Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân

 


Không gian xã hội trên Internet (không gian mạng) mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và cá nhân. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.

Nếu không được bảo vệ, không gian mạng có thể tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, chủ quyền quốc gia, cũng như các mối nguy hại khác. Vì vậy, nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là rất quan trọng và cấp thiết. Lợi ích và các mối đe dọa an ninh trên không gian mạng
Cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ Internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh và dịch vụ điện toán đám mây, con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động, tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã biến Internet trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian xã hội đó được gọi là “không gian mạng” hay “không gian ảo”. 

Không gian mạng rất rộng lớn, gồm cả các trình duyệt web (Google, Chrome, Mozilla Firefox , Opera, Safari...); các trang web tin tức (VnExpress, Yahoo! Tin tức, Zing news, VTC New...); các mạng xã hội (Facebook, Twitter, YuMe, Instagram, Zing me, Youtube, Skype, WeChat, Google Plus, Go.vn...); các tìm kiếm, tra cứu (Google map, Bing, Google Docs...); các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử...); các trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí... 

Trên không gian mạng, các cá nhân có thể tương tác, trải nghiệm, trao đổi ý kiến, trò chuyện nhóm, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp hỗ trợ xã hội, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, sáng tạo phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi,... Không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận. Hoạt động trên không gian mạng tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là con người.

Cùng với những lợi ích to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Đó là những thách thức về tình báo mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng và hàng loạt nguy cơ khác. Nếu không gian mạng quốc gia không được bảo vệ, các bí mật nhà nước sẽ bị lộ, lọt; các hạ tầng quan trọng của quốc gia như hệ thống thông tin hàng không, điện lưới quốc gia, giao thông đường bộ, các cơ sở công nghiệp trọng yếu sẽ bị phá hủy; hệ thống tài chính, ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ hoặc rối loạn hoạt động. 

Không gian mạng có thể thành môi trường để các tổ chức khủng bố quốc tế tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội. Một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng và chiến tranh mạng đang trở thành hình thái chiến tranh mới, nguy cơ về một cuộc chiến tranh không khói súng, không chiến tuyến, không biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia đang hiện hữu. Những điều này tạo ra vô số mối nguy lớn về an ninh và chủ quyền quốc gia. 

Không những thế, không gian mạng còn có thể gây nguy hại cho cơ quan, tổ chức, trường học, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân. Khi công tác bảo mật hệ thống mạng không được coi trọng đúng mức, không gian mạng sẽ bị phát tán mã độc, bị tấn công, gây thiệt hại về tài sản, tinh thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người (bắt cóc, tống tiền, sát hại,...).

Ngay cả những trò chơi, nếu không được kiểm soát cũng gây nguy hiểm đến tính mạng con người, chẳng hạn như trò chơi “Thử thách Momo” trong thời gian gần đây.

Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018. Kaspersky Lab nhận định: “Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng” (1). Một thống kê khác cho thấy, hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó; năm 2018, hơn 9.300 cuộc tấn công vào mạng Việt Nam, hơn 1,6 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu (2). 

Các chuyên gia bảo mật cũng đưa ra cảnh báo về xu hướng tấn công mạng năm 2019, đó là tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ thay thế bằng tấn công phần mềm, hacker chuyển mục tiêu dài hạn sang các chiến dịch ngắn hạn, phạm vi mục tiêu nhỏ với bộ công cụ khai thác phần mềm hay “thả lưới” toàn bộ thị trường. Sử dụng công cụ phần mềm mở rộng kết nối với các ứng dụng nhắn tin chat bot (như Facebook Messenger) để tấn công. Đặc biệt, mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cũng xuất hiện trong năm nay. 

Trong khi đó, nhận thức của người dân về an ninh mạng còn rất hạn chế, tầm quan trọng của an ninh mạng đối với kinh doanh, tài chính và an ninh quốc gia chưa được đánh giá đúng. Các giải pháp an ninh mạng hoặc chưa đủ tốt, hoặc giá thành quá đắt đỏ để tiếp cận, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ không gian mạng.

Một số giải pháp nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng

Với khả năng kết nối vô hạn của mạng thông tin toàn cầu, đặc biệt với các thiết bị Internet vạn vật (IoT) sẽ tiếp tục đặt ra các thách thức hết sức to lớn đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống khủng bố và tội phạm mạng. Để chủ động ứng phó các thách thức này, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng, cần làm tốt một số mặt công tác sau:

Một là, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích và sự nguy hại đến từ không gian mạng. 

Ngày nay, quan niệm về lãnh thổ, chủ quyền, biên giới của một quốc gia không chỉ là đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, mà cả lãnh thổ không gian mạng, chủ quyền không gian mạng. Theo đó, lãnh thổ không gian mạng là một bộ phận hợp thành lãnh thổ quốc gia, nơi xác định biên giới mạng và thực thi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. 

Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn là bảo vệ không gian mạng của quốc gia, bao gồm, bảo vệ các hệ thống thông tin; các chủ thể hoạt động trên không gian mạng; hệ thống dữ liệu, tài nguyên mạng; các quy tắc xử lý và truyền số liệu. Đảm bảo quyền bình đẳng trong tham dự quản lý mạng Internet quốc tế; độc lập trong vận hành hạ tầng cơ sở thông tin thuộc lãnh thổ quốc gia; bảo vệ không gian mạng quốc gia không bị xâm phạm và quyền quản trị truyền tải cũng như xử lý số liệu của quốc gia.

Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nhận thức rõ các nguy cơ đến từ không gian mạng như: tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh mạng đang là thách thức gay gắt về an ninh, và bảo đảm an ninh mạng đang trở thành trọng tâm ưu tiên của quốc gia. Vì vậy, cần quán triệt các quan điểm của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các định hướng hành động của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng và nhận thức rõ rằng, đe dọa trên không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm nhất đối với an ninh quốc gia hiện nay.

Hai là, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng.

Phổ biến các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (Mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội. 

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018. Luật An ninh mạng được xây dựng nhằm bảo vệ người dùng hợp pháp trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên mạng của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng và phòng, chống nguy cơ chiến tranh mạng.

Tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhất là các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Các hình thức giáo dục cần được vận dụng đa dạng, phong phú và linh hoạt như: phối hợp giữa cơ quan chức năng với các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật; tuyên tuyền Luật An ninh mạng; các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin; góp ý xây dựng chương trình giáo dục an toàn thông tin mạng của các cơ sở giáo dục hoặc tham gia biên soạn các tài liệu liên quan đến an toàn thông tin mạng. 

Ba là, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng.

Hoạt động tấn công không gian mạng rất đa dạng và tinh vi như: làm mất kết nối Internet, đánh sập các website của chính phủ, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các website nhằm lừa đảo; cài gắm vào máy tính cá nhân hoặc lấy tài khoản và mật khẩu; đánh cắp dữ liệu cá nhân (hình ảnh, file, video); tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm trong email hoặc ẩn trong quảng cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng những phần mềm độc hại (phần mềm diệt virus, các trình duyệt); tấn công qua usb, đĩa CD, địa chỉ IP, server…

Ở mức độ cao hơn, các thế lực thù địch có thể thông qua block cá nhân lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Thanh Niên Dân Chủ,… núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ” để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Các thế lực thù địch còn lợi dụng báo điện tử, các website, dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội facebook, Zalo, Twitter, diễn đàn,... để phát tán các tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân hoặc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng; làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá. Các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo; Boxit, Dân Luận, Chân Dung Quyền Lực… 

Bốn là, nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ và sử biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công trên không gian mạng.


Nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng quốc gia. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng và các hành vi xâm phạm khác, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Mỗi người cần nghiên cứu và sử dụng tốt các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin như bảo vệ tài khoản cá nhân bằng xác thực mật khẩu 2 lớp; tạo thói quen quét virus trước khi mở file; thực hiện sao lưu dự phòng trên ổ cứng ngoài, mạng nội bộ hoặc trên các dịch vụ lưu trữ đám mây (Google Drive, OneDrive); kiểm tra lộ lọt thông tin tài khoản cá nhân qua Trung tâm xử lý tấn công mạng Việt Nam(3).

Người dùng không nên vào những trang web lạ (hoặc trang web đen), những email chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi ngờ; cập nhật bản trình duyệt, hệ điều hành và các chương trình sử dụng; dùng những phần mềm diệt virus uy tín và được cập nhật thường xuyên, không tắt chương trình diệt virus trong mọi thời điểm. Khi phát hiện bị tấn công trên không gian mạng, nhanh chóng ngắt kết nối mạng; sử dụng các công cụ giải mã độc; báo cho người có trách nhiệm qua đường dây nóng.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách an ninh mạng, lãnh đạo, quản lý các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường trong giáo dục nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng.

Các cơ quan chuyên trách an ninh mạng (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia) cung cấp đầy đủ thông tin về xu hướng phát triển, các nguy cơ từ không gian mạng; các biện pháp phòng, chống tấn công trên không gian mạng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tăng cường cảnh báo khả năng mất an ninh mạng do đơn vị mình cung cấp và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xây dựng các phương án xử lý với sự cố an ninh mạng; phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng. Các cơ sở giáo dục sớm đưa nội dung giáo dục bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học.

Lãnh đạo, quản lý các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường cần nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời; có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên và quần chúng, có kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét