Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn trong ảnh chính là nữ du kích Võ Thị Mô!
Sinh ra và lớn lên ở Củ Chi – mảnh đất còn được gọi bằng một cái tên khác là “Tọa độ hủy diệt”. Ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, Bảy Mô (Võ Thị Mô) đã ý thức về cuộc sống chiến đấu gian khổ của người thân và hàng xóm xung quanh, mặc dù cha muốn chuyển bà đến nơi khác để tiếp tục học hành, nhưng bà vẫn kiên quyết ở lại đào địa đạo cùng các anh, các chú, và tích cực tham gia vào các phong trào thanh niên của huyện như đi tải đạn, đào hầm hào, giao liên, văn nghệ. Đến năm 15 tuổi, Bảy Mô tham gia dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí cho bộ đội, tích cực tham gia ở mọi lĩnh vực. Bộ đội đánh ở đâu, bà theo đó. Ai bị thương, bà xốc lên vai chuyển về tuyến sau. Đến nỗi, có người đã nói: “Có đồng chí Mô là tôi an tâm, không sợ bị bỏ lại trận địa”.
Tháng 12/1966, bà tham gia đội nữ du kích Củ Chi, được bầu làm trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy đội nữ du kích Củ Chi khi mới 19 tuổi. Bản thân bà luôn hăng hái, xông pha, chủ động thực hiện nhiều trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch. Cũng năm này, bà đã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú. Bà kể lại rằng: dũng sĩ diệt Mỹ có các cấp phụ thuộc vào tỷ lệ giết được lính Mỹ, dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3 là diệt được 3 lính Mỹ, cấp 2 là 6 lính Mỹ, cấp 1 là diệt được 9 lính Mỹ, còn cấp ưu tú là 10 lính Mỹ trở lên.
Trong quá trình chỉ huy đội nữ du kích, đơn vị bà đã kết hợp với nhiều đơn vị khác tổ chức nhiều trận đánh. Năm 1967, đội của bà kết hợp với tiểu đoàn C15 diệt được xe tăng và nhiều bộ binh. Tiếp đó bà chỉ huy đơn vị nữ của mình đánh trận ở Rừng Tre (Bến Cát Bình Dương). Tại đây do sự chỉ điểm của bọn do thám, địch đã tấn công tại rừng tre 17 đợt trong ngày nhưng nhờ sự dũng cảm của trung đội nữ du kích Củ Chi đã đẩy lùi cuộc tấn công của địch. Kể từ đây đơn vị của bà còn mang tên “Tiểu đoàn lửa”.
Người con gái vóc người nhỏ nhắn với lòng quả cảm phi thường, không chỉ yêu thương đồng đội, mà còn có tấm lòng nhân ái với cả kẻ thù. Trong một lần tổ chức phục kích, đội của bà gặp 4 lính Mỹ dừng chân đúng nơi bà đã cài mìn. Một tên móc lá thư ra đọc rồi khóc. Thấy vậy, tên khác cũng lấy ảnh ra xem và rơi nước mắt, rồi cả bốn cùng ôm nhau khóc. Dù đồng đội đi sau hối thúc: “Bắn đi”nhưng bà vẫn kiên quyết:“Không thấy chúng đang khóc à? Tao tha”.
Sau này, 1 trong 4 lính Mỹ ấy lặn lội sang Việt Nam để tìm bà Mô và hỏi: “Bà thích món quà gì tôi sẵn sàng tặng”. Bà trả lời:“Tôi chỉ mong đừng ai xâm chiếm đất nước tôi. Nếu đất nước tôi bị xâm chiếm lần nữa, tôi quyết đánh”.
Đến tháng 12 năm 1970, bà được cử đi học trường sĩ quan lục quân, học xong bà ở lại làm giáo viên của trường cho đến ngày đất nước giải phóng. Sau giải phóng, bà trở về làm công tác thuyết minh tại di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (đình Bến Dược) đến khi về hưu.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét