Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BÀI XÍCH VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG.


Trong xu thế toàn cầu hóa, để phát triển nhanh và bền vững, mỗi quốc gia, dân tộc đều phải biết phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm động lực tinh thần, nguồn lực nội sinh để tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài và biến các nguồn lực đó trở thành sức mạnh cho sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam…” (1). Như vậy, văn hóa truyền thống của dân tộc đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo đà cho sự phát triển, duy trì sự phát triển bền vững, đồng thời, điều tiết có hiệu quả sự phát triển đó trên đất nước ta.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những tinh hoa, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được hun đúc, vun đắp và trở thành truyền thống quý báu đó là: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(2). Những giá trị văn hóa truyền thống này đã cố kết những người dân nước Việt thành một cộng đồng thống nhất trong mọi hoạt động sống, lao động, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm gần đây, thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa truyền thống. Sự chống phá này đã tạo ra hệ lụy không hề nhỏ, là một thứ “giặc nội xâm” đã và đang làm băng hoại thuần phong mỹ tục, giá trị truyền thống của dân tộc mà biểu hiện của nó được thể hiện qua các nội dung như: Tệ sính ngoại, coi thường những giá trị văn hóa truyền thống; đề cao lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất cá nhân; ham muốn làm giàu, ham muốn quyền lực cực đoan,… Chúng triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trên Internet.

Văn hóa là sản phẩm của lịch sử và là phương thức tồn tại của một dân tộc. Văn hóa luôn mang trong mình các yếu tố lịch sử, truyền thống, tâm lý gắn với các biểu tượng, phong tục, tập quán của một cộng đồng dân tộc. Vì vậy, khi các giá trị văn hóa truyền thống không được giữ gìn, bản sắc dân tộc bị đánh mất, thì dân tộc đó cũng không có nội lực cho phát triển. Nền văn hóa Việt Nam không chỉ là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong dựng nước và giữ nước của cộng đồng 54 dân tộc, mà còn là kết quả của sự giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa, văn minh nhân loại. Những giá trị truyền thống của nền văn hóa ấy vẫn còn nguyên sức sống, đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam, tạo dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội ta trong thời đại ngày nay. Nhận diện với những luận điệu xuyên tạc, bài xích văn hóa truyền thống do các thế lực tiến hành trên không gian mạng là hết sức cần thiết, có giá trị về học thuật và thực tiễn sâu sắc, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm vẻ vang giống nòi “con Lạc, cháu Hồng”, tạo ra sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét