Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

VIỆT NAM - ĐỐI TÁC CÓ TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ!

     Việt Nam chia sẻ quan điểm quyền con người mang tính phổ quát, là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại, cùng những nội dung quan trọng tại các tuyên bố của Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với mong muốn đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn vào nỗ lực chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Về song phương, Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam và các nước.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết trong ASEAN về quyền con người, nhất là trong quá trình xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, thành lập và hoạt động của các cơ chế ASEAN liên quan quyền con người.
Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng... Với những đóng góp thiết thực trong suốt thời gian qua, Việt Nam được ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam hiện tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Việc triển khai các Công ước đã đạt những kết quả toàn diện, được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bằng hành lang pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ.
Việt Nam ủng hộ, tham gia đầy đủ và nghiêm túc vào Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền, coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn các quyền con người trên nguyên tắc bình đẳng, minh bạch.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, trong khuôn khổ UPR chu kỳ III vừa qua (2019), Việt Nam đã chấp thuận 241 trên tổng số 291 khuyến nghị (đạt gần 83%) và đang tích cực triển khai Kế hoạch Tổng thể về thực hiện các khuyến nghị này. Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch Tổng thể là sáng kiến của Việt Nam được đề ra từ UPR chu kỳ II nhằm nâng cao tính hiệu quả của việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã đón 7 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và đang chuẩn bị đón báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.
Việt Nam coi trọng vai trò và những đóng góp của Hội đồng Nhân quyền trong việc thúc đẩy thực hiện các quyền con người trên thế giới. Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt trong giai đoạn là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đề cao và thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại, tăng cường hiểu biết để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.
Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực cùng các nước đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền theo hướng nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng, trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Dựa trên kinh nghiệm đã có, cam kết và quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam tin tưởng vững chắc vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, với những đóng góp tích cực, xây dựng vào công việc chung của Hội đồng.
Kết quả nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người
39 - Số văn bản Quốc hội Việt Nam thông qua từ năm 2019 đến tháng 1/2022, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan quyền con người, quyền công dân.
0,706 - Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020, thuộc nhóm các nước có mức phát triển cao của thế giới.
62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng - Các gói Chính phủ Việt Nam ban hành lần lượt trong các năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
73,7 - Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2020.
20% - Mức chi tối thiểu từ tổng ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục.
70 triệu - Số lượng người dùng internet ở Việt Nam, cao thứ 12 trên thế giới.
93.425 - Số hội, trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ... tại Việt Nam.
816 - Số cơ quan báo chí tại Việt Nam.
43 - Số tổ chức thuộc 16 tôn giáo được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tại Việt Nam./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét