Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trên internet, mạng xã hội diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn mới xuất hiện. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng các đối tượng lừa đảo ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo nên nhiều người vẫn "mắc bẫy".
Mới
đây, một phụ nữ ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã mất gần 1 tỷ đồng khi bị lừa làm
cộng tác viên bán hàng trên mạng. Cụ thể, theo đơn trình báo của chị N (nhân
vật đề nghị giấu tên-PV), chị nhận được một lời mời làm cộng tác viên chạy
quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee...
Sau
khi tham gia vào công việc, chị N được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các
đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Mỗi ngày, chị được giao 7-15 nhiệm vụ với
số tiền thưởng dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/nhiệm vụ. Chị N đã dùng tiền
trong tài khoản của mình thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền là gần 1 tỷ
đồng.
Dù
đối tác hứa sẽ trả cho chị N cả tiền ứng thanh toán đơn hàng và tiền hoa hồng
khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng sau đó, chị N không nhận được gì nên đến cơ quan công
an trình báo.
Một
vụ lừa đảo khác, ngày 22-9-2022, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết
định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Khánh Linh (trú tại Đan
Phượng, Hà Nội). Theo điều tra, Linh sử dụng tài khoản Facebook “Khánh Linh”
đăng bài với nội dung cung cấp dịch vụ nâng hạn mức thẻ tín dụng ngân hàng.
Ngày
10-9-2022, chị T đọc được bài viết của Linh nên đã nhắn tin đề nghị nâng hạn
mức thẻ tín dụng của bản thân từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Đối tượng
Linh bảo rằng, để nâng được hạn mức thẻ thì cần phải cung cấp tài khoản và mật
khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng. Do nhẹ dạ cả tin, chị T đã cung cấp thông tin
cho Nguyễn Khánh Linh. Có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của chị T nên
đến tối cùng ngày, khi em gái chị T vừa chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của
chị T thì Linh đã chuyển luôn vào tài khoản của mình để chiếm đoạt.
Tại
TP Hồ Chí Minh, trong các ngày 24 và 27-9-2022, Công an huyện Bình Chánh và
Công an quận Tân Phú đã triệt phá hai băng nhóm lừa đảo bằng thủ đoạn đóng giả
nhân viên ngân hàng dụ dỗ khách hàng vay vốn với lãi suất 0% kèm điều kiện phải
mua bảo hiểm. Băng nhóm thứ nhất gồm: Lê Thị Thanh Sáu (trú tại quận Tân Phú,
cầm đầu) và Nguyễn Quốc Đạt (trú tại tỉnh Đồng Nai) cùng 6 đối tượng khác; băng
nhóm thứ hai do Nguyễn Hồng Thạch (trú tại tỉnh Đồng Nai) điều hành, với sự
giúp sức của 82 đối tượng khác.
Thủ
đoạn của hai băng nhóm này là đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng có
cho vay các khoản từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%. Khách
hàng chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng
tùy theo số tiền muốn vay. Khi bị hại đồng ý vay và chuyển tiền mua bảo hiểm,
các đối tượng gửi bưu phẩm gồm giấy tờ và thẻ ngân hàng cho bị hại.
Đến
khi bị hại ra cây ATM rút tiền mới biết là thẻ giả. Công an TP Hồ Chí Minh
khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền
nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã
hội.
Những
lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải
ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người
dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư
vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài
những thủ đoạn trên, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” khác để lừa
đảo, như: Tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội về nạn nhân, rồi giả danh cán bộ
các cơ quan hành pháp gọi điện để đe dọa, nói nạn nhân có liên quan đến các vụ
án, đề nghị cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra, gợi ý nộp tiền
"chạy tội" hoặc cung cấp những thông tin cá nhân để chúng chiếm đoạt
phục vụ mục đích lừa đảo; nhiều đối tượng tìm cách chiếm quyền điều khiển tài
khoản Facebook, giả danh chủ tài khoản mạng xã hội để lừa vay tiền, mượn tài
sản...
Thủ
đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi. Thông qua các hoạt động trên mạng
xã hội, chúng tìm hiểu về các mối quan hệ của người bị hại. Tạo các tài khoản
giống với bạn bè, người thân của người bị hại. Sau đó nhắn tin, nhờ chuyển
khoản, vay tiền.
Trường
hợp anh H (trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) là một điển hình. Anh H nhận được
tin nhắn vay tiền từ tài khoản Facebook giống với người thân của anh. Để xác
nhận mình nói chuyện với đúng người, anh H yêu cầu người này gọi video thông
qua ứng dụng Facebook Messenger. Người này gọi lại và anh H xác nhận đúng là
người quen, rồi đồng ý chuyển khoản tiền 50 triệu đồng.
Sau
này, đến hạn trả tiền, anh H liên lạc vào tài khoản Facebook nói trên thì bị
chặn. Thấy khả nghi, anh H đến nhà tìm thì mới biết mình bị lừa. Người thân của
anh chưa bao giờ liên lạc hay vay tiền. Thì ra, các đối tượng đã sử dụng những
hình ảnh trên tài khoản Facebook hiện có của người này để tạo Facebook giả
danh, dùng phần mềm giả hình ảnh để gọi điện thông qua ứng dụng Facebook
Messenger.
Theo
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội
phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an): Không gian mạng tiềm ẩn nhiều loại tội
phạm với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt.
Người
dùng internet và mạng xã hội cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân
cho những người và tổ chức không có thẩm quyền, không có địa chỉ rõ ràng. Khi
bị "mắc bẫy" lừa đảo, nạn nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an
để phối hợp điều tra, xử lý. Đối với những giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng,
chủ tài khoản cần liên hệ với ngân hàng để tra soát các giao dịch.
Được
biết, Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và
Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tăng cường biện pháp quản lý khi
cung ứng, phát hành sim điện thoại trả trước và thẻ ngân hàng, nhằm hạn chế tối
đa việc sử dụng sim rác và tài khoản ngân hàng vào các hoạt động lừa đảo.
Tuy
nhiên, trước hết, mỗi người phải đề cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật
và trình độ công nghệ thông tin để tránh bị lừa, đặc biệt là không "mắc
bẫy" bởi chính lòng tham của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét