Điều phi lý trong báo cáo nhân quyền hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ
Liên tục từ năm 1997 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặn ra Báo cáo nhân quyền hằng năm, với nhiều điều phi lý. Tiêu biểu cho những điều phi lý đó là họ đánh giá Việt Nam “không tôn trọng sự toàn vẹn của con người”, khi chính nước Mỹ vẫn chìm sâu trong vấn nạn bạo lực súng đạn, phân biệt chủng tộc, cảnh sát lạm sát, v.v. Sự phi lý đó một lần nữa cần được vạch trần và đấu tranh bác bỏ.
Những năm gần đây, một số nước tư bản phát triển, trong đó có chính quyền Mỹ, đã và đang triệt để lợi dụng nhân quyền như là một công cụ - nói đúng hơn là đội lốt nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, nhất là các nước đối lập về hệ tư tưởng, hoặc không nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của họ, nhằm ép buộc những nước này không đứng ngoài “trật tự thế giới” do họ làm chủ. Cùng với việc ra sức truyền bá các học thuyết, các giá trị dân chủ, nhân quyền tư sản, đề cao vị trí độc tôn của tự do, lợi ích cá nhân, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, đặt nó đứng ngoài, thậm chí đứng trên pháp luật, lợi ích cộng đồng; họ còn tăng cường các hoạt động xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền của các nước. Họ tự cho mình quyền đứng trên pháp luật quốc tế để đưa ra các báo cáo, đánh giá nhân quyền của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền khác. Vì thế, không lạ gì khi lâu nay các thế lực thù địch luôn coi “dân chủ”, “nhân quyền” là một mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam, vẫn đều đặn ra báo cáo nhân quyền Việt Nam như một thông lệ. Có thể nói, từ tư cách của chủ thể đến nội dung các báo cáo này đều phi lý; nhưng chỉ xin bàn đến nội dung quyền sống hay “tôn trọng sự toàn vẹn của con người” trong các báo cáo ấy để minh chứng cho sự phi lý đến nực cười này.
Chúng ta đều biết, nhân quyền trước hết và tối thiểu nhất là quyền được sống của mỗi người, được pháp luật quốc tế và mỗi quốc gia, dân tộc bảo vệ như một tất yếu. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển kỳ diệu của đất nước trên nhiều lĩnh vực, hệ thống pháp luật về quyền con người ngày càng hoàn thiện. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc (năm 1977), Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người. Pháp luật về quyền con người của Việt Nam cũng đã có bước phát triển. Với 36 điều trên tổng số 120 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 vừa khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, vừa thể chế hóa sâu sắc, toàn diện nhận thức, quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người của Việt Nam ngày càng đồng bộ, từng bước hoàn thiện; việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật về quyền con người được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân. Những năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, với mục tiêu “sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ luôn kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với chăm lo bảo đảm an sinh xã hội; kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” để đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam không ngừng tăng và nhanh nhất trong số các nước đang phát triển (năm 2020 tăng 04 bậc, xếp thứ 79 trên thế giới, đứng hàng đầu châu Á).
Trong tính tổng thể đó, lẽ dĩ nhiên, quyền sống hay “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” được pháp luật Việt Nam bảo vệ và thực thi đầy đủ, nghiêm minh, bình đẳng với mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người dân, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cá nhân sở hữu vũ khí (bao gồm cả vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao) và công cụ hỗ trợ; còn những đối tượng được pháp luật cho phép trang bị, sử dụng súng được quy định rất cụ thể tại khoản 1, Điều 55, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (năm 2017). Đó chủ yếu là những người được giao nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm,… kèm theo những quy định chặt chẽ về các điều kiện, như: sức khỏe, phẩm chất đạo đức, đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Mọi hành vi xúc phạm nhân phẩm, tra tấn, hành hung, tước đoạt mạng sống con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm.
Vậy mà, các báo cáo nhân quyền về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra những nhận xét không khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện về “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” ở Việt Nam. Theo cách “bới lông tìm vết”, họ cố tình nhặt nhạnh những sự việc riêng lẻ, hy hữu chưa được kiểm chứng rồi ra sức thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo để nó trở thành nghiêm trọng. Mục đích cuối cùng là để bôi xấu tình hình nhân quyền của Việt Nam nhiều nhất có thể. Và chỉ chờ có thế, các cá nhân, nhóm hoạt động đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước đua nhau lên án Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”; từ đó, quy chụp, vu khống, hạ thấp uy tín của các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam; đồng thời, cho rằng “hậu quả” đó là do Đảng ta độc tài, toàn trị.
Điều phi lý là, trong khi cố tình “đặt điều” từ những sự việc chưa kiểm chứng, lớn tiếng rao giảng về “nhân quyền”, phán quyết về “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” của các nước khác, thì chính quyền Mỹ lại cố tình lờ đi những “lỗ hổng” khó hàn gắn về vấn đề này ngay trong lòng nước Mỹ. Vấn nạn bạo lực súng đạn, phân biệt chủng tộc, cảnh sát lạm sát,… vẫn phủ bóng đen gây ám ảnh dai dẳng người dân Mỹ, gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ. Ở Mỹ, năm 2020, hơn 45 nghìn người đã chết vì bạo lực súng đạn, tăng 35% so với năm trước đó. Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI): số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm 2020. Năm 2022, bạo lực súng đạn lại tái diễn với hàng loạt vụ nổ súng kinh hoàng tại New York, Texas và nhiều nơi khác. Theo số liệu của Gun Violence Archive1, tính đến tháng 6/2022, bạo lực súng đạn đã khiến hơn 19.300 người thiệt mạng và trong dịp nghỉ lễ từ ngày 01 - 04/7/2022 vừa qua, xảy ra hơn 500 vụ xả súng ở hầu khắp các bang trên toàn nước Mỹ. Thực tế cho thấy, ở Mỹ, thuốc chữa bệnh, nước sạch cho người dân, sữa bột cho trẻ em có thời điểm có thể rất khan hiếm; nhưng, súng đạn thì luôn rất dồi dào, được phép bán công khai và mọi công dân có thể mua nếu có nhu cầu. Đây là nguồn cung cho những kẻ muốn dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn, hay đơn giản giết người chỉ để thể hiện quan điểm tự do cá nhân. Gần đây, trước những hậu quả nặng nề do bạo lực súng đạn gây ra, đã có lúc chính quyền nước này muốn tìm cách thắt chặt kiểm soát, song vẫn bất lực, do lập trường của chính quyền vẫn đang bị chia rẽ bởi những lợi ích nhóm chi phối. Số lượng súng đạn được bán ra vẫn tăng lên theo những bất ổn của xã hội Mỹ. Theo Forbes2, gần 20 triệu khẩu súng đã được bán tại Mỹ trong năm 2021, tức là trong 100 người Mỹ thì 06 người đã mua súng, tăng tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ sử dụng lên 46%. Với dân số hơn 330 triệu người nhưng đã có hơn 393 triệu khẩu súng cá nhân được cấp phép tại Mỹ, tức là mỗi người sở hữu hơn 01 khẩu súng; đây là nguyên nhân hàng đầu khiến Mỹ là quốc gia hứng chịu nhiều bạo lực súng đạn nhất thế giới.
Điều phi lý nữa là, chỉ dựa vào những sự việc chưa được kiểm chứng, các báo cáo nhân quyền về Việt Nam của Mỹ vẫn lên án các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam làm tổn hại đến sức khỏe, nhân phẩm người khác. Thế nhưng, cảnh sát Mỹ lạm sát nhằm vào người da màu là một thực tế không thể chối cãi ở Mỹ. Theo thống kê của báo giới Mỹ, có hơn 1.000 người đã bị cảnh sát bắn tử vong ở Mỹ trong năm 2021. Một thực tế khác không khó để nhận thấy, mặc dù nhân danh bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, nhưng Mỹ và phương Tây lại không ngừng gia tăng việc tiến hành chiến tranh, can thiệp vũ trang ở nhiều nơi. Các cuộc “cách mạng màu sắc”, “can thiệp nhân đạo” mà Mỹ và phương Tây tiến hành ở Iraq, Afghanistan, Libya,… đã và đang gây ra những đau khổ không kể xiết dành cho người dân các nước này và đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn sản xuất vũ khí. Hơn ai hết, người dân Việt Nam đều thấu hiểu bộ mặt thật đằng sau các chiêu trò “nhân quyền” của Mỹ. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, để bảo vệ cho “chế độ dân chủ” tay sai của mình ở miền Nam, Mỹ đã dội lên đầu mỗi người dân Việt Nam hơn 45,5 kg bom đạn; tiến hành hàng trăm nghìn cuộc vây ráp, khủng bố và giết chóc. Tàn ác hơn, họ đã cho rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học có chứa dioxin trên khắp Việt Nam, khiến gần 05 triệu người Việt Nam bị chết, tàn tật và di chứng cho nhiều thế hệ sau; hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra, trung bình mỗi năm cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tích, thương tật suốt đời. Như vậy, chẳng phải chỉ đích danh, song ai cũng biết những kẻ lớn tiếng phê phán quốc gia khác không “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” lại là kẻ vi phạm nghiêm trọng nhất điều này, cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Sự thật đó cho thấy, cái gọi là “tôn trọng sự toàn vẹn của con người” trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ thật phi lý.
Bản chất của nhân quyền là sự đảm bảo về quyền sống, quyền tự do và bình đẳng đối với mỗi con người trong một chế độ xã hội nhất định. Bảo đảm việc thực thi các giá trị này trên thực tế đến đâu sẽ nói lên bản chất của một chế độ xã hội. Với bản chất tốt đẹp, tiến bộ của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa - nền dân chủ của dân, do dân và vì dân, Việt Nam luôn đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, nhằm đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nguồn: ĐỨC THỊNH và PHAN NGỌC PHÚC*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét