Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Phải “điều tra” cho ra người hiền tài

Xưa nay chúng ta vẫn mặc nhiên nghĩ rằng “thành tích là thành tích chung”, “thành tích của tập thể” mà bỏ qua việc lượng hóa những đóng góp cụ thể của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Tư duy cho rằng cá nhân có được thành tích, đóng góp nào đó là bởi sự dìu đắt, nâng đỡ của tập thể nên mỗi người phải khiêm tốn, cầu tiến. Nhưng khi có sai lầm, khuyết điểm trong công tác thì con người cụ thể bị “điểm mặt, xướng tên”. Chưa hết, khi cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá tốt một ý tưởng nào đó thì nhiều khi xem đó là sản phẩm sáng tạo của tập thể và của người đứng đầu.

Chính vì vậy, điều mà chúng ta cần làm là phải trả lại sự công bằng trong công tác đánh giá cán bộ, ghi nhận thành tích của cán bộ. Nói cụ thể là đối với từng ý tưởng, từng phần việc mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích chung thì cần xem xét vấn đề toàn diện, đi đến tận cùng, xem đó là ý tưởng của cán bộ, đảng viên nào. Phải làm cho bằng được như vậy thì mới đánh giá đúng cán bộ, tìm ra được người tài mà khen thưởng, động viên, trọng dụng. 

Lâu nay chúng ta chỉ quen khen thưởng, đánh giá cao đối với tập thể-nơi hiện thực hóa những ý tưởng mới, sáng tạo của cán bộ, mà quên đi trách nhiệm phải tiến hành khảo sát, tìm ra ai là chủ nhân sáng tạo. Đến khi tìm ra thì chỉ khen ngợi chung chung chứ chưa có kế hoạch để tiếp tục bồi dưỡng, đồng hành, phát huy tài năng, trọng dụng người tài; cũng chưa có những định hướng lớn trong việc tôn vinh, vinh danh những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm và giúp họ có những đóng góp nhiều hơn; mà chủ yếu là để cho cán bộ “tự bơi”... Thành thử, cán bộ “bốn dám” vẫn hiện hữu đâu đó trong đời sống xã hội và sự nghiệp cách mạng, thế nhưng tên tuổi của họ lại chưa được công khai rõ ràng, cấp trên không biết, quần chúng không hay.

Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất thiết phải làm được phần việc mà Bác Hồ răn dạy, phải “lập tức điều tra nơi nào có người tài đức” để nhìn lại, đánh giá đúng đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ, nhất là trong điều kiện hiện nay để có lộ trình, bước đi phù hợp trong công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ thực tài của đất nước.

Trong điều kiện hiện nay, cần có sự nhìn nhận, xem xét với phương pháp biện chứng trước những sai sót trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, không nên cứng nhắc với những thang “điểm trừ” khi đánh giá cán bộ. Với một tập thể lại càng cần nhìn nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tập thể đó, không nên bới lông tìm vết đến mức sát phạt nhau vì những lỗi nhỏ, rồi phủ nhận cả những thành tích ấn tượng, rồi tất cả đều co rúm sợ sệt, chủ nghĩa "an toàn" lên ngôi.

Những cán bộ sáng tạo và tích cực công tác, làm việc thì có thể dễ sai sót, vì họ không đi theo lối mòn. Thậm chí, có thể họ phải đi từ sai sót này đến vấp váp khác rồi mới đi đến thành công. Bởi thế, không thể lấy những sai sót để mặc cảm, định kiến, rồi đi áp đặt, quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách xơ cứng, máy móc.

Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ cho thật sát với điều kiện tình hình mới. Trong đó, phải xem sự sáng tạo, đột phá của cán bộ là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong hệ thống tiêu chí đánh giá. Cán bộ tốt hay kém đến đâu thì ghi nhận và đánh giá đến đó; cương quyết không “dĩ hòa vi quý”, cào bằng trong đánh giá cán bộ.

Theo nhiều chuyên gia xây dựng Đảng, trước thực tế về chất lượng đội ngũ cán bộ, ở từng cấp hiện nay nên đánh giá, phân rõ thành 3 nhóm loại cụ thể. Thứ nhất, cán bộ xông xáo, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thử thách để công tác, cống hiến vì tập thể, vì lợi ích chung. Thứ hai, cán bộ có tư tưởng trông chờ, thụ động, né tránh công việc được giao, khi gặp việc khó, hóc búa thì dồn lên cấp trên; tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên chứ không có đổi mới, giữ tâm lý vo tròn, giữ ghế. Thứ ba, những cán bộ rơi vào tha hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Một khi đã phân loại được các nhóm cán bộ như nêu trên thì rất dễ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực cán bộ cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây cũng là căn cứ để theo dõi, rà soát, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; thanh lọc những cán bộ kém ở nhiều cơ quan công quyền hiện nay. Và hơn hết, đây là cách hữu hiệu giúp các cấp ủy, tổ chức đảng chọn đúng cán bộ “bốn dám” để có cơ chế khuyến khích, bảo vệ phù hợp, hiệu quả. Đó cũng là một cách “khích tướng” đội ngũ cán bộ để ngày càng xuất hiện nhiều tư duy mới, cách làm mới, đột phá mới nhằm mang lại những bước ngoặt phát triển mới cho đất nước nói chung, cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng.

1 nhận xét: