Trong suốt 77 năm qua, đặc biệt sau hơn 35 năm đổi mới, lực lượng doanh nhân Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, thể hiện rõ khát vọng, vai trò tiên phong trong sự nghiệp ích quốc, lợi dân.

Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu sự đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, để Việt Nam ngày càng thịnh vượng, hùng cường. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khẳng định mình trong bối cảnh mới.

Khát vọng doanh nhân Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh năm 2022. Ảnh: TTXVN 

Việt Nam hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Riêng lĩnh vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước và cũng là khu vực chính tạo ra việc làm mới cho người lao động, đóng góp lớn nhất vào ngân sách quốc gia.

Bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp; mâu thuẫn, xung đột leo thang; lạm phát tăng cao trên thế giới đã tạo rất nhiều thách thức đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức", nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, cách quản trị, để nâng tầm mình trong gian khó, nâng cao vị thế doanh nghiệp với mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển con người, xã hội. Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, là nền tảng để doanh nghiệp tồn tại, bứt phá. Khát vọng của doanh nhân Việt Nam không chỉ đơn giản là sự giàu có cho bản thân, gia đình mình mà rộng lớn hơn là vì sự phát triển cộng đồng, vì sự thịnh vượng của đất nước.

Thách thức với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là làm thế nào để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến để hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dẫu doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trước sức ép và những biến động bất lợi của kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng những doanh nhân tên tuổi có sức ảnh hưởng với thế giới, những doanh nghiệp quy mô lớn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các hoạt động ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Vẫn còn sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu liên kết, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và doanh nghiệp nước ngoài dẫn tới sự phát triển thiếu ổn định, bền vững. Để cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên số, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không thể chậm trễ trong đầu tư khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.

Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng không thể thiếu những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nhiều cơ chế, chính sách hiện vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Các vướng mắc, rào cản về pháp lý chưa được tháo gỡ kịp thời, triệt để. Vì thế, hơn lúc nào hết, bộ máy nhà nước vẫn cần phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa; thực chất và toàn diện để doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam được phát huy tối đa năng lực, được thể hiện rõ hơn nữa về khát vọng và vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

VŨ DUNG

nguồn báo QĐND