Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ


Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và đoàn kết trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đoàn kết quốc tế là nhân tố bảo đảm sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội cũng như thắng lợi của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế chứa đựng nhiều nội dung phong phú, rộng lớn; được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán, kiên định qua nhận thức, quan điểm và hành động của Người. Đáng chú ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, đoàn kết quốc tế là một đòi hỏi khách quan, một vấn đề có tính nguyên tắc, là chiến lược xuyên suốt, nhất quán và có vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam.
Tiếp bước con đường đi ra thế giới của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; rút kinh nghiệm từ thất bại của những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược đầu thế kỷ XX; nhờ những trải nghiệm trong thời gian sinh sống, lao động ở nước ngoài; qua hoạt động với tư cách đảng viên Đảng Xã hội Pháp, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, và nhất là nhận được nguồn cổ vũ lớn từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh là người đầu tiên và duy nhất xác định rõ ràng nền tảng, nhân tố quan trọng cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam là đoàn kết, hội nhập với thế giới.
Trong quan điểm của Người, thân phận bất hạnh của đa số “người bị bóc lột”, người lao động nghèo ở các nước là cơ sở chính hình thành nên “tình hữu ái”, sự đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới; đoàn kết quốc tế là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của cách mạng giải phóng dân tộc nói chung và cách mạng ở Việt Nam nói riêng.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rõ ràng về mục tiêu của đoàn kết quốc tế. Đó là, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước và kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp, vì quốc gia, dân tộc và vì nền hòa bình của khu vực và trên thế giới. Với Hồ Chí Minh, “sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới… Sự đoàn kết quốc tế có một ý nghĩa to lớn với chúng tôi”.
Thứ ba, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết quốc tế, để thực sự tạo nên sức mạnh, phải được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản: 1) không phân biệt, bình đẳng, cùng có lợi; 2) tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 3) phải phát huy tinh thần “tự lực cánh sinh”, dựa vào sức của mình là chính; 4) có lý, có tình. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”. Người khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình”. Đây là thông điệp về hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau của nhân dân Việt Nam với thế giới. Đây cũng là tư duy, tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Chí Minh.
Thứ tư, đoàn kết quốc tế, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề tập hợp lực lượng là rất quan trọng. Lực lượng đoàn kết quốc tế, theo tư tưởng của Người, rất phong phú song tập trung chủ yếu vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ thế giới. Hồ Chủ tịch đã thành công khi gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, trong việc mở rộng lực lượng đoàn kết quốc tế, Người còn xác định rõ vai trò quan trọng của các quốc gia láng giềng, các nước lớn.
Có thể khẳng định, tư tưởng về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những định hướng, nền tảng, cơ sở lý luận quan trọng cho việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam, là ánh sáng soi đường của đối ngoại Việt Nam.
=====
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét