Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022
Khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”
Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như Thanh tra Chính phủ chuyển 26 vụ, Bộ Tài chính chuyển 95 vụ, Ngân hàng Nhà nước phát hiện, xử lý 5 vụ việc/5 người... Cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 27 cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, 16 cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân do tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố mới 16 vụ án/19 bị can tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các địa phương, thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế như: Khánh Hòa 7 vụ/8 bị can; Thanh Hóa 7 vụ/16 bị can; Bắc Ninh 6 vụ/22 bị can; Nam Định 5 vụ/10 bị can; Phú Thọ 4 vụ/10 bị can; Thái Nguyên 4 vụ/6 bị can; Quảng Nam 4 vụ/7 bị can; Nghệ An 3 vụ/8 bị can; Hà Tĩnh 3 vụ/7 bị can; Tây Ninh 3 vụ/7 bị can... Một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận đồng tình, đánh giá cao như: Khánh Hòa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Phú Yên, Sơn La...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.
Thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, góp phần tạo cơ sở chính trị - pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét