“Bố!". Tôi cất tiếng gọi và đứng lặng đi trong niềm hạnh phúc dâng trào khi được gặp bố tôi-Thiếu tá Trần Công Tính, lúc đó là Phó chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1”. Ông Trần Công Chương, tay cầm bức ảnh đen trắng kỷ niệm hai bố con gặp nhau vào tháng 12-1967, xúc động kể với chúng tôi như vậy.
Đó là lần duy nhất hai bố con ông Chương gặp nhau trên chiến trường. Khi đó, ông Chương là trinh sát viên pháo binh, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351 đóng tại Quảng Trị. Ông Chương kể: "Một ngày giữa tháng 12-1967, khi đang làm việc trên đài quan sát của Trung đoàn 45, tôi được cấp trên thông báo "chuẩn bị hành lý đi nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 102, Sư đoàn 308".
Từ Trung đoàn 45 đến Trung đoàn 102 khoảng 5 giờ đi bộ, theo đường mòn băng ngang rừng. Vừa đi, ông Chương vừa hồi hộp xen lẫn lo lắng vì cấp trên không cho biết nhận nhiệm vụ gì. Đến nơi, ông Chương được vệ binh dẫn vào lán tiếp khách của đơn vị. Ngồi chờ khoảng 30 phút, ông thấy một nhóm khoảng 5 người mặc quân phục đang tiến gần về lán. “Khi họ còn cách tôi khoảng 5m, nhận ra bố tôi đang đi hàng đầu tiên, tôi bật dậy gọi: “Bố!”. Bố đến gần rồi vòng hai tay ôm chầm lấy tôi với hai hàng nước mắt hạnh phúc chảy dài trên gò má”, ông Chương nhớ lại.
Đến lúc đó, ông Chương mới hiểu "nhiệm vụ" mà Trung đoàn 45 giao là tạo điều kiện để hai bố con ông được gặp nhau. Và cũng để tạo sự bất ngờ nên chỉ huy đơn vị không nói rõ điều này. Qua trò chuyện với bố mình, ông Chương được biết, khi nghe tin ông nhận nhiệm vụ ở một đơn vị chiến đấu trên địa bàn Trung đoàn 102 đóng quân, bố của ông có tâm sự với chỉ huy các cấp và được thủ trưởng quan tâm, giúp đỡ tìm được địa chỉ của con trai, đồng thời trao đổi với chỉ huy Trung đoàn 45 để hai bố con ông Chương được gặp nhau. Trong thời chiến tranh, gặp được người thân là món quà vô giá đối với bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào. Những ngày được sống bên bố, ông Chương được bố dạy bảo nhiều điều, đặc biệt là phải khắc ghi hai từ "dũng cảm"-dũng cảm trong chiến đấu, dũng cảm trong cuộc sống.
Ngày chia tay, hai bố con ông Chương được cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 308 chụp ảnh kỷ niệm. Năm 1970, ông Chương được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, sau đó chuyển công tác vào Quân đoàn 3, tham gia chiến trường Tây Nguyên, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Năm 1989, ông Chương nghỉ chế độ với quân hàm đại úy. Còn bố của ông, Thiếu tá Trần Công Tính ở lại Sư đoàn 308 chiến đấu; năm 1973 bị thương phải đi chữa trị và về hưu năm 1975.
Trở về địa phương, hai bố con ông Chương cùng tham gia công tác thôn, xã. Đến năm 2020, bố của ông bị bạo bệnh qua đời. Những tấm ảnh và kỷ niệm về người bố luôn được ông Chương cất giữ và kể cho con, cháu nghe.
chuyến đi này rất ý nghĩa
Trả lờiXóa