Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Nhận diện, xử lý những “con rắn nước” trong tập thể

Quanh co, uốn khúc như con rắn nước là hình ảnh mà Lênin dùng để chỉ những người “trung bình chủ nghĩa”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ “trung bình chủ nghĩa” là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo chống “trung bình chủ nghĩa” trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đầy khó khăn, gian khổ, Người đã dành thời gian viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Người phân tích hạng người “trung bình chủ nghĩa”: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa, hạng kém. Hạng ở giữa nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”. Người yêu cầu, không được lẫn lộn giữa yêu cầu “đoàn kết” và “đồng cam cộng khổ” khi tiến hành kháng chiến với tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”. Người khẳng định: “Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng nhau hết. Ví dụ như, Bác yếu chỉ ăn ba bát cơm, chú khỏe cần nhiều hơn mà cũng chỉ ăn ba bát, chú lùn cũng đòi máy áo dài, Bác cao hơn cũng mặc áo dài như chú”. Trong công tác nhân sự, Bác phê bình: “tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau”. Về sau này, khi miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, Người có rất nhiều bài nói, bài viết phê phán tình trạng phân phối “cào bằng”, phê bình những người “mũ ni che tai” và phát động phong trào thi đua yêu nước trong tất cả lĩnh vực của đời sống. Người nhấn mạnh, thi đua “đua, đuổi, vượt nhau” giữa các cá nhân, tập thể chính là cách khắc phục tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” tích cực và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do nước ta duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đến nay tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong khi vẫn còn cơ chế xin-cho nên sức ỳ, tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và cả tâm lý duy tình, truyền thống “đóng cửa bảo nhau” lẫn yêu cầu đoàn kết đã tạo ra những mảnh đất màu mỡ để tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” tồn tại và phát triển. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích tác hại của tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” trong công tác xây dựng Đảng nhằm kiến nghị những giải pháp xử lý “căn bệnh” này hiện nay. Đánh rắn nước cũng phải đánh dập đầu Lênin gọi những người “trung bình chủ nghĩa” là những con rắn nước, điều đó hẳn là có sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, “đánh rắn phải đánh dập đầu”, tức là phải xử lý những căn nguyên nảy sinh bệnh “trung bình chủ nghĩa”. Trước đây, trong phong trào công nhân thời kỳ Lênin thì những người “trung bình chủ nghĩa” đến từ giai cấp tiểu tư sản và một bộ phận công nhân thoái hóa, biến chất bị các ông chủ mua chuộc. Những người này tham gia phong trào công nhân nhưng thực chất họ không có lý tưởng, khát vọng, hoài bão đấu tranh cho công bằng, dân chủ của công nhân. Ngày nay, trong điều kiện Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, những người “trung bình chủ nghĩa” có xuất thân đa dạng, thuộc nhiều giai tầng khác nhau, nhưng điểm chung là họ không thực sự giác ngộ lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ tìm mọi cách để vào Đảng chẳng qua là để tìm đường mưu cầu danh lợi cho bản thân và gia đình. Giáo dục lý tưởng cách mạng và động cơ vào Đảng đúng đắn là vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ đã đánh giá tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng” và “thiếu tính Đảng”, có nguyên nhân từ “công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức”. Thời gian tới là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Vì vậy, giải pháp hàng đầu được Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII xác định là nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện nghiêm cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rơi vào “trung bình chủ nghĩa” nhưng họ đang núp dưới những vỏ bọc an toàn với “kim bài miễn tử” mang tên “im lặng”. Họ là những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” trong sinh hoạt Đảng. Đồng chí Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận xét: “Tình trạng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “mũ ni che tai” nhiều khi lại được xem là phương châm xử lý khôn ngoan, thức thời. Không ít trường hợp vi phạm có nguyên nhân từ tình trạng vô trách nhiệm, thiếu công minh, khách quan của người có trọng trách”. Nhà báo lão thành Hữu Thọ, trong một bài báo đăng trên Báo Nhân Dân năm 2012 đã chỉ ra hiện tượng cán bộ, công chức “ngậm miệng ăn tiền” và cả “ngậm miệng không ăn tiền” với các mối quan hệ từ lợi ích đến đồng hương, bạn bè mà im lặng, bỏ qua không can gián, góp ý phê bình những sai sót của lãnh đạo. Ông nêu rõ “không ít người né tránh, chọn thái độ ngậm miệng, chọn cách yên phận trong canh bạc cơ hội. Những người suy thoái cho dù là một bộ phận không nhỏ thì cũng không phải là số đông. Kẻ nịnh hót, bợ đỡ tuy rất xấu nhưng không thể là đa số, cho nên số đông chọn thái độ cơ hội “im lặng” hoặc không nói, không bỏ phiếu thật lòng là “thói quen nguy hiểm, chết người” làm cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa thành công, chưa đạt yêu cầu”. “Nằm giữa hai chăn thì không bao giờ mất phần”, phương châm tưởng như “khôn ngoan” này của một bộ phận không nhỏ đảng viên hiện nay đang gây ảnh hưởng đến sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Giải pháp tỏ ra có hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng này đã được nhiều cấp ủy, chi bộ trong toàn Đảng áp dụng là yêu cầu đảng viên bày tỏ chính kiến trong các buổi sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Đối với một số cấp ủy có số lượng ủy viên đông, đòi hỏi phải có thời gian sinh hoạt dài và công tác chuẩn bị công phu, chu đáo. Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Công văn số 3993-CV/BTCTW, ngày 10-11-2017 về việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Nhờ vậy, việc đảng viên thẳng thắn bày tỏ chính kiến trong hội nghị kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng tăng cao. Năm 2017, các cấp ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 11.005 tập thể (tăng 857 tập thể so với năm trước, trong đó có 33 tập thể thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) và 27.868 cá nhân, tăng 1.770 cá nhân so với năm 2016. Đã có 244.998/247.691 tập thể và 4.401.230/4.499.674 đảng viên được kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Những cá nhân, tập thể chưa được kiểm điểm chủ yếu là mới thành lập, sáp nhập, chia tách và đau ốm, đi học dài hạn, đi làm ăn xa, nghỉ chế độ thai sản... Trong báo cáo kiểm điểm tập thể, cá nhân và kết quả đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017 gửi Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương nhận định: “Đa số cá nhân đã nghiêm túc đối chiếu với bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, liên hệ với 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để kiểm điểm. Một số cá nhân đã tự nhận mức độ suy thoái ở một số biểu hiện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Qua kiểm điểm, nhiều cá nhân đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân để đề ra kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa”. Đặc biệt, để khắc phục bệnh “trung bình chủ nghĩa”, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, “nể nang, né tránh, ngại va chạm”, nhiều tổ chức đảng đã có những cách làm sáng tạo mới: Tỉnh ủy Trà Vinh đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra, thành 82 biểu hiện chi tiết hơn để từng cấp ủy, chi bộ, đảng viên dễ nhận diện hơn. Kết quả kiểm điểm có tới 32,28% đảng viên nhận ra những biểu hiện suy thoái của mình để xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa. Tỉnh ủy Bắc Kạn thì cụ thể hóa từ 27 biểu hiện trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thành 135 nội dung để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa. Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Nhờ bộ công cụ chi tiết này, Hà Giang đánh giá có 29.370 lượt đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị; 14.418 lượt đồng chí có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; 5 đồng chí có biểu hiện “tự diễn biến”... Có thể nói, với quyết tâm chính trị rất cao từ Trung ương đến cơ sở, thời gian qua, Đảng ta đã tấn công quyết liệt vào căn bệnh “trung bình chủ nghĩa”. Qua đó, đã trả lời khá xác đáng câu hỏi lâu nay mà nhân dân đặt ra: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là bao nhiêu? Họ là những ai? Điều quan trọng nhất, ngọn lửa “tự phê bình và phê bình” đã và đang thiết thực góp phần nâng cao sức chiến đấu cho đảng viên và các tổ chức đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét