Sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây đã tăng thêm tiện ích để mọi người thể hiện quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là các phát ngôn lệch chuẩn, các thông tin giả, độc hại được lan truyền ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Điều đáng nói là một số hành vi sai trái trên mạng xã hội bị phát giác và được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, song các thế lực thù địch cố ý vin vào để chống phá.
Luận điệu sai trái, xuyên tạc tự do ngôn luận trên mạng xã hội
Hồi tháng 3/2022, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói là dù việc khởi tố điều tra, tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng là thực hiện theo các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông, song một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách “bẻ lái, xoay chiều”. Một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông như RFA, RFI, VOA… đã đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, sai trái rồi quy chụp “Ở Việt Nam này luật pháp không tồn tại”, “quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt”… Số này đưa ra các bài viết tô vẽ, đánh bóng hình ảnh bị can Nguyễn Phương Hằng như một thần tượng, từ đó hướng lái dư luận rằng ở Việt Nam, hễ ai “cứ nổi tiếng trên mạng xã hội thì sẽ bị “diệt”!
Trước đó, sau khi phiên toà xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm kết thúc, trang BBC giật tít: “Vụ xử “Báo Sạch”: Việt Nam đừng nên coi truyền thông là kẻ thù”. Bài báo dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), ông Phil Robertson nói rằng “Việt Nam không nên coi truyền thông là kẻ thù của nhà nước, việc bỏ tù thêm nhiều nhà báo công dân sẽ không ngăn được người dân lên tiếng, hoặc yêu cầu cải cách ở Việt Nam”. Từ đó kêu gọi “Chính phủ nên công nhận các nhà báo công dân và truyền thông độc lập là đồng minh của công tác quản trị nhà nước tốt”!
Việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với những cá nhân vi phạm ít nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên việc xử phạt được thực hiện kịp thời để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Chẳng hạn, ngày 22/8/2022, Công an tỉnh Lâm Đồng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với H.N.M, chủ tài khoản TikTok H.M số tiền 10 triệu đồng do người này đăng clip miệt thị người miền Trung. Dư luận cho rằng, những lời lẽ H.N.M đưa ra là không có cơ sở nhưng đã gây hiệu ứng mạng nguy hiểm, nội dung trong video đã thể hiện sự phân biệt đối xử, kỳ thị vùng miền, tạo tâm lý đố kỵ, chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đi ngược với tinh thần xây dựng nếp sống văn hoá, đoàn kết toàn dân. Điều đáng nói là dù việc xử phạt đã được tiến hành công khai và đúng quy định pháp luật, người vi phạm cũng thừa nhận hành vi sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội nhưng một số kênh thông tin lại “bẻ lái”, cho rằng việc đăng clip như vậy “là cần thiết” và việc cơ quan chức năng xử phạt H.N.M là “bịt miệng người dân, trấn áp vô lý”!
Đặc biệt, đối tượng mà các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá là một số cá nhân nổi tiếng có lượt người theo dõi, tương tác cao trên các nền tảng mạng xã hội. Khi những phát ngôn gây sốc, lệch chuẩn, những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận được cơ quan chức năng xử lý theo luật định, họ lại tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho những hành vi sai trái đó. Đồng thời, họ đưa ra luận điệu bóp méo, bôi đen bức tranh hiện thực về tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam, công kích cơ quan chức năng, phủ nhận hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng.
Mục đích của các thế lực thù địch là đánh tráo bản chất các sai phạm về tự do ngôn luận trên mạng xã hội, biến đối tượng vi phạm pháp luật từ có sai phạm thành không sai phạm. Họ thậm chí tán dương cho lối ứng xử thiếu văn hóa, phát ngôn sai trái, lệch lạc trên mạng xã hội. Thực chất của âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm gây phân tâm trong cộng đồng xã hội, tạo ra sự hoài nghi về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận; từ đó, phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trên không gian mạng; hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội không thể bất tuân pháp luật
Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, đối với việc sử dụng mạng xã hội để dàn dựng, xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, thất thiệt với ngôn ngữ, nội dung phản cảm, thô tục, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì phải chấn chỉnh, xử lý để răn đe người vi phạm và phòng ngừa chung.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có các biện pháp khuyến khích công dân ứng xử có văn minh trên mạng xã hội, bảo đảm cho tự do ngôn luận đi theo chiều hướng tích cực, có lợi, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Việc xây dựng các quy định luật pháp về tự do ngôn luận của mỗi quốc gia đều căn cứ truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, những điều kiện, bối cảnh lịch sử cụ thể… Như tại Singapore, luật pháp quy định phạt đến 100.000 đôla Singapore hoặc phạt tù tới 3 năm với hành vi nói xấu, phỉ báng, vu khống trong sinh hoạt hằng ngày và trên mạng xã hội; nếu bị phát hiện đưa tin giả lên mạng xã hội, khi nhà chức trách yêu cầu cải chính mà không chấp hành, có thể sẽ bị phạt đến 20.000 đôla Singapore hoặc 12 tháng tù. Luật pháp nước này nghiêm cấm các hành vi đi ngược lợi ích và ổn định cộng đồng, làm tổn hại an ninh và an toàn cộng đồng, làm tổn hại sức khỏe, kích động sự hận thù giữa các nhóm xã hội, suy giảm niềm tin vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, làm tổn hại quan hệ giữa Singapore với các quốc gia khác
Ngay như ở một số nước tư bản phát triển, quyền tự do ngôn luận không thể bất tuân pháp luật. Như ở Mỹ, Tối cao pháp viện nước này đã khẳng định, tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện vu khống, phỉ báng cá nhân; giới hạn về tự do ngôn luận thể hiện qua án lệ của tòa án, cho phép chính quyền có quyền ngăn chặn, trừng phạt phát ngôn có tính khiêu dâm, phỉ báng, tục tĩu, xúc phạm, gây hấn. Ở Pháp, pháp luật cũng quy định những giới hạn, có các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, đồng thời chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù. Bộ luật Dân sự của Pháp cấm xâm phạm đời tư cá nhân; Luật Hình sự nước này cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia; Luật Tự do báo chí điều chỉnh hành vi tổ chức, cá nhân trên mạng internet. Ở Anh ban hành “Quy tắc hành nghề cho các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến” hay ở Australia cũng ra “Bộ Quy tắc ứng xử trên truyền thông xã hội và bình luận trực tuyến”, điều này cho phép các quốc gia này kiểm soát vấn đề ngôn luận trên nền tảng mạng xã hội, truyền thông.
Không chỉ mỗi quốc gia riêng biệt, Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google, TikTok; cam kết bảo đảm các công ty, tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng, đánh dấu và gỡ bỏ các phát ngôn thù địch cùng nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng của họ. Việc các nền tảng mạng xã hội chủ động tuân theo bộ quy tắc xuất phát từ việc EU sẽ trực tiếp giám sát hoạt động này. Báo cáo mới nhất của EU đánh giá kết quả thực thi của Bộ Quy tắc năm 2020 đã ghi nhận 71% nội dung xác nhận là phát ngôn thù địch bất hợp pháp đã bị gỡ bỏ, tăng so với con số 26% của năm 2016.
Tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản của con người, tuy nhiên quyền này không thể đặt ngoài khuôn khổ pháp luật. Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 chỉ rõ: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 xác định mọi người đều có quyền tự do quan niệm, tự do phát biểu quan điểm, tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức, ý kiến bằng phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. Đồng thời, Điều 29 Tuyên ngôn cũng bắt buộc mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng quyền của người khác, đáp ứng các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Theo đó, luật pháp quốc tế khẳng định quyền tự do ngôn luận không phải là tự do vô hạn, bất tuân pháp luật; trong một số trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh, ở các quốc gia tự do ngôn luận bị giới hạn. Từ thực tế trên cho thấy, không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối trong bất cứ chế độ chính trị nào, các quốc gia đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung; những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận mà gây hại đến tổ chức, cá nhân, lợi ích quốc gia - dân tộc đều bị xử lý.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã cụ thể hóa Hiến pháp, ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm mọi hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nghiêm cấm những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định cho tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội có những ứng xử phù hợp.
Để lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, góp phần thúc đẩy, bảo đảm tự do ngôn luận của các tổ chức, cá nhân, điều cần thiết là mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, nêu cao ý thức trách nhiệm khi ứng xử trên mạng xã hội, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác các âm mưu, thủ đoạn sai trái về tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét