Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là “không cần thiết”, không phải chỉ là “hình thức” như các thế lực thù địch ảo tưởng, xuyên tạc, mà đó chính là nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như của các tầng lớp nhân dân cả nước. Hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, thì mạng xã hội lại xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, không chỉ xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mà còn bẻ cong sư thật việc thực hiện các Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"… trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng những luận điệu phản động như: “Học mãi đâu có vào”, học rồi “tại sao cứ thế mãi”, “càng học càng thấy nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song tư tưởng, đạo đức, phong
cách của một vị lãnh tụ gần dân, dành cả cuộc đời mình cho dân, cho nước không
chỉ in đậm trong trái tim và khối óc mỗi người dân Việt Nam yêu nước, mà còn
trở thành một tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do, công
lý trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến
bộ xã hội. Sự thật là, tiếp cận ở chiều cạnh nào thì cũng phải khẳng định rằng:
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những
vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng
Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là
tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(1). Tư tưởng của
Người là kết quả sự kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của
dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự vận dụng và phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, góp phần làm
nên thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dưng, bảo vệ
và phát triển đất nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội…
Thực tiễn những thành tựu đạt được trong đấu tranh giải phóng
dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 36 năm đổi mới, hội
nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã
chứng minh sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn lý luận chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn; đồng thời, đáp ứng yêu
cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát
triển tất yếu của thời đại. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giá trị của di
sản Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận! Bởi rằng, suốt cuộc đời mình, Chủ tịch
Hồ Chí Minh không chỉ phấn đấu vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc
và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, mà Người còn nỗ lực vì sự đoàn kết của tất cả
các lực lượng chống đế quốc, thực dân và cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do
và sự phát triển hữu nghị, bền vững giữa các dân tộc “trên con đường tiến bộ -
con đường hoà bình trên toàn thế giới”. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh “đã trở thành
biểu tượng rực rỡ của cuộc chiến đấu giành tự do. Là mẫu mực xuất chúng về mọi
đức tính của con người và mọi đức tính xã hội chủ nghĩa” trong thời đại
mới.
Với Hồ Chí Minh, dù là người đang làm thuê trên tàu Amiran
Latútsơ Trêvin ngày rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước hay khi đã trở thành
một nguyên thủ quốc gia, thì điều mà Người “yêu nhất vẫn là cái thiện” và điều
mà Người “ghét nhất vẫn là cái ác”; đồng thời, điều mà Người “mong nhất vẫn là
nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên toàn cầu. Từ cuộc đời và
phẩm cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy từ Người hiển hiện chân
dung một người cộng sản hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Hơn cả
mọi lời nói, điều mà Người khắc sâu trong tâm khảm dân tộc Việt Nam, trong bạn
bè, anh em, đồng chí, thậm chí cả những người đã từng là kẻ thù của Người, đó
chính là “nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì
mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”.
Cuộc
đời, sự nghiệp cách mạng đầy gian khó nhưng rất đỗi vinh quang của Người tượng
trưng cho bản lĩnh, khí phách ngoan cường, ý chí bất khuất, tính kiên trì, bền
bỉ trong đấu tranh và thái độ ứng xử điêu luyện về chính trị (bình tĩnh nhưng
đầy quyết đoán, nhanh nhạy trong những tình thế gay go, quyết liệt…) đã trở
thành niềm hy vọng của dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc yêu chuộng
độc lập, tự do, công lý và hoà bình trên toàn thế giới. Đồng thời, lòng yêu
thương con người và sự bao dung, khoan hoà của Người cũng như trí tuệ, đức hy
sinh và sự tận tâm, tận lực của Người thể hiện trong tư tưởng, trong hành động,
trong từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế đã làm cho
những người đã từng ở bên kia chiến tuyến cũng phải khâm phục. Vì thế, “chỉ có
ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống
và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ
là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền
triết hiện đại đã mang một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu
tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét