Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Nhận diện, đấu tranh với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

 


Thời gian qua, lợi dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0), các thế lực thù địch, phản động đã thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, thể hiện rõ tính chất, mức độ phức tạp của tình hình để có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, làm giảm nguy cơ dẫn đến các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ Đảng.

Dùng công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá

Theo PGS-TS Bùi Ngọc Quỵnh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với người cán bộ, đảng viên là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; hoài nghi, lung lay về lập trường, lý tưởng và cuối cùng là thay đổi, buông bỏ lập trường giai cấp công nhân, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; nói và làm ngược lại với đường lối, chủ trương, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Sự nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ở chỗ, nó diễn ra ngay trong chính những con người vốn đã từng là cán bộ, đảng viên, thậm chí có những người đã từng rất gương mẫu. Khi đó, Đảng không chỉ mất đi những cán bộ, đảng viên, mà những biểu hiện thoái hóa đó còn gieo rắc sự hoang mang, hoài nghi cho những người khác và xã hội đối với Đảng, Nhà nước.

Cũng theo PGS-TS Bùi Ngọc Quỵnh, ở nước ta, “tác động chuyển hóa” đang trở thành một mũi tiến công mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để làm thoái hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm suy yếu, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Công nghiệp 4.0 trở thành công cụ hữu hiệu để chúng thực hiện âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Đức Long, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, những tác động của công nghiệp 4.0 làm cho cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Đó là, những tiến bộ trong công nghệ đã bị các thế lực thù địch lợi dụng biến thành “công cụ” hữu hiệu tuyên truyền xuyên biên giới nhằm xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, hoạt động chống phá gia tăng về quy mô, đa dạng về hình thức, nguy hiểm về tính chất, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; làm “mờ đi” chủng tộc, màu da, quốc tịch, hệ tư tưởng, bạn - thù. Con người dễ bị lạc vào thế giới “ảo” dưới sự dẫn dắt bởi tin giả, tin xấu, độc của các thế lực phản động với sự hỗ trợ đắc lực của các thành tựu công nghệ mới. 

Thông qua là các trang mạng xã hội, các diễn đàn, hệ thống truyền thông đa phương tiện, các thế lực thù địch gieo rắc các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, tấn công trực diện, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hủy nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất cách mạng của Đảng và Nhà nước. Với luận điệu xuyên tạc được lặp đi lặp lại nhiều lần, các thế lực thù địch sử dụng công nghệ để tạo ra sự “thu hút” ảo, như số lượng người đọc, người bình luận, người chia sẻ “khủng” để gây chú ý, hoài nghi, hoang mang và dần làm lung lay tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên. Chúng đội lốt, nhân danh “công lý”, “tập thể”, “quyền dân sự” để lập các hội, nhóm nhằm tập hợp, lôi kéo một số cán bộ thoái hóa, biến chất; lập ra cái gọi là “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị” rồi phát tán nội dung trên các trang mạng xã hội hòng làm nhiễu loạn tình hình.

Chúng còn tận dụng công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo để đầu tư tài chính, công nghệ, con người cho lĩnh vực truyền thông nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, dần làm “đổi màu” truyền thông, tách truyền thông khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ để đầu tư các sản phẩm truyền thông xấu, độc, phản giá trị; khoét sâu vào trí tò mò, thích cái mới lạ, tin giật gân về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để nhanh chóng lan tỏa trên môi trường mạng toàn cầu. Thực tế cho thấy, một số cán bộ, đảng viên sau khi bị tiêm nhiễm thông tin tiêu cực, độc hại đã tỏ ra hoài nghi về con đường cách mạng, có tư tưởng xét lại một số chủ trương của Đảng, như đảng viên làm kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân hay vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Họ hoài nghi và cho rằng, đây chính là biểu hiện, là minh chứng về sự dần “đổi màu” của Đảng, của chế độ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét