Phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) ở các cơ quan, đơn vị luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống bộ đội.
Tuy nhiên, mỗi dịp diễn ra liên hoan nghệ thuật quần chúng (NTQC), không ít cơ quan, đơn vị sẵn sàng thuê đạo diễn, biên đạo và tuyển diễn viên “đóng thế”, được hợp thức hóa bởi quy chế “đơn vị kết nghĩa”. Kết quả, hội thi, hội diễn nào cũng thành công tốt đẹp nhưng vô hình trung làm mất đi vẻ hồn nhiên, mộc mạc, đậm chất lính vốn có của VNQC.
Trông cậy cả vào “đơn vị kết nghĩa”
Đội VNQC của đơn vị do Thiếu tá Nguyễn Hữu Huy, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) phụ trách, tham gia liên hoan NTQC chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống sư đoàn đoạt giải nhất, khiến anh không khỏi vui mừng. Nhưng để có được thành tích này, ngoài việc phát huy tối đa từ hạt nhân văn hóa-văn nghệ của trung đoàn, sự giúp đỡ nhiệt tình của đơn vị kết nghĩa, đơn vị còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của một đạo diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cho các tiết mục đòi hỏi tính nghệ thuật cao, dàn dựng công phu. Cũng nằm trong thành phần tham gia liên hoan, Trung đoàn Pháo binh 4 chỉ trông vào “cây nhà lá vườn” nên kết quả ở mức trung bình.
Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, mỗi khi diễn ra các hội thi, hội diễn, liên hoan NTQC các cấp, đều phụ thuộc khá nhiều vào lực lượng đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp, hoặc bán chuyên nghiệp. Họ thường là các nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị nghệ thuật trên địa bàn đóng quân. Để tránh “phạm quy” của ban tổ chức, lực lượng này thường đóng vai trò là “đơn vị kết nghĩa”, đến hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình, hướng dẫn luyện tập...
Theo nhiều đồng chí là cán bộ phong trào tại các cơ quan, đơn vị, chi phí cho các hoạt động như vậy không hề nhỏ. Đặc biệt, cấp tham gia hội thi, liên hoan NTQC càng cao thì chi phí cho việc thuê đạo diễn, diễn viên, hệ thống trang phục, đạo cụ càng tốn kém. Bởi tâm lý chung của nhiều lãnh đạo, chỉ huy: Đã “mang chuông đi đánh xứ người” là phải có khen thưởng. Từng tham gia làm giám khảo tại nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan NTQC các cấp, Đại úy QNCN Dương Thị Tú (ca sĩ Cẩm Tú), diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, trăn trở: “Thật đáng buồn là cái “chất” quần chúng ở các cuộc thi NTQC đang dần bị mai một, thay vào đó là các chương trình, tiết mục trình độ khá cao, bởi nó được thực hiện bởi các diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp. Sự "trợ giúp" này đã làm mất đi bản sắc giản dị vốn có của VNQC. Có thể giọng hát, điệu múa của các diễn viên không chuyên còn mộc mạc, giản đơn, ánh mắt, nụ cười còn bối rối, ngượng nghịu, nhưng cái bản sắc ấy mới phản ánh thực chất VNQC, thu hút sự quan tâm của bộ đội ở đơn vị cơ sở”.
Tìm hiểu tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn NTQC, chúng tôi nhận thấy, chính bệnh thành tích đã làm cho các hội thi, hội diễn này bị thương mại hóa, chuyên nghiệp hóa, không còn sắc màu thường thấy của văn nghệ không chuyên. Rõ ràng, một số đơn vị vừa trải qua một kỳ hội diễn thành công rực rỡ, giành kết quả cao, nhưng lại không gây dựng được lực lượng nòng cốt, bảo đảm tính bền vững cho hoạt động phong trào của đơn vị.
Giải “cơn khát” cán bộ phong trào
Thực tế cho thấy, một số cơ quan, đơn vị phải đi thuê đạo diễn, diễn viên hoặc phải phụ thuộc nhiều vào lực lượng đơn vị kết nghĩa mỗi khi tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan NTQC, cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do quân số mỏng, thiếu hạt nhân văn nghệ.
Nhằm tìm lời giải cho bài toán thiếu cán bộ phong trào ở đơn vị cơ sở, chúng tôi có chuyến thâm nhập một số đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân chia sẻ, xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ chính trị, phụ trách công tác tuyên huấn, nhà văn hóa câu lạc bộ chưa có kỹ năng tổ chức các hoạt động phong trào, thiếu kinh nghiệm trong quản lý các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở, trên cơ sở khảo sát, đề nghị của nhà văn hóa, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã phối hợp với Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa-văn nghệ cho 64 đồng chí thuộc quân chủng là cán bộ chính trị, nhân viên chuyên môn có khả năng về văn hóa-văn nghệ. Nội dung chương trình bám sát nhu cầu thực tiễn ở đơn vị cơ sở, trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng viết kịch bản sân khấu, sáng tác nhạc, biên đạo múa, hoạt động nhiếp ảnh, mỹ thuật... Kết quả, phần lớn học viên có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu xây dựng các hoạt động VNQC tại đơn vị.
Theo Trung tá, Tiến sĩ Đỗ Linh Giang, Chủ nhiệm Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ngoài Quân chủng Hải quân, một số đơn vị khác, như: Quân khu 2, Quân khu 3, Quân đoàn 1, Bộ đội Biên phòng... cũng đã liên hệ, phối hợp với nhà trường mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ chính trị, nhân viên câu lạc bộ, đảm nhiệm công tác phong trào và được thực hiện dưới hai hình thức, gửi lực lượng tập huấn trực tiếp tại nhà trường hoặc mở lớp tập trung ở đơn vị. Nội dung tập huấn không chỉ gói gọn trong lĩnh vực VNQC mà mở rộng ra toàn bộ hoạt động văn hóa, tuyên truyền cổ động ở đơn vị cơ sở. Đây thực sự là mô hình thiết thực, hiệu quả, giúp tạo nguồn cán bộ phong trào cho các đơn vị.
Từ cách làm của một số cơ quan, đơn vị nêu trên, thiết nghĩ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, bồi dưỡng năng lực, trình độ tổ chức các hoạt động phong trào cho đội ngũ cán bộ chính trị, nhân viên tuyên huấn, câu lạc bộ, hạt nhân văn hóa-văn nghệ của đơn vị, tạo nguồn cán bộ phong trào, hạt nhân nòng cốt cho hoạt động tuyên truyền cổ động tại đơn vị. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tối đa bệnh thành tích trong các hội thi, hội diễn, liên hoan NTQC các cấp, để VNQC phát huy sức sống vốn có, không bị chuyên nghiệp hóa như đã phản ánh ở trên.
QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét