Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Một số vấn đề đặt ra khi xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng của Việt Nam

Cho đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nhận định: “Tuy nhiên, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra”. Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 ngày 29/11/2017 cũng đã nêu: “Qua 10 năm thực hiện…, công tác phòng, chống tham nhũng đã … tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, với nhiều kết quả cụ thể, được dư luận quần chúng đồng tình, cộng đồng quốc tế ủng hộ… Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”. Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, năm 2018, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam vẫn chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu (giảm 02 điểm so với năm 2017). Khảo sát Phong vũ biểu toàn cầu Việt Nam năm 2017 cũng chỉ ra: 72% người dân được hỏi cho rằng tham nhũng trong khu vực công là vấn đề nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng (năm 2013 là 60%), và chỉ có 4% cho rằng tham nhũng không phải là một vấn đề ở Việt Nam (năm 2013 là 14%). Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, cần tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng cho giai đoạn tiếp theo (2020 - 2030). Chiến lược mới cần khắc phục một số nhược điểm của Chiến lược cũ và hướng tới các giải pháp mạnh mẽ trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Thứ nhất, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược cần có sự logic chặt chẽ đảm bảo tính đồng bộ, khả thi. Các khía cạnh phòng ngừa tham nhũng và chống tham nhũng cần phải được quy định một cách đầy đủ nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Vấn đề phát hiện và xử lý tham nhũng cần được thể hiện rõ ràng, cụ thể ở mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Thứ hai, cần có các giải pháp hiệu quả hơn trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 tập trung vào các giải pháp có tính phòng ngừa cao: công khai, minh bạch: kê khai tài sản, thu nhập, xây dựng các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, nâng cao nhận thức về tham nhũng, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn tới, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và để phù hợp với tình hình hiện nay, cần bổ sung thêm một số giải pháp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như: kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; thu hồi tài sản bất minh; phòng, chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài… Thứ ba, bổ sung giải pháp về tiêu chí, chỉ số đánh giá quốc gia về tình hình tham nhũng theo hướng đa dạng hóa hình thức đánh giá thay vì chỉ tập trung vào các báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo chuyên đề nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan. Có cơ chế để các tổ chức xã hội, người dân, doanh nghiệp giám sát và đưa ra những góp ý nhằm phát huy tối đa vai trò phản biện của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Tham khảo kết quả điều tra xã hội học, đánh giá chính thức và có tính khách quan và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với chính sách phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Thứ tư, cần chú trọng việc xác định tổng thể hiện trạng tình hình tham nhũng và nguyên nhân gây ra để thiết kế Chiến lược đảm bảo tính khoa học, có mục tiêu phù hợp với hiện trạng vấn đề, có tính khả thi, hiệu quả, có hệ thống các giải pháp, công cụ đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu lực và tạo ra bước đột phá trong việc kiểm soát tình hình tham nhũng. Hiệu quả của Chiến lược đòi hỏi khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi không chỉ dựa trên yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn phải đáp ứng yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, các hiệp ước về kinh tế… và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Thứ năm, việc xây dựng Chiến lược phải gắn với việc tổng kết, đánh giá thực tiễn, đánh giá tác động. Trong từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở các báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, ý kiến phản biện của xã hội, Chính phủ cần giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của Chiến lược đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Theo đó, để phòng, chống tham nhũng, vừa phải tích cực chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Cần đặt quá trình phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hội nhập, chủ động hợp tác hiệu quả với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tiếp thu và chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét