với các nước trên thế giới và cũng là
nơi rất dễ cho việc thâm nhập các luồng văn hóa, các tôn giáo. Với sự đa dạng
các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam được ví như “bảo tàng tôn giáo” của
thế giới. Điều đó đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú và đặc
sắc. Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư
cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành,
Phật giáo Hòa Hảo.
Việt Nam có chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp
luật. Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không được lợi dụng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động
bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính
sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây
rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài
sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động
mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều đó đã quy
định rõ trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta.
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng
là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện,
chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) khẳng định “Tín ngưỡng, tôn
giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân
tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo
là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính
sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo
một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Quan tâm và tạo điều
kiện cho các tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo
đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Các Hiến pháp của nước ta năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm
1992 và năm 2013 đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán và xuyên suốt là tôn trọng
quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi
rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn
giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn
giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và
Chính phủ có Nghị định hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan
trọng phù hợp với yêu cầu của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ mới
của đất nước, đồng thời thể hiện sự tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo
đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của nhân dân.
Hiện 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo,
trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng,
tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng
nhân dân. Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành
công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành
(năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa
Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế
ghi nhận và đánh giá cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét