Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

TÀI HOA NGHỆ NHÂN CHẠM KHẮC GỖ

Nghề chạm khắc gỗ ở làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) đã có từ hàng trăm năm trước. Với tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa khéo léo, những người thợ mộc làng nghề Ngọc Than đã tạo nên hàng nghìn sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ độc đáo. Không những làm giàu cho người dân địa phương, nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Công phu nghề truyền thống

Đến Ngọc Than, ngay từ đầu làng đã nghe thấy những tiếng lách cách của người thợ mộc đang gõ đục trên những thớ gỗ. Với sức sáng tạo và đôi tay khéo léo, người dân làng nghề đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, giàu tính truyền thống, như: Hoành phi, câu đối hay sản phẩm mang tính thời đại, như: Tranh khắc gỗ, bàn ghế, hoa gỗ… Đồ gỗ Ngọc Than được tiêu thụ khắp nơi trên cả nước và không ít sản phẩm được xuất khẩu…


Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nghệ nhân Đỗ Đình Thường - Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc gỗ dân dụng cao cấp Ngọc Than chia sẻ, người thợ ở Ngọc Than rất khéo léo. Việc chạm khắc đòi hỏi tay nghề của người thợ rất cao, tạo nên “tên tuổi”, tiếng vang cho làng nghề. Nhắc đến các sản phẩm đồ thờ, như: Hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng, tượng Phật hay việc dựng lại các công trình triến trúc cổ bằng gỗ tự nhiên như đình, chùa... nhiều người sẽ nghĩ ngay tới làng Ngọc Than. Hiện nay, làng nghề có 3 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu.

Là nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng, anh Nguyễn Bá Nghĩa cho biết: “Tôi được công nhận là nghệ nhân năm 2015 khi mới 35 tuổi. Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống chạm khắc gỗ, từ nhỏ đã được ông nội uốn nắn, truyền nghề, đến năm 15 tuổi đã thành thạo nghệ và biết vẽ hoa văn cho thợ đục…”. Với tài hoa bẩm sinh, anh Nguyễn Bá Nghĩa được biết đến là nghệ nhân chuyên đảm nhận những sản phẩm khó.

Ở làng Ngọc Than, nhiều hộ dân chuyên sản xuất đồ mộc thờ cúng. Để có được những sản phẩm thờ cúng chạm khắc tinh xảo, người thợ không chỉ cần sự khéo léo mà còn phải am hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống. Trong câu chuyện với người dân làng nghề, chúng tôi được biết, để tạo ra một bức tượng, khó nhất là “đổ diện tượng” - đục khuôn mặt tượng. Việc này đòi hỏi người thợ phải làm ra được “thần thái” của nhân vật định tạo tác. Ví như, tượng “Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay” thì gương mặt phải toát lên được nét thanh tịnh, hiền từ; tượng “Di Lặc” thì gương mặt phải hoan hỷ, sảng khoái… Vì thế, những người có thể “đổ diện tượng” ở làng nghề Ngọc Than luôn có mức thu nhập cao, tới 1 triệu đồng/ngày công.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Tiến Dũng, hiện làng Ngọc Than có 1.700 "nóc nhà" thì có tới hơn 140 hộ gia đình làm nghề sản xuất đồ mộc. Trong đó có nhiều xưởng sản xuất quy mô lớn, quy tụ hàng chục thợ tham gia. “Thu nhập của người dân Ngọc Than nói riêng và xã Ngọc Mỹ nói chung chủ yếu từ làng nghề, đồng thời chiếm hơn 60% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Năm 2022, có 2 chủ thể nghề chạm khắc gỗ của xã đã mạnh dạn đưa sản phẩm dự thi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, bước đầu được đánh giá, phân hạng đều đạt "4 sao". Kết quả này minh chứng, khẳng định chất lượng sản phẩm của làng nghề mộc Ngọc Than; và tạo cơ hội để làng nghề quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong, ngoài thành phố, cũng như một số nước trên thế giới…”.

Nghệ nhân Đỗ Đình Yên có 2 sản phẩm dự thi OCOP năm 2022 là “Tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay” và “Đôi bình hoa sen gỗ mít” cho biết: “Năm đầu tiên mang sản phẩm dự thi OCOP, tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để thực hiện tác phẩm. Với bức tượng Quan Âm, tôi chạm trên chất liệu gỗ mít ta, tỉ mỉ thực hiện trong hơn 1 tháng. Còn đôi bình hoa sen thì làm trong 1 tuần…”. Cả 2 sản phẩm dự thi của nghệ nhân Đỗ Đình Yên đã được Hội đồng OCOP thành phố đánh giá, phân hạng "4 sao".

Còn nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa dự thi 3 tác phẩm: “Tranh vinh quy bái tổ”, “Bộ đài nến bằng gỗ gụ”, “Bộ hoành phi câu đối” bày tỏ mong muốn sản phẩm được chứng nhận để nghề của làng được nhiều người biết đến, từ đó mở rộng hơn thị trường tiêu thụ... Hiện tại, xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Bá Nghĩa có 19 lao động. Những thợ kỹ thuật cao luôn được trả mức lương từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng; thợ bình thường có mức lương 6-7 triệu đồng/tháng; doanh thu từ sản xuất mỗi năm của gia đình đạt 6-7 tỷ đồng.

"Làng nghề Ngọc Than ngày càng phát triển, đời sống của người dân khấm khá hơn đã và đang góp phần giúp xã Ngọc Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng quê ngày càng khang trang, hiện đại. Đáng quý hơn, việc những nghệ nhân, thợ giỏi của làng hằng ngày truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ không chỉ giúp người dân giữ nghề truyền thống mà còn khiến danh tiếng làng nghề ngày càng được nhiều người biết đến, đưa sản phẩm truyền thống của người thợ Ngọc Than góp mặt nhiều hơn ở thị trường trong nước và thế giới", Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét