Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa, giá trị chính trị quý báu của Việt Nam trong thời đại mới.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam và tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng về tập hợp, tổ chức và phát huy sức mạnh của các lực lượng cách mạng trong nước, từ sức mạnh của các lực lượng xã hội, các tổ chức chính trị đến sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm nên nguồn lực tổng hợp nhằm hiện thực hóa mục tiêu cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết, trong đó có đại đoàn kết dân tộc, là một nội dung cơ bản, trung tâm của chính trị Việt Nam hiện đại. Người viết: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(1).
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Người xây dựng trên nền tảng đúc rút trí tuệ nhân loại cổ, kim, Đông, Tây về tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng; trên cơ sở tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều cuộc cách mạng trên thế giới; và nhất là dựa trên những suy tư rất sâu sắc của Người, ở tầm triết học, về bản chất con người, về vị trí và vai trò của con người trong thế giới, phương thức sống và hoạt động của con người..., nói cách khác trên nền tảng nhân sinh quan cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, mà Người trước hết là “nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp” - như chính Người khẳng định, trong đó tư tưởng và thực hành đại đoàn kết dân tộc, lý luận và thực tiễn đại đoàn kết dân tộc liên hệ chặt chẽ với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn và là trung tâm dẫn dắt quá trình tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng trong thực tiễn. Tư tưởng đại đoàn kết, trong đó đại đoàn kết dân tộc là vấn đề hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tính đến khi đứng trước những vấn đề lớn mà cách mạng đặt ra. Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh, với tư tưởng và vai trò thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam được tập hợp, tổ chức và phát huy cao độ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc cùng với khối đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây dựng là một di sản vô cùng quý báu cho Đảng ta và dân tộc ta. Trong bối cảnh hiện nay, khi mục tiêu được Đảng ta đưa ra trong Đại hội XIII của Đảng là: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(2) đang đặt ra mạnh mẽ, thì việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khai thác, vận dụng một cách sáng tạo những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc.
Để giải quyết những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tổng kết lịch sử. Khi tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, Người đúc rút một quy luật: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi”(3). Đây là quan điểm rất quan trọng, mang tính nền tảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, theo đó, việc lực lượng lãnh đạo cách mạng chú trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó chính là nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với quy luật.
Nhìn vào các phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX và phong trào đấu tranh của nhân dân nhiều nước thuộc địa chống lại chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ, nguyên nhân khiến cho hầu hết các phong trào đó, dù nổ ra với tinh thần anh dũng, sẵn sàng hy sinh của nhân dân, nhưng đều thất bại, là do bị chia rẽ và cô lập, các lực lượng yêu nước không được tập hợp và tổ chức lại thành một khối đoàn kết vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian nghiên cứu kinh nghiệm các cuộc cách mạng lớn nổ ra trên thế giới như cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và cách mạng Nga, từ đó đúc rút ra những chỉ dẫn quan trọng về đại đoàn kết dân tộc. Người còn đi sâu nghiên cứu nhiều tư tưởng, học thuyết của các nhà lãnh đạo chính trị tầm cỡ, như M. Gan-di, Tôn Trung Sơn..., và đặc biệt, đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được cơ sở lý luận khoa học để luận giải sâu sắc về tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc, nhận thức đúng đối tượng đại đoàn kết và cách thức tiến hành đại đoàn kết dân tộc.
Trên tất cả những cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của đại đoàn kết dân tộc:
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là một trong những vấn đề gốc của cách mạng. Nếu giải quyết thành công vấn đề này thì các vấn đề khác cũng sẽ có điều kiện để giải quyết thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ “điểm mẹ” để diễn đạt quan điểm này. Người viết: Đoàn kết là “điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”(4).
Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là phương thức để tập hợp, tổ chức và phát huy cao độ sức mạnh của toàn thể dân tộc, góp phần quyết định đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... nhờ sức đại đoàn kết mà cách mệnh thành công... nhờ sức đại đoàn kết mà kháng chiến sẽ thắng lợi”(5); “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định thống nhất”(6).
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là chiến lược hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng, đại đoàn kết dân tộc luôn phải được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm giải quyết trước hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”(7). Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối, chiến lược đại đoàn kết dân tộc và lãnh đạo hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân tích cực thực hiện đường lối chiến lược đó, làm cho đại đoàn kết dân tộc trở thành một hiện thực đầy sức sống trong cách mạng Việt Nam.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối tượng đại đoàn kết dân tộc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. Trong bài nói chuyên tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc (tháng 1-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”(8). Có thể thấy, ý nghĩa chữ “đại” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc chính là biên độ của đại đoàn kết được mở rộng tối đa, là đoàn kết với mọi đối tượng có thể đoàn kết được.
Vấn đề đặt ra là, đó là những đối tượng nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định các đối tượng của đại đoàn kết bằng phương pháp rất khoa học. Theo Người, dân tộc không phải là một “cộng đồng tưởng tượng”(9), mà là một cộng đồng hiện thực của những con người hiện thực. Để nhận diện đúng cộng đồng ấy, Người tiếp cận cộng đồng dân tộc bằng nhiều “lát cắt” khác nhau: giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, lứa tuổi, vùng miền,... Tùy từng “lát cắt” sẽ chia cộng đồng dân tộc thành những lực lượng xã hội khác nhau, với những đặc điểm về nhu cầu, lợi ích, tâm lý, thái độ,... riêng cùng những mối quan hệ đặc thù. Điều cần lưu ý là, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa một lát cắt hay quan hệ nào. Trái lại, áp dụng nhiều “lát cắt” để nhìn sâu vào cái bộ phận, nhưng không dừng ở cái bộ phận mà đi tới cái toàn thể, tức là để nhìn đối tượng đại đoàn kết trong tính chỉnh thể, trong tính tổng hòa khách quan vốn có, theo đúng quan điểm của C. Mác: Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nhận diện một đối tượng đại đoàn kết không phải chỉ trên một phương diện nào đó, chẳng hạn dân tộc hay tôn giáo, mà trong tính tổng hòa đan xen của nó: cùng một đối tượng đại đoàn kết, vừa là con người dân tộc, vừa là con người giai cấp, vừa là con người tôn giáo, vừa là con người lứa tuổi... Cách tiếp cận toàn diện như vậy giúp chủ thể tìm ra những điểm chung để hóa giải các quan hệ khác biệt, mâu thuẫn trong quan hệ giữa các đối tượng đại đoàn kết. Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích để nhận diện sâu về đối tượng đại đoàn kết trên các phương diện khác nhau và lấy đó làm cơ sở để tổng hợp, để đại đoàn kết là cách tiếp cận độc đáo của Người, vừa khoa học, vừa rất văn hóa, độc đáo, đặc sắc và hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa lát cắt nào, nhưng từ góc nhìn chung của đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh điểm chung xuyên qua những khác biệt của các thành viên trong cùng một quốc gia - dân tộc, đó là những giá trị liên quan đến lợi ích chung của dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để Người khẳng định rằng, dù giai cấp, tộc người, tôn giáo, vùng, miền khác nhau, dù là trong nước hay nước ngoài..., nhưng là người Việt Nam, thì đều có những lợi ích chung có thể chia sẻ, vì thế, đều có thể và cần thiết tham gia khối đại đoàn kết dân tộc để phấn đấu cho lợi ích chung. Trong bối cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam khi đó, lợi ích chung ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là “yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, yêu thống nhất”, hay “thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”,... Hình ảnh “con Lạc, cháu Hồng”, “con dân nước Việt” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên chính là hiện thân cho những giá trị chung trong mỗi đối tượng đại đoàn kết. Rõ ràng, nói đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân, ở đây, tuyệt nhiên không phải là một khẩu hiệu đơn thuần, mà là một chính sách dân tộc, một cương lĩnh hành động được xây dựng trên cơ sở nhận thức khoa học và mang tính khoan dung văn hóa rất sâu sắc.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc.
Để có thể thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã nêu lên một số nguyên tắc chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Thứ nhất, quán triệt nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị”, trước hết phải “cầu đồng”, tức là phải tìm ra cái “đồng” mà các bên chia sẻ, lấy đó làm điểm quy tụ để đại đoàn kết.
Cái “đồng” đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, suy cho cùng chính là lòng yêu nước chân chính trong mỗi con người Việt Nam. Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi rời Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-b-lô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”(10). Thừa nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng, thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc, đó chính là quan điểm nhấn mạnh cái “đồng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếp cận các đối tượng đại đoàn kết.
Cái “đồng” đó còn là những quyền lợi chính đáng khác mà mỗi con người, dù ở giai cấp, tầng lớp, vùng, miền nào..., cũng hướng đến. Nói cách khác, cùng với “độc lập”, thì “tự do”, “hạnh phúc”, “cơm ăn”, “áo mặc”, “học hành”,... cũng là những giá trị chung cần được quan tâm và là điểm tựa để quy tụ, đoàn kết mọi lực lượng xã hội khác nhau vào một sự nghiệp chung.
Tìm ra cái chung, lấy cái chung làm điểm tựa, dựa vào cái chung để hóa giải những khác biệt, mâu thuẫn riêng, đó là triết lý rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
Thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” thì không chỉ “cầu đồng”, mà còn phải “tồn dị”, tức là phải chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, miễn là không tổn hại đến cái chung. “Tồn dị” thể hiện tinh thần khoan dung, độ lượng, hay nói theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “khoan hồng đại độ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán”(11). Có khoan hồng đại độ, thì mới có đại đoàn kết, đó cũng là một triết lý đại đoàn kết rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoan hồng đại độ không chỉ thể hiện cái tâm, mà còn thể hiện cái tầm của chủ thể đại đoàn kết. Hình ảnh thể hiện của tinh thần khoan dung chính là sông to và biển rộng: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ”(12). Cái tâm và cái tầm chủ thể đại đoàn kết dân tộc trái ngược hoàn toàn với sự “nhỏ nhen”, hẹp hòi, định kiến, càng xa lạ với lối ứng xử “báo thù báo oán”. Tinh thần khoan dung, độ lượng, hay khoan hồng đại độ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự chính là tinh thần khoan dung văn hóa, mang tính nhân văn, nhân đạo cực kỳ sâu sắc.
Thứ hai, thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” nói trên, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần được đặt trên nền tảng niềm tin đối với con người. Đứng vững trên quan điểm của chủ nghĩa Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”(13). Thiện hay ác đó không phải là “tính sẵn”, mang tính tiên thiên, mà do trình độ phát triển của xã hội quy định, do sự tập nhiễm của con người khi sống trong xã hội chưa thực sự đạt đến trình độ văn minh. Thiện hay ác đó cũng không phải là nhất thành bất biến, mà biến đổi tuỳ thuộc vào giáo dục, theo nghĩa là giáo dục từ phía xã hội, cũng như tự giáo dục của mỗi con người. Lực lượng lãnh đạo cách mạng cần phải có niềm tin vào sự tồn tại của cái thiện trong mỗi con người, và khả năng nảy nở, phát triển của nó nếu được tác động đúng hướng, đúng cách, và thái độ cần có của lực lượng lãnh đạo xã hội là phải làm cho cái thiện “nảy nở như hoa mùa Xuân” và cái ác “mất dần đi”. Lòng yêu nước chân chính, những định hướng giá trị tốt đẹp, như “ấm no”, “tự do”, “hạnh phúc”,... trong mỗi con người Việt Nam chính là cái thiện, và vì thế cần có niềm tin và thái độ ứng xử tích cực đối với cái thiện đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ. Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe. Tuyệt đối không được dùng cách kịch liệt”(14). Có thể thấy, niềm tin không chỉ đầy tính khoa học, mà cũng cực kỳ nhân văn ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cái thiện và năng lực hướng thiện của con người là một triết lý nhân sinh cực kỳ quan trọng, là một bệ đỡ cho hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, là cơ sở để thực hiện các nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc một cách thành công. Đó cũng là một nguyên tắc thực hiện đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh hướng tới hình thành một cộng đồng gắn bó và thống nhất. Có như vậy, mới tập hợp và phát huy được cao độ sức mạnh của mỗi thành viên trong khối đại đoàn kết tạo nên tổng hợp lực cho cách mạng. Để làm được điều đó, ngoài niềm tin và thái độ đúng, còn cần đến cách ứng xử phù hợp. Trừ bọn “Việt gian bán nước”, trừ bọn “phát xít thực dân”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ”(15), thì “đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”(16). Khi nói đến cách ứng xử để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh thường dùng những chữ “thật thà”, “chân thành”, “thân thiết”, “thân ái”, “yêu quý”, “kính trọng”, “giúp đỡ”,... Người viết: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện”(17). Người còn chỉ dẫn: “Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”(18),... Như vậy, dù góc tiếp cận nào: trong đảng hay ngoài đảng, chủng tộc hay giai cấp, thì để thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, đều cần có cách ứng xử phù hợp, và cách ứng xử đó có thể khái quát là “cách Thiện”: cách Thiện để tạo ra cái Thiện, để làm cho những mầm Thiện nảy nở như hoa mùa Xuân. Đây cũng là một nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc còn nhiều nội dung rất phong phú, sâu sắc. Những quan điểm đó chứa đựng những giá trị quan trọng đối với sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Có thể khái quát là:
Một là, đại đoàn kết toàn dân tộc đã, đang và sẽ luôn là một quy luật chi phối sự tồn tại và phát triển của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Để có thể xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn phải được đặt lên hàng đầu, phải là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và trực tiếp là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Coi trọng vai trò của đại đoàn kết dân tộc đòi hỏi phải thực sự coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Hai là, luôn quán triệt quan điểm mở rộng tối đa khối đại đoàn kết dân tộc. Trong xã hội mở và biến đổi nhanh chóng hiện nay, các lực lượng xã hội cấu thành dân tộc rất đa dạng, nhiều khác biệt. Tuy nhiên, dù đa dạng và nhiều khác biệt đến mấy, luôn cần nhìn nhận đó là các lực lượng cần tập hợp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần mở rộng các hình thức tập hợp, tổ chức các lực lượng xã hội và có cơ chế để thu hút, quy tụ các hình thức đó vào trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực sự là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với các cấp độ tổ chức chặt chẽ và cơ chế hoạt động hiệu quả. Muốn vậy, Mặt trận phải rất thực chất và đầy sức sống, vừa rất thống nhất, vừa đa dạng và sinh động.
Ba là, để thực hiện được đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh xã hội phân hoá, phân tầng mạnh mẽ hiện nay, nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” càng hết sức quan trọng. Việc phát hiện và khơi dậy những giá trị, lợi ích chung, cũng như việc chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt sẽ khó khăn hơn, nhưng không thể không thực hiện. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phải làm sao để các đại diện trong Mặt trận thật sự đại diện được cho sự đa dạng trong xã hội, đồng thời phải có cơ chế để sự đa dạng tương tác và tồn tại trong mục tiêu thống nhất. Tinh thần căn bản cần quán xuyến ở đây chính là dân chủ và pháp quyền.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu lớn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó phải là nền “pháp quyền nhân nghĩa”. Không phải ngẫu nhiên mà có học giả gọi kỷ nguyên hiện nay là kỷ nguyên của văn hoá, do đó, cách thiện càng là một đòi hỏi về cách ứng xử đối với các lực lượng xã hội khác nhau trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm”, nhưng Người nhiều lần chỉ dẫn về việc “bày lẽ phải”, “nói phải”, “thuyết phục”,... trong ứng xử với các đối tượng đại đoàn kết. Ngay đối với Đảng Cộng sản Việt Nam - tổ chức vừa là thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(19). Đó không có gì khác hơn là ứng xử theo cách thiện, là phát huy sức mạnh của sự thuyết phục, là sử dụng sức mạnh mềm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động “theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên”(20) cần và có điều kiện vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc./.
---------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 75
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 35
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 256
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 589
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 601
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 360
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 161
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 244
(9) Khái niệm mà Benedict Anderson nêu ra trong công trình Cộng đồng tưởng tượng - Nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280 - 281
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 39
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 130
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 471
(15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 131
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 315 - 316
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 168
(20) Khoản 2, Điều 4, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét