Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022
Biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm!
Đây là một dự luật mới nhận được sự quan tâm của dư luận, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đánh giá là cần thiết phải ban hành trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng có những diễn biến phức tạp.
Có thể nói, vùng biên giới, biển, đảo, chủ quyền quốc gia không chỉ có vai trò là phên giậu, cửa ngõ của Tổ quốc, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của đất nước.
Lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bất cứ lúc nào sức mạnh của nhân dân được phát huy, thì đất nước vững mạnh, phát triển. Ngược lại, khi nào lòng dân ai oán, bức xúc, thiếu niềm tin vào các cơ quan quyền lực, thì đất nước sẽ suy yếu và lâm nguy.
Nhận thức rõ chân lý “đẩy thuyền đi là dân, mà lật thuyền cũng là dân”; Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”; Phát huy những giá trị cao đẹp tư tưởng của Bác, Đảng ta xác định, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng.
Đáng chú ý, việc quản lý và phát triển đường biên giới vừa là công việc của mỗi quốc gia, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia. Thực tế cho thấy, công tác biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia thời gian qua đều có tiến triển. Về cơ bản, đường biên giới trên bộ của nước ta với các nước láng giềng được bảo vệ ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, hòa bình, hữu nghị.
Với Campuchia, chúng ta hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc và mới ký hai văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả này ngày 5/10/2019.
Đối với Lào và Trung Quốc, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, đã ký các Điều ước quốc tế về quy chế biên giới và cửa khẩu. Như vậy, với hai nước này, nhiệm vụ chính là tập trung vào việc thực hiện các văn kiện pháp lý liên quan đến quản lý biên giới, đồng thời, trong quá trình thực hiện, sẽ xem xét việc bổ sung, điều chỉnh các quy định của các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới nếu có nảy sinh những vướng mắc, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế.
Vấn đề dư luận cả nước quan tâm nhất là đường biên giới trên biển, sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc đang thể hiện sự ngang ngược, cũng như xem thường pháp lý quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước (trong đó có Việt Nam), khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển của chúng ta trở thành nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức.
Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt.
Đáng mừng là, công tác đối ngoại đã sử dụng linh hoạt, triệt để các biện pháp chính trị-ngoại giao, mọi kênh đối thoại, tiếp xúc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài.
Có thể thấy, công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cả trên bộ và trên biển luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi tư duy trí tuệ, tầm nhìn sâu rộng, dài hạn của người đứng đầu. Nhưng, phải khẳng định rằng, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
Những gì mà Việt Nam đã, đang và sẽ làm trong công cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ hình hài đất nước đang minh chứng cho một tinh thần nhất “không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”- lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cuối cùng, xin mượn lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Ngày nay các thế hệ con cháu ta tiếp tục truyền thống giữ nước và ý chí kiên cường ấy, quyết tâm xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vững chắc bờ cõi, một ly, một lai lãnh thổ mất là có tội với tiền nhân”. Đó là ước nguyện của toàn dân tộc Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét