Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học
(LLCT) - Để khoa học, công nghệ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhất là giảng viên tại các trường đại học và học viện phải là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học các trường đại học ở Việt Nam chưa cao. Công trình nghiên cứu khoa học không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí đề tài nghiệm thu xong chỉ để “xếp ngăn kéo” diễn ra phổ biến. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp (cả vĩ mô và vi mô) để hướng đến mục tiêu “mỗi trường đại học là một viện nghiên cứu”, để những công trình nghiên cứu thực sự đem lại hiệu quả trong giảng dạy và ứng dụng thực tiễn là việc làm rất cần thiết.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học là một trong các nhiệm vụ cơ bản, quan trọng không thể thiếu của đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, học viên, sinh viên; là một trong các nhiệm vụ chính, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm: Tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp, sản phẩm mới; góp phần hình thành và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, người học; nâng cao chất lượng đào tạo. Ứng dụng tri thức, công nghệ mới và tạo ra phương thức, giải pháp mới phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, đóng góp và phát triển kho tàng tri thức, công nghệ của nhân loại.
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng đã có những đóng góp vào thành tích chung của ngành giáo dục và nền khoa học nước nhà. Những kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào các lĩnh vực đã tạo hiệu quả nhất định trong đời sống kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước như hiện nay thì hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ khoa học nói chung, lực lượng giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng nói riêng, chưa đáp ứng được yêu cầu (cả về số lượng và chất lượng) để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Thứ nhất, tình trạng đối phó trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, học viện khá phổ biến
Nhiều trường đại học ở Việt Nam còn thiếu năng động dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học kém hiệu quả. Có thể khẳng định, các trường đại học hiện nay không chỉ là trung tâm đào tạo mà còn phải hướng tới để trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại. Muốn đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tốt, các trường đại học cần chú trọng và ưu tiên cho công tác nghiên cứu. Tuy vậy, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam còn rất ít, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế phân bổ thời gian nghiên cứu khoa học cho các giảng viên. Theo quy định của Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31-12-2014 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên đã quy định về nghiên cứu khoa học: Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm. Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên được đánh giá thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học cụ thể, tối thiểu là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc tương đương được nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên hoặc một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học có phản biện hoặc một báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học chuyên ngành. Nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ bắt buộc và là tiêu chí đánh giá lao động của giảng viên.
Tuy nhiên, công việc này của giảng viên hiện chưa được chú trọng đúng mức, chưa thật sự phát triển mạnh mẽ, diễn ra không đồng đều và gần như chỉ tập trung vào một số ít giảng viên. Nếu như ở các nước phát triển, đội ngũ giáo viên trải qua thời gian làm nghiên cứu rồi mới tham gia giảng dạy, còn ở Việt Nam, nhiều trường hợp tham gia giảng dạy mà không qua công tác nghiên cứu. Chính điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học và đào tạo. Ngoài ra, do áp lực phải thực hiện nên việc nghiên cứu còn mang tính hình thức, dựa trên áp dụng những thứ “có sẵn” nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, dẫn tới rất nhiều công trình sau khi nghiệm thu chỉ xếp vào tủ kính để “nhìn cho đẹp”.
Số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu không nhiều, một tỷ lệ khá lớn trong số đó chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu dẫn đến một số công trình nghiên cứu, dù ở những cấp cao như đề tài cấp bộ... vẫn còn hạn chế về chất lượng với hàm lượng khoa học thấp. Vì thế, nhiều giảng viên chỉ thực hiện để cho đủ giờ, ít quan tâm đến chất lượng công trình mà mình công bố.
Thứ hai, sự gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy còn thấp: Nhiều giảng viên theo đuổi hướng nghiên cứu khác xa với môn học do mình đảm nhiệm nên việc thực hiện nghiên cứu nhằm bổ sung cho nội dung giảng dạy sau khi nghiên cứu không đem lại kết quả. Một số trường đại học có các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm nhưng việc gắn kết, sử dụng các kết quả nghiên cứu phục vụ giảng dạy và học tập còn chưa được thực hiện nhiều nhằm ứng dụng kịp thời những kết quả đó. Giảng viên vẫn chủ yếu giảng dạy lý thuyết trong giáo trình, quá trình giảng dạy - nghiên cứu tiến hành một cách độc lập, tách rời nhau.
Thứ ba, ở Việt Nam hiện nay, có một nghịch lý rất đáng quan tâm là trong khi nhiều đề án nghiên cứu thiếu kinh phí thực hiện thì ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học lại phân phối không hết. Cách thức quản lý khoa học như hiện nay chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Có thể nhìn cách phân bổ kinh phí hiện nay như một cuộc đấu thầu xây dựng và các đề tài nghiên cứu đôi khi không phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhưng phần ngân sách thực sự để làm nghiên cứu chỉ chiếm 10% tổng ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ. Với con số đó (10% của 15.000 tỷ đồng) cho các loại chương trình, đề tài khoa học các cấp cũng có năm không tiêu hết tiền. Ngân sách nhà nước phân bổ cho hoạt động nghiên cứu khoa học - tức là ngân sách nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý lớn gần gấp 3 lần ngân sách nhà nước dành cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (năm 2012, của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 5.800 tỷ đồng; trong khi đó cho Bộ Khoa học và Công nghệ là 15.000 tỷ đồng). Đây là điều bất hợp lý khi mà ngân sách nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học không được phân bổ trực tiếp đến các trường đại học, mà chủ yếu thông qua cơ chế chương trình, đề tài cấp nhà nước.
Thực trạng trên có một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Phân bổ đề tài chưa hợp lý. Một thực tế đang xảy ra trong thực tiễn là chủ nhiệm các đề tài thường là cán bộ lãnh đạo, quản lý nên thời gian dành cho nghiên cứu thường không nhiều. Bên cạnh đó năng lực nghiên cứu của giảng viên còn nhiều hạn chế.
- Không cân đối hợp lý thời gian giảng dạy và nghiên cứu. Định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học là 270 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định. Trên thực tế, ở khá nhiều trường đại học, số giờ mà giảng viên thực dạy còn lớn hơn. Với số giờ giảng nhiều nên giảng viên không còn thời gian dành cho việc nghiên cứu.
- Định hướng nghiên cứu chưa thực sự khoa học: Hiện nay, việc đăng ký đề tài mặc dù được thông qua hội đồng khoa học nhiều lần nhưng chủ yếu phụ thuộc vào người đăng ký, chưa theo hướng nghiên cứu để lựa chọn nơi thực hiện vì thế nhiều khi không xuất phát từ nhu cầu thực của trường, của các ngành học hay của xã hội.
- Thù lao được trả chưa xứng với công sức bỏ ra: Kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ còn có mức cao, nhưng với các công trình nghiên cứu cấp trường hoặc bài báo thì số kinh phí thường rất thấp (từ 15 - 20 triệu/đề tài và 500.000đ - 700.000 đ/bài báo); vì thế, không khuyến khích được giảng viên nghiên cứu...
Để khắc phục tình trạng yếu kém, lãng phí trong hoạt động khoa học và để phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, giảng viên cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, học viện thì chính giảng viên - chủ thể của hoạt động này phải thay đổi cách thức nghiên cứu khoa học theo hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, các vấn đề nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết qua quá trình giảng dạy, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng và khả thi. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam có nhiều vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có những nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực, từ xã hội nhân văn đến các ngành khoa học kỹ thuật. Khi những nghiên cứu đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn thì sẽ không thể để trong ngăn kéo, mà cung cấp luận cứ khoa học trở thành lý luận soi đường cho công cuộc đổi mới, trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Qua nghiên cứu, đội ngũ cán bộ giảng dạy luôn có cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, góp phần làm cho bài giảng phù hợp với thực tế.
Hai là, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường đại học thì các chính sách, thể chế cũng cần đổi mới theo hướng xóa bỏ các rào cản hành chính để giảm thời gian làm thủ tục giấy tờ, tạo động lực thu hút người trẻ say mê với khoa học; cần bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong xét duyệt đề tài nghiên cứu và xem xét lại quy trình nghiệm thu đề tài với mục tiêu là hiệu quả nghiên cứu. Cải tiến thủ tục xét duyệt đề tài theo hướng đặt hàng hằng năm và liên kết các đơn vị sử dụng (doanh nghiệp, tổ chức) và các cơ quan nghiên cứu.
Chủ trương đổi mới cơ chế tài chính và quản lý hoạt động khoa học - công nghệ đã được khẳng định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31-10-2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển khoa học và công nghệ là cơ hội rất lớn để Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục đại học thoát ra khỏi cơ chế ràng buộc, phân bổ mang tính dự toán như trước đây về khai thác tiềm lực nguồn nhân lực về khoa học - công nghệ của các trường và tiến đến xây dựng các trường đại học nghiên cứu. Làm được điều đó sẽ hướng đến xây dựng được trường đại học nghiên cứu - nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ chính, một nguồn thu quan trọng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Thực hiện triển khai Luật Khoa học công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, chính sách kinh phí và biên chế thỏa đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, việc thành lập các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ trong trường đại học được triển khai sẽ là cầu nối giữa người nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp, hỗ trợ nuôi dưỡng các ý tưởng mới, hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, chính sách xác định phân chia lợi nhuận đối với tác giả, những người nghiên cứu khoa học cũng đang được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi bản quyền chuyển giao một cách thích đáng cho người nghiên cứu. Với những chính sách đột phá sẽ tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học với nhiều thành tựu, ứng dụng mới.
Ba là, xây dựng cơ chế bắt buộc phải dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Ví dụ, 45% cho giảng dạy; 35% cho hoạt động nghiên cứu khoa học và 20% cho các hoạt động khác (tự học, tự bồi dưỡng). Điều này phải trở thành quy chế bắt buộc với tất cả các trường đại học. Không được phép chuyển đổi thời gian giảng dạy cho thời gian nghiên cứu khoa học.
Bốn là, định mức công trình nghiên cứu khoa học cộng với cơ chế tài chính đủ để tạo ra các công trình nghiên cứu có chất lượng. Giảng viên bắt buộc phải có bài báo được thẩm định công bố hằng năm trên tạp chí có uy tín, thương hiệu thuộc ngành, lĩnh vực.
Năm là, có cơ chế đặc thù để phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ trọng điểm theo mô hình tiên tiến và triển khai những dự án khoa học, công nghệ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu, khoán kinh phí theo kết quả đầu ra và công khai, minh bạch chi phí, kết quả nghiên cứu. Giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì nghiên cứu, đồng thời có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động các quỹ về phát triển khoa học, công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với hoạt động khoa học. Cơ chế đấu thầu đề tài khoa học sẽ chuyển giao cơ chế đặt hàng nghiên cứu theo mô hình trường - liên kết với doanh nghiệp để bán sản phẩm nghiên cứu.
Kinh nghiệm của nhiều trường hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ dưới hình thức nghiên cứu ứng dụng triển khai (khoa học kỹ thuật nông nghiệp với nhiều giống hoa, lúa, rau; khoa học công nghiệp dân dụng: với nhiều sản phẩm điện điện tử, cơ khí, v.v..) đã đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội và nhà khoa học. Xu hướng thế giới là đang chuyển dần các trường đại học thành đại học nghiên cứu, tức chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, điều này đã và sẽ đặt ra cho các trường phải dành sự quan tâm, có hướng giải pháp kịp thời cho hoạt động này để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Cần tổ chức ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ đã nghiệm thu. Đối với nhóm ngành khoa học công nghệ - kỹ thuật: kế thừa thành tựu khoa học công nghệ của các nước trên thế giới và trong khu vực, về cơ bản, các sản phẩm nghiên cứu khoa học được nghiệm thu của nhóm ngành này được ứng dụng trong thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng; mặt khác sản phẩm nghiên cứu khoa học của nước ta với xu hướng xuất khẩu công nghệ và sản phẩm ứng dụng. Đối với nhóm ngành khoa học quản lý: nhóm ngành này thuộc chính sách của Nhà nước thuộc tầm vĩ mô, do vậy ứng dụng chủ yếu là các đề án.
______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017
Tài liệu tham khảo:
1. ĐCSVN: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31-10-2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ: Thông tư 40/2014/TT-BKHCN ngày 18-12-2014 Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ.
3. Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ: Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22-4-2015 Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính: Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 22-4-2015 Quy định khoán chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
5. Nguyễn Bích Thủy: “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học”, http://www.vietnamplus.vn, ngày 7-3-2014.
nguồn : TS PHÙNG VĂN HIỀN
Học viện Hành chính Quốc gia
giải pháp rất hay
Trả lờiXóa