Nghệ An có diện tích tự nhiên hơn 16.487km2, trong đó diện tích khu vực miền núi là 13.745km2 (chiếm 83%); có 12 huyện, thị xã thuộc khu vực miền núi có người dân tộc thiểu số (DTTS), 252 xã, phường, thị trấn miền núi (trong đó 131 xã, 923 thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, có 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn); có 27 xã của 6 huyện có biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Hủa Phăn) của nước bạn Lào, với 468,281km đường biên giới. Dân số vùng DTTS, miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh), đồng bào các DTTS có 491.267 người (chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi), gồm 5 dân tộc có đông người cùng sinh sống (Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu). 8/12 huyện, thị xã miền núi có cơ sở tôn giáo, 4 huyện còn lại đều có tín đồ tôn giáo, số lượng khoảng 1.000 người, trong đó có 143 tín đồ là người DTTS (chủ yếu là dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn); đạo Tin lành có hơn 80 tín đồ, xuất hiện tại 6/12 huyện, thị xã miền núi (32 người Mông, 11 người Thái).
Vai trò và đóng góp của người có uy tín ở Nghệ An
Trong đời sống xã hội của đồng bào DTTS, già làng, trưởng bản thường có quan hệ đến các tổ chức dòng họ. Họ có uy tín và chi phối ảnh hưởng rất lớn đối với người dân trong làng, bản. Họ được suy tôn có uy tín đối với quần chúng và đứng ra duy trì các hoạt động truyền thống của đồng bào DTTS. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, ở khu vực biên giới nơi người dân ít có quan hệ giao lưu văn hóa với xã hội bên ngoài thì già làng, trưởng bản lại càng được quần chúng kính nể nghe theo và vai trò của họ càng lớn. Họ vừa là người lãnh đạo của quần chúng nhân dân trong làng, bản, vừa là quần chúng “đặc biệt” có uy tín và sự kính trọng của mọi người, lại vừa là cầu nối hết sức quan trọng giữa quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đấu tranh, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật tại vùng đồng bào DTTS.
Hiện nay, Nghệ An có 1.228 người có uy tín đã được cộng đồng dân cư bầu chọn, họ là những bí thư chi bộ, trưởng thôn, nhân sỹ, trí thức, cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu, già làng, trưởng dòng họ, doanh nhân... Người có uy tín Nghệ An gồm 10 thành phần dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu, tộc người Đan Lai, Tày Poọng, Nùng, Kinh, Hoa. Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS của Nghệ An qua các năm đều có sự thay đổi nhất định, tỷ lệ thành phần dân tộc trong người có uy tín tính chung các năm là: Thái chiếm đa số với 59,1%; Thổ 14,1%; Kinh 10,2%; Mông 7,6%; Khơ Mú 8,3%; Ơ Đu 0,1%; dân tộc khác 0,6%.
Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An có vị trí, vai trò, phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Bản thân người có uy tín và gia đình gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào; đồng thời vận động nhân dân tại địa phương chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Họ là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia các phong trào như xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay trên địa bàn vùng dân tộc miền núi có 89/299 xã đạt 19 tiêu chí NTM, chiếm 29,8% (cả tỉnh hiện có 299/411 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 72,74%); có 185 thôn, bản đạt chuẩn NTM không thuộc xã chuẩn NTM.
Những đóng góp của người có uy tín trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc rất đáng ghi nhận. Đến thời điểm hiện nay, trong vùng đồng bào các DTTS đã có trên 500 mô hình thu nhập ổn định 50-100 triệu đồng/năm, chưa kể đến các mô hình trồng rừng 50 năm và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô lớn. Người có uy tín không những đóng góp ý kiến trong việc hoạch định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn góp ý về đạo đức, lối sống, phẩm chất sinh hoạt đối với cán bộ, đảng viên. Đó là những việc làm thể hiện là cầu nối giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Những người có uy tín đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân nhận thức và hiểu được âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, vận động nhân dân tham gia phát hiện các loại tội phạm. Người có uy tín bằng hành động, việc làm cụ thể đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc như lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Đền Chín Gian (Quế Phong), lễ hội Mường Ham (Quỳ Hợp), Đền Vạn (Tương Dương)... Các lễ hội này mặc dù do chính quyền tổ chức nhưng vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản cũng đóng góp không nhỏ trong vấn đề giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống.
Kinh nghiệm phát huy vai trò của người uy tín trong đấu tranh, ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật tại Nghệ An
Để phát huy tốt đội ngũ này các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã sáng tạo, linh hoạt để ngăn chặn có hiệu quả việc phát triển đạo, truyền đạo trái pháp luật lên vùng đồng bào DTTS bằng những kinh nghiệm như sau:
Một là, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và Quyết định số 2561/QĐ-TTg về “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hai là, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người có uy tín, già làng, trưởng bản hiểu và nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương lớn của địa phương về chính sách dân tộc, tôn giáo. Đây là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng, là cơ sở để tiến hành những nội dung khác.
Ba là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho người có uy tín, già làng, trưởng bản. Giúp cho họ thấy được âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng vào vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại cách mạng Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn hiện nay chúng đang tiến hành hoạt động truyền đạo Tin lành trái pháp luật để phá hoại phong tục, tập quán của các dân tộc, gây mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng họ, làng, bản làm mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới, nhằm phá hoại sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước tiến tới đòi xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Bốn là, bồi dưỡng cho người có uy tín, già làng, trưởng bản nội dung, phương pháp củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội trong làng, bản biên giới vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống truyền đạo Tin lành trái pháp luật. Có nâng cao được chất lượng hoạt động của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thì mới đủ khả năng lãnh đạo, tổ chức quần chúng. Các tổ chức chính trị - xã hội phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để có đủ khả năng tập hợp và duy trì quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động của mình, không để kẻ địch dụ dỗ tham gia vào các tổ chức của đạo Tin lành, có như vậy mới ngăn chặn và đẩy lùi được các hoạt động truyền đạo trái pháp luật tại vùng đồng bào DTTS.
Năm là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân.
Sáu là, vận động nhân dân giữ vững, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng tạo nên một nền văn hóa đa dạng phong phú của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Từ khi đạo Tin lành trái phép xâm nhập vào làm thay đổi căn bản nền văn hóa của các DTTS ở khu vực biên giới như phá bỏ bàn thờ, chỉ thờ Thiên chúa. Người có uy tín, già làng, trưởng bản là những người hỗ trợ tích cực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được việc thờ phụng tổ tiên là một truyền thống lâu đời của dân tộc ta, từ đó mới giữ vững, phát huy được bản chất truyền thống lâu đời của dân tộc. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ tín ngưỡng, tôn giáo trái với thuần phong, mỹ tục; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc.
Bảy là, cần căn cứ vào điều kiện thực tế của địa bàn, phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý, thái độ của người có uy tín, già làng, trưởng bản khi tiến hành các nội dung của công tác vận động tham gia phòng, chống truyền đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới. Từ đó có phương pháp vận dụng cho phù hợp, kết hợp khéo léo giữa tình cảm và công việc, kết hợp giữa vận động và mời họ cùng tham gia phòng, chống truyền đạo trái pháp luật tại vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét