Từ xưa cho tới tận giờ, khắp cõi
nhân gian Việt Nam ta, không ai không biết, không nói: “Mưu sự tại nhân, thành
sự tại thiên”, khi chiêm nghiệm nỗi thăng trầm cuộc đời, cuộc nổi chìm nhân
thế, tấn bi thương lịch sử!
Bởi sự tôn kính
Giời! Vị đứng đầu khai sáng trong lối nghĩ, quan niệm về “tam tài giả” có tự cổ
xưa, tức ba lực lượng: siêu nhiên, tự nhiên và con người!
Bởi sự mong muốn
tương hợp, hài hòa thiên - địa - nhân! Triết lý “tam tài nhất thể” - Giời - Đất
- Người ấy thấm đẫm, hòa quyện, dẫn dắt nhân sinh, thế cuộc, lịch sử không thể
chia cắt, không thể cô lập hay trọng, khinh một phía nào!
Bởi khát vọng hành động hợp nhẽ thiên thời - địa lợi - nhân hòa trong cuộc sống
mỗi cuộc đời người, xa và cao hơn là trong sự thuận lý, hợp “đạo” trong sự vận
hành của lịch sử, mà coi đó là nguồn gốc, là sức đẩy để quốc gia, dân tộc tồn
tại và phát triển: Thời - Thế - Người!
Ấy là nhẽ thường
thấy, thường trải đã suốt mấy ngàn đời nay.
Nhưng, thái quá thì
thường bất cập!
Cái nhẽ tưởng như
thường ấy, như tự nhiên nhi nhiên ấy lại lắm khi, dù ông cha ta nối đời tận
thấu, tận cảm, tận hành, vẫn thảng hoặc vô tình lại buông tay “phó mặc mệnh
Giời”, hay vô ý thúc thủ nệ vào “tiên thiên”, phó theo “nghiệp chướng”, do chưa
tin vào mình và chưa thể vượt qua... chính mình.
Rồi bất động. Rồi
xuôi theo định mệnh, cái số Giời do mình tưởng tượng ra! V.v... Mà đáng nhẽ ra,
phải làm ngược lại.
Thế rồi thất bại,
rồi chìm đắm, dù... nằm ngoài mong đợi! Và, thế rồi nuối tiếc muôn trùng:“Nhất
thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên thân” (Một bước sa chân
hận thành muôn thuở. Ngoái đầu nhìn lại thân đã trăm năm). Thì đã muộn lắm rồi!
Vì, “Giời không chiều lòng người”, “Giời nỡ phụ người”! Thế là, dù rằng ngửa
cổ, nắm tay, hướng lên chín tầng cao mà than vãn với Giời, giậm chân lún ba tấc
Đất ôm hận, song vẫn chỉ là vẹn nguyên... những khúc bi tráng mà thôi! Bởi
chưng, tất cả hình như chưa tin vào chính... mình, thậm chí quên mất cả...
chính nhân quần!
Và, ở đâu, thời nào
cũng thảng hoặc thấy như thế, làm như thế và lịch sử đã nhuốm những khúc bi
hùng như thế! Thăng trầm, thành bại dù gửi, dù tin “tại thiên”, lại hóa ra sự
thất thường, bất thường là vậy và do vậy!
Nhớ năm 938. Sau cả
nghìn năm Bắc thuộc, thiên thời, địa lợi, thậm chí không hơn trước đó, vì giặc
dữ lại cả gan xâm lấn, nhưng bởi nhân hòa, với những đứa con sinh từ một bọc
trứng Mẹ Âu Cơ, đã làm nên một trận Bạch Đằng giang đỏ ngầu máu giặc, mở ra
thời kỳ độc lập nước Nam ta! Năm 1076, cũng thế, một trận huyết chiến bên sông
Như Nguyệt, bằng thế trận lòng dân của đồng bào, cha con nước Việt, đã bất
khuất bố cáo khắp trong gầm Giời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”! Mỗi Con Người,
cả cộng đồng thức dậy, toàn Dân tộc vùng lên! Người định thiên hạ chứ đâu có nệ
“Mưu sự tại nhân” mà ngóng trông “Thành sự tại thiên”! Sức Dân đấy chứ!
Lại nhớ năm 1945.
Chỉ với 20 triệu đồng bào, “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy
cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, chỉ 16 ngày, Dân tộc đã
làm một cuộc bẻ gãy xích xiềng nghìn năm phong kiến, cắt phăng vòng nô lệ thực
dân quàng cổ Dân ta ngót 80 năm. Mưu người tính, sức người bình định giang san
xã tắc, xây lại nền độc lập, chứ đâu trông đợi “Thành sự tại thiên”! Lòng Dân
như Sóng cuộn đấy chứ!
Rồi năm 1946. Mở
đầu chín năm Dân tộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, thiên cũng
chưa thời (đất nước bị bao vây, lại bốn bề giặc dữ lăm le), địa càng chưa lợi
(một mảnh đất ATK nhỏ bé làm đất đứng chân), nhưng chung cuộc kháng chiến thành
công! Bởi sáu chữ, mà hai chữ đầu tiên không phải là bất cứ điều gì khác mà là:
Toàn Dân rồi mới tới Toàn diện, Trường kỳ! Nhiều chữ Người viết hoa hợp lại
thành Quần chúng và gọi Nhân Dân! “Chúng chí thành thành” vô địch! Ý Dân, Lòng
Dân, Sức Dân như bức tường thành đấy chứ!
Xem thế, đủ thấy,
cái nhẽ thường cổ xưa: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà ông cha ta di
duệ, Dân tộc vượt lên theo mỗi thời gian, khi tiến khi thoái, biến thời thành
thế, nhân lên sức mạnh..., mà vượt qua cái chết, tồn tại và phát triển. Do thế,
mà lịch sử đã hun đúc và kết thành chân lý: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Dân
chăng?
Đúng vậy! Thiên ở
trong Lòng Dân! Địa ở nơi Dân đứng! Kính Giời chính là kính Dân! Vì, Ý Dân,
Lòng Dân chính là Ý Giời, Lòng Giời vậy!
Quốc bảo Lòng Dân!
Đó chính là Bảo vật Quốc gia - cái tôn quý nhất trong Giời Đất!
Đoái xem lịch sử,
ai đánh mất Quốc bảo ấy, là chuốc lấy tội sát thân, họa mất nước, thể chế tan
tành. Nhà Hồ (1400 - 1407) phạm điều cấm kỵ ấy nên đã tự trói mình nộp giặc
trước khi đất nước bị giặc Minh xâm chiếm và vương triều Hồ sụp đổ. Mất Dân thì
mất nước. Giời thì ở xa, Dân thì vạn đại! Quốc gia thịnh suy, đất nước còn mất
ở khắp mọi thời, há chẳng phải do Dân định đoạt đó sao? Đó cũng là Ý Giời hợp
Lòng Dân!
Ngẫm thế, thiển
nghĩ và cẩn bút, kính chép ra đây: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Dân!
Chẳng thế, sao Cụ
Phan Sào Nam từng nâng niu:
“Nghìn muôn ức
triệu người trong nước
Xây dựng nên cơ
nghiệp nước nhà
Người, Dân ta, của,
Dân ta
Dân là Dân nước,
nước là Nước Dân...
Sông phía Bắc, bể
phương Đông
Nếu không Dân cũng
là không có gì”.
Nhìn trong công
cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta, chân lý đó đang vằng vặc tỏa
sáng, ai mà cản nổi, sao chẳng tất thành! Bởi chưng “Dân là gốc”, “Dân làm
Chủ”, và nguyện sao cho xứng đáng: “Đảng ta là đứa con nòi của Nhân Dân”, “Đảng
ta là đạo đức, là văn minh...” (Hồ Chí Minh).
Nhưng, tôi lại mài
mực, kính cẩn biên lại nhời dặn về Quốc bảo ấy, từ gần tám trăm năm trước, của
Cụ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Khoan thư sức Dân để làm kế bền gốc, sâu rễ,
đó là thượng sách giữ nước”.
Và như ngỡ mới hôm
qua, nhời tụng Dân này từng đau đáu tâm khảm của Cụ Ức Trai, dù cách nay ngót
sáu trăm bốn chục năm, từ sự chiêm nghiệm thành bại của lịch sử với sức mạnh
Lòng Dân: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Làm lật thuyền mới biết sức Dân mạnh
như nước); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên Dân”.
Rằng:
“Đọc sách thời
thông đòi nghĩa sách
Chăn Dân mã nỡ mất
Lòng Dân”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét