Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN: TƯ TƯỞNG ĐÚNG ĐẮN, TẠI SAO PHẢI BỎ?

Mình nhớ có lần mình đọc một quyển sách lớp 7 giải thích về câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đại khái câu đó mang ý nghĩa là học lễ nghĩa trước, học kiến thức theo sau. Phần chữ “lễ” ở đây là cách cư xử, tôn trọng giữa người với người, kính trên nhường dưới, biết điều trong các mối quan hệ, sống tốt đẹp. Hay rộng và dễ hiểu hơn, chữ “lễ” là đạo đức của mỗi người. Chữ “lễ” ở đây không phải mang tính lễ nghi, lễ giáo phong kiến lạc hậu, cổ hủ như nhiều người vẫn nghĩ. Không ít người, không biết tài năng học rộng bao nhiêu, nhưng với tâm lý bài Tàu mù quáng, cứ dính một chút đến các từ Hán Việt hay Nho giáo là phủ quyết cho rằng đó là những thứ lạc hậu, cổ hủ, cần bài trừ. Nho giáo có những điều không phù hợp với hiện tại, nhưng không phải hoàn toàn là những điều xấu xa, Nho giáo vẫn đang là cốt lõi văn hóa của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Thay vì theo Nho giáo một cách khô cứng, họ vận dụng, biến đổi, nêu cao cái tốt, hạn chế cái xấu cho phù hợp với xu thế phát triển của hiện tại. Và họ đều là những quốc phát triển hơn Việt Nam. Phần lớn người Việt khi nghĩ về câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, người ta nghĩ đến điều gì? Đó là việc học tập và rèn luyện về nhân cách, đạo đức luôn là hàng đầu. Và đó là cũng là tiêu chí của rất nhiều nền giáo dục khác đồng văn với chúng ta. Nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất Fukuzawa Yukichi vốn là một người không thích Nho giáo, ông phê phán những lề lối trì trệ của Nho giáo, nhưng ông phê phán một cách chọn lọc, nêu cao những điểm tốt lành của Nho giáo như rèn luyện đạo đức, tính dân tộc, suy nghĩ minh bạch sáng suốt và “phải làm những gì có ích cho xã hội” - trích từ Hibi no oshie - Những lời dạy thường ngày, một trong những lời dạy trẻ em được biết đến nhiều nhất Nhật Bản. Vậy, có ích cho xã hội là gì? Là một người con người có đạo đức và kiến thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói một câu bất hủ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Xu thế của thế giới hiện tại là khai phá, hòa nhập, phát triển, đề cao tinh thần độc lập và tôn trọng suy nghĩ cá nhân. Nhưng, những điều trên đâu có mâu thuẫn với “Tiên học lễ, hậu học văn”? Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển những định hướng giáo dục tôn vinh việc phát triển đạo đức xã hội, song song đó là cải cách hoặc đổi mới phương pháp dạy và học, cách ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính chủ động của cả giáo viên và học sinh.... Tại sao không duy trì khẩu hiệu ấy song song với những khẩu hiệu, câu nói khác? Nếu chỉ vì “kích thích tư duy phản biện” mà bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” ấy đi. Thì cần phải hiểu thế này, tư duy phản biện là một tư duy đúng đắn, mới mẻ và hợp lý trong giáo dục. Nhưng không phải lứa tuổi nào, học sinh nào, lớp nào, môn học nào, trường học nào… cũng có thể áp dụng “phản biện” vào được. Mới chỉ 2 - 3 năm nay, vấn đề phản biện xã hội mới được đưa vào thí điểm vào trong khối THPT, còn không chỉ khi lên bậc đại học, cao đẳng thì người ta mới biết đến khái niệm phản biện một cách thực sự rõ ràng. Bất cứ ai, lứa tuổi nào, giới tính nào, trình độ học vấn ra sao cũng đều có thể “Tiên học lễ, hậu học văn”. Việc bỏ một câu mang tính phổ quát về tư tưởng giáo dục thay bằng một câu gì đó khuyến khích tư duy phản biện, e rằng là quá mới và không phù hợp với tiến trình giáo dục hiện tại. Đôi khi sẽ khiến tư tưởng giáo dục bị bó hẹp lại. Chưa kể, “tư duy phản biện” không thể đem ra làm cốt lõi đại diện cho ngành giáo dục được, vì nó chỉ là một phần rất nhỏ trong giáo dục mà thôi. Muốn áp dụng một cải cách gì mới trong giáo dục, cần một sự thí điểm, đánh giá và thay đổi có lộ trình rõ ràng, không phải mang tính đánh đố và bắt buộc giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ví dụ ngay như chương trình Trường Teen chuyên về phản biện dành cho các học sinh THPT, cũng chỉ có một số trường nhất định, với các bạn học sinh tiếp xúc sớm, được biết nhiều về phản biện mới có thể tham gia. Mà trước khi đạt được “nấc thang” phản biện, thì làm tốt vấn đề tranh luận, trao đổi, tăng tính tự chủ của học sinh và giáo viên đi đã. Và dĩ nhiên, lại kéo theo một câu chuyện rất dài nữa. Câu chuyện đề xuất bỏ cụm từ “Tiên học lễ, hậu học văn” khiến mình nhớ đến hai câu chuyện. Một là cách đây khoảng 7 - 8 năm gì đó, một giáo sư nào đó cũng đề xuất thay đổi lời Quốc ca vì lời bài hát “đẫm máu” và “bạo lực quá”. Nên viết lại cho mềm dẻo và phù hợp với xu thế phát triển hiện tại và để cho quốc tế thấy Việt Nam yêu hòa bình thế nào. Hai là cách đây khoảng 10 năm, khi còn ngồi trên ghế đại học, tranh luận về câu nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nguyên khí quốc gia ở đây là năng “chất” làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Có bạn nói rằng, nếu tôi chỉ là một người bình thường, không phải hiền tài, thì chẳng lẽ không xứng đáng là “nguyên khí quốc gia”. Đôi khi, một câu nói đơn giản, mang một tinh thần nhất định khiến ai cũng có thể hiểu biết và nắm rõ. Lại bị gán ghép cho đủ thứ linh tinh và đậm chất diễn. Hay như xã hội phát triển hơn, văn minh hơn, giàu có hơn, thì lịch sử hay văn hóa, vẫn luôn là thứ cần phải bảo tồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét