Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Cán bộ “bốn dám” đang ở đâu?

Câu trả lời là có không ít cán bộ "bốn dám"! Thế nhưng công việc của họ thường là những việc mới, việc khó, có tính chất “xé rào” sẽ vượt quá tầm nhận thức của số đông, nên nếu không thực sự tâm huyết và đồng cảm, sẻ chia thì khó nhận ra. Đó là những việc “đi trước, đón đầu” mà số đông chưa thể hình dung, nhận thức đầy đủ. Hơn thế, khi đã là cán bộ “bốn dám” thì họ thường chấp nhận hy sinh, không hề khoe mẽ, không thích phô trương thành tích và luôn hành động vì lợi ích chung. Cũng bởi vậy mà tên tuổi, công việc của họ ít người “biết tường, hiểu tận”.

Thế nhưng, xét theo logic nhận thức, chúng ta phải luôn vững tin rằng: Phải có sự “xé rào”, năng động, sáng tạo, đổi mới của đội ngũ cán bộ (hoặc một bộ phận cán bộ) thì mới có sự bứt phá, phát triển đi lên của đất nước như thời gian qua. Điều đó là chân lý, bởi lẽ “cán bộ là cái gốc của công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Cách đây 15 năm, xuất hiện rào cản về mặt tư duy của đa số đội ngũ cán bộ và tâm lý cộng đồng xã hội khi cho rằng đảng viên làm kinh tế sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sa vào mô hình kinh tế của chủ nghĩa tư bản, sẽ đánh mất phẩm chất của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do đó, chấp nhận việc đảng viên làm kinh tế tư nhân là thành quả từ ý tưởng “xé rào” của những con người cụ thể nào đó; sau đó được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chấp thuận, rồi ban hành Quy định số 15/QĐ-TW ngày 28-8-2006. Thực tiễn cho thấy, từ quy định này đã dần mở thông “chốt khóa” về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng; huy động được nguồn lực lớn hơn cho phát triển kinh tế của đất nước.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, trong 15 năm gần đây, chúng ta được chứng kiến một cuộc “đại chỉnh đốn” chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 15 năm trước, sự lo ngại về tình trạng suy thoái, biến chất, tham nhũng, lãng phí của cán bộ trong cộng đồng là rất lớn, là tâm điểm dư luận xã hội. Thực trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành khiến nhân dân suy giảm niềm tin với Đảng và đội ngũ cán bộ.

Thế nhưng, đến nay thì niềm tin của nhân dân vào Đảng đã được củng cố. Có được điều đó là nhờ Đảng ta đã quyết tâm, quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá vào từng khâu, từng mặt của công tác xây dựng Đảng; từng bước nâng cao yêu cầu và nội hàm của các thành tố xây dựng Đảng, phát triển từ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức; sau đó phát triển và thêm thành tố “đạo đức” (Đại hội XII) và từ sau Đại hội XIII là xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Đã có hàng chục nghị quyết, chỉ thị, quy định mới về việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ được ban hành với những tư duy mới, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng với tính chiến lược bao trùm của Trung ương Đảng trong thời gian qua. Đó cũng là minh chứng cho sự đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu các ban Đảng nói riêng, đội ngũ cán bộ Trung ương nói chung.

Đặc biệt, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung với những tư duy mới, cũng là một minh chứng cho quyết tâm chính trị dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. 

Mới đây là Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ vừa được ban hành, cũng sẽ mở ra tiền lệ mới đối với công tác cán bộ. Như vậy, nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng gần đây đều chứa đựng những thành tố của sự đổi mới; thể hiện tính quyết đoán, quyết liệt mạnh mẽ của Trung ương. Điều đó chắc chắn phải bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo ban đầu của một vài cán bộ, đảng viên cụ thể.

TT

1 nhận xét: