Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO HIỂU BIẾT CHO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM VỀ BIÊN GIỚI, BIỂN ĐẢO

 Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo là một vấn đề vô cùng thiêng liêng, là nhiệm vụ không chỉ của lực lượng vũ trang mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Công tác tuyên truyền cho người dân về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo là một vấn đề vô cùng rộng lớn, cần nhiều nghiên cứu chuyên đề, nhiều trao đổi chuyên sâu cũng chưa thể thỏa đáng. 

Thứ nhất, hiện nay chúng ta vẫn tích cực tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, tuy nhiên trên thực tế người dân và thậm chí một số cơ quan báo chí vẫn chưa hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như sự nhạy cảm của từng lực lượng làm nhiệm vụ trên vùng biển đảo nước ta. Việc thông tin cho người dân hiểu bộ đội hải quân có nhiệm vụ gì, bộ đội biên phòng có nhiệm vụ gì, cảnh sát biển, kiểm ngư… có chức năng ra sao vẫn còn hạn chế? Từ đây cũng sẽ dẫn tới những nhận thức chưa đúng, chấp hành pháp luật cũng như tuân thủ sự điều hành của các lực lượng chức năng trên biển chưa đạt hiệu quả cao.

Thí dụ, báo chí vẫn thường xuyên tuyên truyền về quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1, mặc dù vậy không ít người dân vẫn nhầm lẫn cho rằng hai khu vực này là một. Trên thực tế đây là hai bộ phận khác biệt, cách khá xa nhau và do những đơn vị khác nhau bảo vệ, quản lý.

những nhầm lẫn về vùng quản lý của các đơn vị hải quân. Bộ Tư lệnh Vùng 1 hải quân quản lý và bảo vệ vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các đảo trong Vịnh Bắc Bộ; Bộ tư lệnh Vùng 2 quản lý và bảo vệ vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu và thềm lục địa phía Nam, trong đó có khu vực trọng điểm là vùng biển có các cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam; Bộ Tư lệnh vùng 3 hải quân quản lý và bảo vệ vùng biển giữa miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Định gồm các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Quần đảo Hoàng Sa,… Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân quản lý và bảo vệ Quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quý, biển Đông và vùng biển phía Nam miền Trung, từ Phú Yên đến Bắc Bình Thuận…; Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quản lý và bảo vệ vùng biển Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau (biển phía Tây Nam của Cà Mau) và Kiên Giang…

Chính vì một số nhận thức chưa đúng này mà có lúc chúng ta sử dụng hình ảnh, thông tin sai để tuyên truyền, điều này có thể gây tâm tư, suy nghĩ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ hoặc hậu phương của họ ở nhà.

Thứ hai, về công tác tuyên truyền quần đảo Trường Sa và cụm nhà giàn DK1, nhiều năm qua, chúng ta đã có hàng nghìn bài báo, hàng trăm chương trình truyền hình để tuyên tuyền về Trường Sa và DK1, tuy nhiên vấn đề mới thì không nhiều. Các đề tài đi vào lối mòn vì không có chi tiết độc đáo, không có câu chuyện xúc động.

Trước đây tôi và đồng nghiệp đã từng có vệt bài 5 kỳ viết về những câu chuyện rất riêng trên quần đảo Trường Sa từ trước đến nay. Ví dụ như chuyện nhiều thế hệ hai cha con cùng đi giữ đảo; chuyện con vật chim, cá trên đảo, rùa… trên đảo; chuyện lá quốc kỳ trên đảo từ ngày đầu tiên; chuyện Thiếu tướng Hoàng Kiền mang phân trâu ra đảo trồng cây; chuyện người nuôi mèo, ấp trứng vịt nhiều nhất đảo… Hay khi viết về một đồng chí cán bộ quân y có gần 30 năm công tác ở Vùng 2 hải quân, trực tiếp là gắn bó trên các nhà giàn DK1, tôi đã tìm về Kinh Môn, Hải Dương để gặp vợ con đồng chí, tìm hiểu hoàn cảnh, viết câu chuyện về những hy sinh của người vợ khi gần 30 năm… chờ chồng…

Có thể thấy với phóng viên báo chí hiện nay, việc tìm được đề tài mới, hấp dẫn đối với biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa hay cụm nhà giàn DK1 là không dễ. Theo tôi chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho hậu phương cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biển đảo. Lên án sự lạm dụng, trục lợi, về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ ba, việc tuyên truyền đối với ngư dân tham gia khai thác trên ngư trường Biển Đông để họ nhận thức được sự cần thiết của việc xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

5 năm qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương; các bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, ngư dân Việt Nam đã rất nỗ lực quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC. Ví dụ như khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện đã cơ bản phù hợp với quy định của quốc tế; bảo đảm hướng tới xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tổ chức triển khai các quy định liên quan như hướng dẫn ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu; ghi nhật ký đánh bắt để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đủ điều kiện cho xác nhận, chứng nhận; tăng cường xử phạt sai phạm cũng như ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có chuyển biến…

Đồng thời, năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (10/12/1982 - 10/12/2022), đây là một căn cứ pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giúp chúng ta củng cố cơ sở luật pháp, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần tăng cường thông tin để người dân hiểu thêm về vấn đề này. St

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét