Minh chứng bác bỏ luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam
(ĐCSVN) – Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân
Phúc cho 2.434 phạm nhân đã cải tạo tốt, nhân dịp Quốc khánh 2/9/2022 một lần nữa
khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của
dân tộc Việt Nam. Đây cũng là minh chứng sống động bác bỏ luận điệu vu cáo,
xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam (2/9/2022); căn cứ Điều 88, Điều 91 Hiến pháp năm 2013 và Luật Đặc
xá năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 30/8/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 978 đặc xá cho
2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện
được hưởng đặc xá năm 2022.
Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước một lần nữa khẳng
định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân
tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện
trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đây cũng là sự ghi nhận kết quả cải
tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá
trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại
giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện
chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, quyết định đặc xá năm nay tiếp tục phản ánh rõ nhất
ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, bác bỏ lại mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc
tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
Luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam
Thời gian qua, thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng
Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân
quyền, coi đây là một trong những đòn “đột phá khẩu” để tấn công hòng phá vỡ sự
ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Chúng triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào
công việc nội bộ của Việt Nam; ra các “thông cáo”, “nghị quyết”, “báo cáo”, “bản
điều trần” xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm
“nhân quyền”, đàn áp tôn giáo, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”; gây sức
ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ”
đối với Việt Nam.
Điển hình như, ngày 19/7/2022, kênh YouTube RFA tiếng Việt đã
đăng tải 01 video clip dài 9 phú 55 giây với nội dung xuyên tạc, bóp méo, đưa
tin sai sự thật về một số vấn đề ở Việt Nam. Đáng chú ý, video clip đã đề cập đến
nội dung hai tổ chức “Liên đoàn quốc tế nhân quyền” (FIDH) và “Ủy ban bảo vệ
quyền làm người Việt Nam” (VCHR) đã soạn thảo và gửi lên “Ủy ban Nhân quyền của
Liên hợp quốc” cái gọi là “bản điều trần” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam,
trong đó xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đã “không những thất bại trong việc thực hiện
các cam kết bảo vệ nhân quyền mà thậm chí đã tăng cường đàn áp người dân trong
những năm qua”.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã xuất hiện nhiều luận điệu vu
cáo, xuyên tạc chính sách hình sự, chế độ giam giữ tù nhân của Việt Nam khi cho
rằng chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tùy tiện, vi phạm
các đảm bảo về xét xử công bằng; Việt Nam đang giam giữ nhiều “tù nhân chính trị”,
“tù nhân lương tâm”; Việt Nam đang duy trì chế độ nhà tù bất công, ngược đãi,
tra tấn tù nhân và đàn áp bằng bạo lực…
Điển hình như báo cáo mới đây của Nghị viện châu Âu (EP) đã
có những thông tin, nhận định thiếu khách quan, không có cơ sở, xuyên tạc tình
hình nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng, họ đã gặp nhiều giới hạn trong việc bảo
vệ những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo những cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát ngặt nghèo, chính quyền Việt Nam sẵn
sàng đàn áp những người hoạt động nhân quyền “một cách trắng trợn”.
Đặc xá 2022 - minh chứng bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc
Nhân quyền hay quyền con người là vấn đề phức tạp, chính bởi
vậy quan niệm về vấn đề này không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Tuỳ theo
góc độ tiếp cận, quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp, hoàn cảnh lịch sử, giá
trị truyền thống, trình độ phát triển mà các quốc gia có những quan niệm, cách
tiếp cận khác nhau về quyền con người.
Ở Việt Nam, nhân quyền được hiểu là những giá trị cơ bản mà
con người giành được trong lịch sử đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội nhằm khẳng
định địa vị chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý của mình. Đó là tổng
thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân
và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp
quốc gia và luật pháp quốc tế.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của
Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của
quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu
nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía
sau. Các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp và
được bảo vệ, thúc đẩy trong các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai
trên thực tế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng
sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và
nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ
và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Nhân dân
là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi
chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền
và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục
tiêu phấn đấu”.
Có thể thấy rằng, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta
là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi công
dân, kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này đã được quy định
rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như Bộ luật Hình sự
2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015,
Luật thi hành án hình sự năm 2019…
Công tác đặc xá năm nay được tiến hành trên cơ sở những quy định
chặt chẽ, dựa trên những nguyên tắc nhất định, đó là: đặc xá phải được tiến
hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng
và đúng điều kiện đã được quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được
xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại
được xem xét đặc xá.
Ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo
đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, tất cả những phạm nhân được đặc
xá năm nay đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và
đã bị Tòa án nhân dân các cấp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên
phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình
sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những phạm nhân này có đủ điều
kiện được xem xét, đặc xá. Vì vậy, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn
chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người
có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của
pháp luật đều được đặc xá.
Trước đó, năm 2021, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định đặc
xá cho 3.035 người (trong đó có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3
người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp
hành án phạt tù).
Việc Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc xá tha tù trước thời hạn cho
những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và cho những phạm nhân đang được
hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện là chính sách nhân đạo
của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng lại ở việc đặc xá
tha tù trước thời hạn, mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân
được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Điều đó, một lần nữa được Chủ tịch
nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi làm việc với Thường trực Hội đồng
Tư vấn đặc xá năm 2022 khi Chủ tịch nước yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cộng đồng
các địa phương tạo mọi điều kiện để người được đặc xá tha tù trước thời hạn sớm
hòa nhập cộng đồng.
Đây rõ ràng là minh chứng rõ nét nhất bác bỏ các luận điệu vu
cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động.
Bên cạnh đó, chính sách đặc xá, tha tù trước thời hạn còn có ý nghĩa khuyến
khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù tích cực học tập,
lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy cơ sở giam giữ để có thể sớm trở
về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân
vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt
đẹp của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét