Thực hiện Phong trào Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp mang lại sự đổi thay toàn diện ở 4 xã biên giới.
Qua đó góp phần củng cố thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên dải đất biên cương có chiều dài 71,972km đường biên giáp nước bạn Campuchia...
Thắm tình quân dân
Từ thành phố Buôn Ma Thuột, đi theo Tỉnh lộ 1 hơn 53km hướng lên biên giới Việt Nam-Campuchia, chúng tôi tới xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Đây là một trong 4 xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Địa bàn Krông Na giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh Đắk Lắk và cả vùng Tây Nguyên. Trên địa bàn có 3 đồn biên phòng và tiểu đoàn huấn luyện-cơ động đóng quân, với chiều dài đường biên giới hơn 45,5km. Cũng chính từ đặc điểm này nên trong sự phát triển của vùng đất Krông Na luôn có dấu ấn của BĐBP.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê tham gia làm đường NTM xã Ia Lốp (Ea Súp). Ảnh Ngọc Lân. |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Sỹ Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na khẳng định: Bây giờ đến bất cứ thôn, buôn nào, vào bất kỳ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào ở xã Krông Na đều thấy những đóng góp của BĐBP. Việc đưa 12 đảng viên là BĐBP về sinh hoạt tạm thời tại 8 chi bộ thôn, buôn không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu mà còn xây dựng chi bộ thôn, buôn có cấp ủy và đạt trong sạch vững mạnh.
Hay việc phân công 15 cán bộ BĐBP của các đơn vị đóng quân trên địa bàn phụ trách 65 hộ dân diện khó khăn đã giúp các hộ dân vươn lên ổn định đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, các đơn vị BĐBP từ tỉnh đến các đồn và tiểu đoàn huấn luyện-cơ động đã huy động hỗ trợ địa phương hàng chục tỷ đồng xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế; xóa nhà tạm, tặng giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo; đỡ đầu các cháu học sinh nghèo vượt khó.
Tới nhà chị H’ Vít Hwing ở buôn Trí, một trong 5 hộ được Thiếu tá QNCN Bun Khét Lào, cán bộ Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk phụ trách, chúng tôi được nghe chị tâm sự: “Gia đình mình có 5 khẩu, trước thuộc diện nghèo. Từ ngày được BĐBP hỗ trợ, vợ chồng mình biết cách chăm sóc 2ha rẫy trồng điều và mì (sắn). Chồng mình bỏ hẳn nghề đi rừng, không vi phạm lâm luật mà chăm chỉ lao động. Hai năm gần đây, gia đình mình đã thoát nghèo”.
Từ trung tâm xã, chúng tôi cùng Trung tá QNCN Vũ Văn Tín, cán bộ Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk, tăng cường giữ cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã Krông Na nhiệm kỳ 2020-2025, đến buôn Drăng Phôk. Đây là buôn xa nhất của xã Krông Na, nằm biệt lập giữa Vườn quốc gia Yok Đôn, cũng là buôn gần biên giới nhất. Drăng Phôk hiện là nơi định canh, định cư của 140 hộ, 521 nhân khẩu thuộc 8 dân tộc anh em, trong đó chiếm đa số là người dân tộc Ê Đê và Mơ Nông.
Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu những việc làm của BĐBP trong hành trình chung sức xây dựng nông thôn mới, Buôn trưởng Y Cường Niê hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa nước hai vụ, thời điểm này, lúa vụ hè-thu đang chắc hạt. Anh cho biết, cánh đồng rộng 27ha được bộ đội hỗ trợ khai hoang từ năm 1992 nhưng chỉ sản xuất một vụ bấp bênh do không chủ động nước tưới. Đến năm 2007 có công trình thủy lợi và được BĐBP giúp làm hệ thống kênh mương nội đồng, bà con đã sản xuất hai vụ ăn chắc, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha, chủ động được lương thực tại chỗ.
Cũng ở Drăng Phôk, năm 2004, Bộ đội Biên phòng xây dựng phòng khám quân dân y, mỗi năm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 500 lượt người dân; huy động các nguồn kinh phí xây dựng 4 công trình cấp nước sinh hoạt và 1 công trình đường điện “Thắp sáng đường quê”. Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Sê-rê-pôk còn nhận nuôi cháu Y Phú M’lô, học sinh tiểu học và đỡ đầu cháu Y Sấm M'lô, học sinh THCS.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, BĐBP tỉnh luôn chung sức, đồng lòng hỗ trợ bà con phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thế trận biên phòng toàn dân. Đến nay, trên địa bàn các xã biên giới: Ia Rvê, Ia Lốp, Ea Bung (Ea Súp) và Krông Na (Buôn Đôn) có hơn 6.000 hộ, hơn 22.000 nhân khẩu thuộc 26 dân tộc anh em, định cư ở 38 thôn, buôn biên giới; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 39,3%. Bà con yên tâm, gắn bó với BĐBP, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày một vững chắc.
Cũng theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, từ năm 2012 đến nay, BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã huy động hơn 100 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi, mở đường giao thông, trường học. Thông qua nhiều chương trình phối hợp, BĐBP tỉnh đã xây dựng, trao 201 căn nhà tặng người có công và hộ dân khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn sản xuất 680 triệu đồng, tặng 103 con bò giống, trao 1.743 suất quà tặng hộ nghèo; xây dựng 30 công trình dân sinh, gồm 19 giếng khoan, 4 công trình nước sạch, 3 phòng học, 1 nhà văn hóa cộng đồng, 3 phòng khám quân dân y kết hợp và nhân rộng mô hình “Thắp sáng đường quê” ở 38 thôn, buôn vùng biên.
Trong xây dựng hệ thống chính trị, BĐBP đã tham mưu, củng cố kiện toàn 4 đảng bộ xã, 38 chi bộ thôn, buôn và phát triển 356 đảng viên mới, trong đó có 116 đảng viên người dân tộc thiểu số. Đảng ủy BĐBP tỉnh bố trí 4 cán bộ tăng cường cho đảng ủy các xã biên giới, giữ cương vị phó bí thư đảng ủy; tham mưu cho tỉnh ủy, huyện ủy bố trí 7 cán bộ, đảng viên BĐBP tham gia vào cấp ủy từ tỉnh đến xã và 7 đồng chí tham gia HĐND các cấp. Đặc biệt, BĐBP tỉnh Đắk Lắk giới thiệu 52 đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại 38 chi bộ thôn, buôn; phân công 72 cán bộ, đảng viên phụ trách 333 hộ gia đình diện khó khăn, giúp đỡ bà con vươn lên...
Trên các lĩnh vực y tế và giáo dục, BĐBP tỉnh Đắk Lắk đang hỗ trợ 43 học sinh trong các Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”; mở 7 lớp xóa mù chữ cho 225 học viên, trao 140 xe đạp tặng học sinh nghèo; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí với trị giá 421,9 triệu đồng cho gần 14.000 lượt người dân. Trong số học sinh được BĐBP hỗ trợ có em Hồ Thị Thu Thảo (thôn 6, xã Ia Rvê) thi đỗ Trường Đại học Tài chính-Marketing (năm 2020) và tiếp tục được đồng chí Phó chính ủy BĐBP tỉnh đỡ đầu với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đến khi tốt nghiệp ra trường. Đến nay, trên địa bàn 4 xã biên giới đã thành lập 38 tổ tự quản an ninh trật tự với 310 thành viên; có 38 tập thể, 489 hộ dân và 1.569 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 71,972km đường biên và 7 mốc giới.
Với sự chung tay hiệu quả của BĐBP, trong 4 xã biên giới, tuy thời điểm phát động năm 2012 các xã có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 2 đến 6 tiêu chí nhưng đến đầu năm 2021, xã Ea Bung đã về đích nông thôn mới. Hiện nay, các xã Ia Rvê đạt 11/19 tiêu chí, Ia Lốp đạt 12/19 tiêu chí và Krông Na đạt 13/19 tiêu chí. Năm 2022 này và giai đoạn tiếp theo, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk xác định trong hành trình chung sức xây dựng NTM các xã vùng biên, bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tập trung nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ phù hợp để hoàn thành tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, sớm cán đích NTM theo đúng nghị quyết của cấp ủy địa phương đề ra.
Nguồn: QĐND.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét