Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Thầy Nguyễn Ngọc Ký - Tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận


                                             

Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định, đến nay thầy giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe đã có phần giảm sút song tình yêu và niềm đam mê đối với nghề giáo vẫn luôn vẹn nguyên trong con người đầy nghị lực này.

Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân ông và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa.

Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu hì hụi tập viết bằng ... chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Không những thế, Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi... Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, cậu đã được đi học và học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, Ký tham dự kì thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5. Cậu lại được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2.

Lên cấp III, theo lời động viên của bạn bè khắp nơi trên cả nước, Nguyễn Ngọc Ký đã chọn ngành Văn. Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách.

Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, ông bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề : “Những năm tháng không quên” (sau đó là “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” tái bản nhiều lần).

Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”.

Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều phương pháp, cách thức dạy học. Ông đã nghĩ ra phương pháp dạy học rất sáng tạo, hiệu quả. Ông  tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, ông dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, ông đã thuyết phục được học sinh. Không những thế, trong bất cứ bài học nào ông cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo.

Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Ngày 20/11/1992, ông được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 1993, sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng. Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp để vừa công tác vừa chữa bệnh.

Thầy còn đi giao lưu khắp nơi, khắp các vùng, miền trong cả nước. Từ trường tiểu học đến trường đại học, các bạn đều rất thích được thầy tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi về nhân sinh và cuộc sống. 1500 buổi nói chuyện tại các nhà trường THCS, THPT, THCN là một con số đáng nể phục! Chẳng thế mà một thầy giáo trẻ từng bày tỏ “Thầy Ký giao lưu một tiết bằng chúng em dạy giáo dục công dân cả năm… Thầy đã thực sự truyền lửa và lòng nhiệt huyết đến các bạn trẻ”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét