Công tác tuyển sinh cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Công tác tuyển sinh có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả của bất kỳ loại hình đào tạo, bồi dưỡng nào cho nên nó luôn được chú trọng. Đối với đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hệ đào tạo đặc biệt quan trọng dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, thể hiện rõ nét bản sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, vai trò của công tác tuyển sinh lại càng được đề cao.
1. Quy trình tổ chức tuyển sinh
Hàng năm, Ban Tổ chức Trung ương tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị của các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vào đầu quý IV, Ban Tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo Kế hoạch Đào tạo cao cấp lý luận chính trị của năm kế tiếp. Sau khi trao đổi với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cuối tháng 12, Ban Tổ chức Trung ương thông báo Kế hoạch Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ của năm sau.
Trên cơ sở kế hoạch của Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng và ban hành thông báo phân bổ chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong hệ thống Học viện. Việc phân bổ chỉ tiêu dựa vào chức năng, nhiệm vụ; năng lực của các cơ sở đào tạo; vào địa bàn các cơ quan, đơn vị có nhu cầu đào tạo.
Đối với hệ không tập trung, mở lớp với các bộ, ban ngành Trung ương; Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc (theo cơ chế luân phiên hàng năm); đối với hệ tập trung: tuyển sinh từ tất cả các bộ, ban ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (với số lượng hạn chế ở từng cơ quan, đơn vị). Điều này góp phần giúp Học viện xác lập và khẳng định tính quốc gia và tính hệ thống trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị.
Học viện quốc gia là cơ sở duy nhất có thẩm quyền tổ chức đào tạo các lớp hoàn chỉnh kiến thức để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị.
- Học viện Chính trị khu vực I mở lớp với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).
- Học viện Chính trị khu vực III mở lớp với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa).
- Học viện Chính trị khu vực II mở lớp với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam (Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ)
- Học viện Chính trị khu vực IV mở lớp với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam Bộ.
Các Học viện trực thuộc có thể tuyển sinh từ các bộ, ban ngành đóng trên địa bàn theo sự phân cấp về đối tượng hoặc theo một số điều kiện khác do Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quyết định.
Đối tượng tuyển sinh
- Yêu cầu chung: Là đảng viên; có bằng đại học.
Đối với hệ đào tạo hoàn chỉnh kiến thức để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị: Là đảng viên; có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ hoặc cử nhân lý luận chính trị văn bằng 2 do các cơ sở đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cấp.
- Về chức vụ: Trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên (hoặc được quy hoạch vào các chức danh này). Phó Trưởng phòng cấp bộ và tương đương trở lên (hoặc được quy hoạch vào các chức danh này).
- Về độ tuổi: Nam từ 40 trở lên, nữ từ 35 (đối với hệ không tập trung).
Có một số đối tượng được giảm 5 tuổi: Nhà báo; cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; người có quân hàm Trung tá trở lên trong lực lượng vũ trang; người công tác tại vùng sâu vùng xa có thâm niên 3 năm trở lên; thư ký các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; giảng viên chính, nghiên cứu viên chính; cấp trưởng đơn vị đi học tập trung không có người thay thế.
Nam dưới 40 tuổi, nữ dưới 35 tuổi (đối với hệ tập trung). Có sự vận dụng tương đối linh hoạt đối với các trường hợp đặc biệt.
Quy trình xét duyệt
- Cấp ủy của ban, bộ ngành Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn cán bộ để giới thiệu tham gia xét tuyển; gửi về các cơ sở đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Công văn đề nghị xét tuyển, kèm theo danh sách và hồ sơ của các ứng viên.
- Cơ quan quản lý đào tạo nhận hồ sơ của các đơn vị theo Thông báo phân bổ chỉ tiêu của Giám đốc Học viện; lập danh sách trích ngang theo từng lớp (90 học viên đối với hệ không tập trung) hoặc theo từng cơ quan, đơn vị của người đi học (đối với hệ tập trung); tiến hành thẩm định, trình Hội đồng Tuyển sinh xét duyệt.
- Hội đồng Tuyển sinh họp dưới sự chủ trì của Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cho ý kiến đối với danh sách từng lớp.
- Trên cơ sở ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh, cơ quan quản lý đào tạo hoàn tất hồ sơ (trong đó có biên bản họp Hội đồng Tuyển sinh) gửi thẩm định: Học viện Quốc gia gửi Ban Tổ chức Trung ương; các học viện trực thuộc gửi Học viện Quốc gia. Thời gian thông báo kết quả thẩm định là trong 10 ngày làm việc.
- Các cơ sở đào tạo tiến hành chiêu sinh theo kết quả thẩm định.
Quy mô đào tạo
Trong 5 năm qua (từ 2013-2017) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo 60.256 học viên hệ cao cấp lý luận chính trị cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương. Cụ thể như sau:
TT | Năm | Hệ tập trung | Hệ không tập trung | Hệ hoàn chỉnh kiến thức | Tổng |
1 | 2013 | 2,767 | 6,560 |
| 9,327 |
2 | 2014 | 2,718 | 8,820 | 358 | 11,896 |
3 | 2015 | 3,443 | 8,100 | 394 | 11,937 |
4 | 2016 | 3,224 | 8,727 | 664 | 12,615 |
5 | 2017 | 4,450 | 8,910 | 1,121 | 14,481 |
Tổng | 16,602 | 41,117 | 2,537 | 60,256 |
Đối với hệ không tập trung: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân bổ chỉ tiêu ít nhất 1 lớp (90 học viên), riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (có những năm cả Thanh Hóa, Nghệ An) được giao chỉ tiêu 2 lớp; các bộ, ban ngành Trung ương thường được ghép chỉ tiêu thành 1 lớp; riêng Bộ Công an (trước đây cả Bộ Quốc phòng) thường được giao từ 2-3 lớp/năm.
Bảng tổng hợp số liệu cho thấy, quy mô đào tạo cao cấp lý luận chính trị tăng dần theo từng năm. Riêng quy mô hệ hoàn chỉnh kiến thức để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị tăng nhanh: năm 2017 tăng 70% so với năm 2016 và tăng 213% so với năm 2014. Điều này là do: (1) Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện tăng nhanh; (2) từ năm 2017, cán bộ có bằng cử nhân chính trị văn bằng 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng được tham gia xét tuyển vào hệ hoàn chỉnh kiến thức để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị.
3. Một số vấn đề đặt ra
- Nhiều cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị không chính xác, dẫn đến việc phân bổ chỉ tiêu không sát, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.
- Trong danh sách ứng viên các cơ quan, đơn vị gửi về Học viện xét duyệt, có một tỷ lệ khá lớn không đủ tiêu chuẩn học cao cấp lý luận chính trị (về độ tuổi, về chức danh, nhất là về độ tuổi).
- Tiêu chuẩn “cấp trưởng đơn vị đi học tập trung không có người thay thế” bao quát phạm vi quá rộng, gây khó khăn cho công tác xét tuyển: Có trường hợp Trưởng phòng cấp huyện thiếu 5 tuổi vẫn được xét tuyển còn Phó Giám đốc Sở thiếu 5 tuổi không được xét tuyển.
- Cán bộ các địa phương không muốn học hệ tập trung, thường đăng ký học hệ không tập trung để có thể vừa học vừa làm việc cơ quan.
- Quy mô đào tạo hệ không tập trung quá lớn so với quy mô đào tạo hệ tập trung. Do vậy, chất lượng đào tạo không đồng đều.
- Các cơ quan, đơn vị thường xuyên đề nghị thay đổi, bổ sung danh sách ứng viên đã được xét duyệt, gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Trong danh sách học viên tỷ lệ cán bộ chưa có chức danh lãnh đạo, quản lý (mới chỉ được quy hoạch) quá lớn, làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo.
- Cách tuyển sinh hiện nay đánh đồng môi trường đào tạo của Học viện Quốc gia và các học viện chính trị khu vực, trong khi trên thực tế các môi trường đào tạo này có sự phân định rất rõ nét.
- Việc tổ chức quản lý các lớp còn chồng chéo. Chưa có sự phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng giữa cơ sở đào tạo và đơn vị phối hợp mở lớp, đơn vị đặt lớp.
- Ban Tổ chức Trung ương thông báo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng muộn (thường vào đầu năm), cho nên Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Học viện không song hành với Kế hoạch tài chính. Điều này cũng gây khó khăn cho quá trình tổ chức đào tạo.
4. Một số kiến nghị
- Xây dựng Quy chế Đào tạo cao cấp lý luận chính trị thật sự khoa học, hợp lý, có tính ổn định cao, ngang tầm yêu cầu của tình hình mới. Ban hành kịp thời các văn bản pháp lý liên quan trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
- Giảm tiêu chuẩn về độ tuổi cho cán bộ có nhu cầu được đào tạo về cao cấp lý luận chính trị (đối với hệ không tập trung: nam từ 35 tuổi trở lên, nữ từ 30 tuổi trở lên; đối với hệ tập trung: nam dưới 35 tuổi, nữ dưới 30 tuổi). Các trường hợp đang giữ các chức vụ từ Phó Giám đốc sở, Phó Vụ trưởng và tương đương, không đặt ra yêu cầu về độ tuổi).
- Các cơ quan, đơn vị khi đăng ký nhu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị phải gửi minh chứng kèm theo là danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn.
- Cán bộ chưa giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (mới thuộc diện quy hoạch) phải cử đi học hệ tập trung.
- Cần quy định rõ tiêu chuẩn “cấp trưởng đơn vị đi học tập trung không có người thay thế” là cấp trưởng của đơn vị thuộc loại nào. Theo chúng tôi, đó phải là đơn vị cấp phòng của tỉnh, cấp phòng của Bộ và tương đương trở lên.
- Từng bước tăng quy mô đào tạo tập trung (cùng với đó, phải phát triển cơ sở vật chất), giảm quy mô đào tạo không tập trung.
- Nên giảm quy mô đào tạo cao cấp lý luận chính trị nói chung bằng cách hạn chế những cán bộ chưa có chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý (mới được quy hoạch) đi học.
- Tất cả các lớp hệ tập trung và các lớp không tập trung dành cho các ban, bộ ngành Trung ương phải đặt tại cơ sở đào tạo.
- Ban Tổ chức Trung ương thông báo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của năm sau vào quý 3 năm trước. Học viện ban hành Thông báo tuyển sinh vào quý 4 năm trước. Như vậy, Kế hoạch đào tạo sẽ song hành với Kế hoạch tài chính.
Nguồn : PGS, TS Hoàng Anh
Vụ Quản lý Đào tạo
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa