Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiếc xe đạp của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ) có chuyến đã chở 325 kg hàng, gấp 13 lần một người gồng gánh, một con số khủng khiếp đối với một người nông dân nhỏ bé và chiếc xe đạp thồ đơn sơ.
Đó là chiếc xe đạp hiệu "Lanh côn" do Pháp sản xuất, vốn của một người giàu có ở xã, được trưng dụng và giao cho ông Ma Văn Thắng sử dụng phục vụ chiến dịch Điện Biên. Thời gian đầu, trung bình mỗi chuyến chỉ chở được từ 80 - 100 kg gạo, nhưng cũng hết sức vất vả.
Để nâng cao năng suất thồ hàng, ông Thắng đã gia cố chiếc xe khi gắn thêm một đoạn tre già bằng cổ tay, dài khoảng 1 mét vào ghi đông xe, trục yên xe được gắn một đoạn tre cao hơn yên khoảng nửa mét để người thồ hàng có thể cầm và giữ thăng bằng cho xe. Ngoài ra, ông còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe, lấy vải, quần áo cũ, săm cũ lót vào bên trong tăng độ bền của săm, lốp xe…. Với sáng kiến của mình, những chiếc xe thồ của ông Thắng và đồng đội mỗi chuyến chở được tới hơn 300 kg gạo. Trong một lần chở hàng đến ngã ba Nghĩa Lộ, qua kiểm tra - xe của ông đã chở khối lượng hàng hóa là 325 kg. Kỷ lục này được Ban chi viện chiến dịch xác nhận, biểu dương rộng rãi trên toàn mặt trận.
Kết thúc chiến dịch, xe của ông Thắng đã vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi và chiếc xe ông sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ có năng suất cao nhất chiến dịch. Với thành tích nổi bật này, ông Thắng đã được Ban Chỉ huy chiến dịch và Ban Cung cấp mặt trận tặng thưởng hai bằng khen, một Huân chương Chiến công hạng Ba. Hiện chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2.
Những chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên khiến cả thể giới kinh ngạc, là biểu tượng của sự sáng tạo, sức mạnh của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét