Việt Nam chính thức kết nối với xa lộ thông tin của thế giới vào ngày 19/11/1997. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á, đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng internet[1]. Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước[2]. Thế nhưng, vừa qua trên một vài trang mạng xuất hiện các luận điểm không đúng, không phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đáng lưu ý là gần đây đã xuất hiện một số tài liệu chống đối, xuyên tạc lịch sử cùng với những luận điệu hết sức phản động; một số phần tử cơ hội chính trị tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, đòi Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo; đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam theo quan điểm của phương Tây[3]… Các thế lực thù địch lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong một số cán bộ, đảng viên mà chúng ta đang lên án phê phán, đấu tranh và xử lý các vụ việc tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân và các tệ nạn xã hội khác… để gây tâm lý hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam càng trở nên tinh vi, phức tạp với mức độ nguy hiểm khó lường. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm củng cố tư tưởng của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, tác giả kiến nghị một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
Đây là giải pháp, đồng thời là yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cả hệ thống chính trị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay là một trong những nhiệm vụ chính trị mang tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Đây là cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận, quan điểm của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ những giá trị tư tưởng, lý luận đúng đắn, bảo vệ những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã dày công xây dựng. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển hệ thống lý luận, cung cấp luận cứ khoa học về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trước các luận điểm xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Hai là, thường xuyên đổi mới phương thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Đây là giải pháp cơ bản nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội. Đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng: thiết lập và sử dụng các trang web, blog, diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, phản bác hoặc tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại” được đối tượng sử dụng. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả.
Ba là, chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh trên mạng xã hội.
Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng. Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho cán bộ theo định kỳ, gặp mặt các đồng chí cán bộ nghỉ hưu; chủ động trao đổi với các cán bộ có quan điểm chưa thống nhất để cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động.
Bốn là, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách hiệu quả.
Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nghiên cứu sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu trên các trang mạng. Đặc biệt, cần chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các đồng chí đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm những hành vi tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước.
Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên; các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét