Thời gian qua, tình hình an toàn, an
ninh mạng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các nước. Ở nước ta, các
thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng triệt để không gian mạng để
chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân. Vì vậy, nâng cao nhận thức
trách nhiệm về xây dựng và bảo vệ không gian mạng là hết sức quan trọng và cấp
thiết…
LỢI ÍCH VÀ CÁC THÁCH THỨC
Không gian mạng đã và đang mang lại
nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, tổ chức và cá nhân. Cùng
với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, các công nghệ mạng 4G,
5G, các trang mạng xã hội, các thiết bị IoT, dịch vụ điện toán đám mây… không
gian mạng đang làm cho con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động,
tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã
biến không gian mạng trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực
hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao
động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi
địa lý, ngôn ngữ, không gian và thời gian.
Lợi ích của không gian mạng còn được
biết đến là nền tảng số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Chiến
lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển
đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, không gian mạng là nơi diễn
ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường
số; các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra
trên không gian mạng. Khi đó, không gian mạng thật sự trở thành không gian với
nguồn tài nguyên số vô tận, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, xã hội và đặc biệt là con người.
Cùng với những lợi ích to lớn, không
gian mạng đang tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an
ninh con người và trật tự an toàn xã hội. Đó là những thách thức về tình báo
mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và
hàng loạt nguy cơ khác. Nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí
mật Nhà nước sẽ bị lộ lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống
thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công
nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực
khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động.
Thời gian qua, các thế lực thù địch đã
lợi dụng môi trường mạng xã hội để xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm,
nền tảng tư tưởng của Đảng; lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực
lượng, thành lập các tổ chức chống đối; tán phát tài liệu, kêu gọi tuần hành,
biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh
đó, không gian mạng còn bị lợi dụng gây nên những thiệt hại về tài sản, tinh
thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người. Không ít vụ lừa đảo qua mạng,
những người đăng tải lời nhận xét, bình luận, chia sẻ, thậm chí tự dựng lên
những câu chuyện, clip sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, danh dự, uy
tín của tổ chức, cá nhân.
Không những thế, không gian mạng đang
trở thành và là môi trường trong một hình thái tác chiến mới, đó là tác chiến
không gian mạng. Nó đang tạo ra các nguy cơ về chiến tranh không khói súng,
không chiến tuyến, không biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia với sự tham gia
của mọi đối tượng trên môi trường mạng bao gồm: Các nhóm tin tặc được nhà nước
tài trợ; các nhóm tin tặc chuyên nghiệp, phi chính phủ; các nhóm Script Kiddies
(hacker nghiệp dư)…
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền
thông (trong tham luận tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian
mạng Việt Nam-Vietnam Security Summit 2022 diễn ra ngày 23-6-2022): Tội phạm
mạng có xu hướng sử dụng các công nghệ mới, hiện đại, nhiều tính năng phức tạp
khiến cho việc phát hiện và xử lý hậu quả của những cuộc tấn công trở nên phức
tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn. Những cuộc tấn công mã độc kết hợp với công
nghệ trí tuệ nhân tạo hoặc sử dụng công nghệ giả lập hành vi của người dùng, để
tấn công vào các hạ tầng trọng yếu, các chuỗi cung ứng, nhà máy… đang đặt ra
nhiều thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội
số.
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, XÁC ĐỊNH RÕ
TRÁCH NHIỆM
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác
định: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng
trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh
quốc gia; nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi
số, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội
số, công dân số trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn
quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, đã ban
hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên
không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về
Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An
ninh mạng năm 2018, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18-10-2019 của Chính phủ về
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị…
Xây dựng và bảo vệ môi trường không
gian mạng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân
nhằm tạo ra một xã hội ảo trên internet lành mạnh, an toàn, bền vững, thể hiện
đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Để nâng cao hiểu biết trách nhiệm về xây dựng
và bảo vệ không gian mạng, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác giáo dục,
nâng cao nhận thức về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên
không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Bộ luật
Hình sự (năm 2015) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông;
Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật An ninh mạng (năm 2018)… Phòng
ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả các đợt tấn công mạng, khủng bố
mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.
Lên án các hành vi sử dụng không gian
mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua
chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc
lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai
sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi
giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Đấu tranh với các biểu hiện, hành
động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc
lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
hoặc để trục lợi… Các cơ sở giáo dục sớm đưa nội dung giáo dục bảo đảm an ninh
không gian mạng quốc gia vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp
học.
Hoạt động tấn công mạng rất đa dạng và
tinh vi, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần cảnh giác trước thủ đoạn
của các thế lực thù địch. Hiện nay, chúng đang có âm mưu tấn công đánh sập các
website của Chính phủ, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các
website nhằm lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân; tấn công bằng mã độc; tấn công
ẩn danh bằng những phần mềm độc hại;… Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng blog cá
nhân để lôi kéo, kích động những phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập
các tổ chức chống đối xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư
tưởng của Đảng…
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và
cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ không gian
mạng. Nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ
xây dựng và bảo vệ không gian mạng quốc gia. Tuân thủ quy định của pháp luật về
bảo vệ an ninh mạng; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến an ninh mạng,
nguy cơ đe dọa an ninh mạng và các hành vi xâm phạm khác, thực hiện yêu cầu và
hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Mỗi cá nhân cần nghiên cứu và sử dụng
tốt các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin như bảo vệ tài khoản cá
nhân bằng xác thực mật khẩu 2 lớp; tạo thói quen quét virus trước khi mở file;
thực hiện sao lưu dự phòng với các dữ liệu quan trọng;… Người dùng cần cảnh giác
với những trang web lạ, những email chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi
ngờ; cập nhật bản trình duyệt, hệ điều hành và các chương trình sử dụng; dùng
những phần mềm diệt virus uy tín và được cập nhật thường xuyên, không tắt
chương trình diệt virus trong mọi thời điểm.
Cùng với đó, các cơ quan chuyên trách
an ninh mạng cung cấp đầy đủ thông tin về xu hướng phát triển, những nguy cơ từ
không gian mạng; các biện pháp phòng, chống tấn công trên không gian mạng. Các
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tăng cường cảnh báo khả năng
mất an ninh mạng do đơn vị mình cung cấp và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xây
dựng các phương án xử lý với sự cố an ninh mạng; phối hợp, tạo điều kiện cho
lực lượng chuyên trách trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng.
Đa.St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét