Thứ Năm, 4 tháng 5, 2023

Không ai được gọi bà Triệu Thị Trinh là Triệu ẩu (mụ Triệu)

 

Tình cờ tôi đọc được bài viết: “ Sức mạnh truyền thống trong cách mạng” của tác giả Dương Trung Quốc đăng tải trên tạp chí Xưa & Nay số 462 (8 – 2015), trong đó có đoạn: “…Một dân tộc đã đẻ ra những vị anh hùng cứu quốc như: Trưng Trắc, Triệu Ẩu”…

Sử sách ghi chép: “Đầu năm 40 cuộc khởi nghĩa của hai bà: Bà chị Trưng Trắc và em là Trưng Nhị nổ ra ở Hát Môn (cửa sông Hát thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Tây) được đông đảo nhân dân khắp nơi nhiệt liệt hưởng. Các quận: Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành trì ở Lĩnh Ngoại đều nổi dậy…Thái thú Tô Định hoảng hốt bỏ thành trì tháo chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa toàn thắng, cả bốn quận được giải phóng. Chính quyền đô hộ bị lật đổ. Nền độc lập, tự chủ của đất nước, dân tộc được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ. Được các lạc tướng , tấng lớp quý tộc và nhân dân cả nước ủng hộ và suy tôn, Trung Trắc cùng em là Trưng Nhị đã xưng vương (Trưng Nữ Vương). (Theo sách Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập, do các chủ biên: GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hân, NXB. Giáo Dục (Sđd), trang 81, 82),.

Còn cuộc khởi nghĩa năm 248 của nghĩa quân BàTriệu tức Triệu Thị Trinh. Sử sách ghi chép: “Bà Triệu quê ở huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), là người có chí khí hơn người, có hoài bảo đánh giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho đất nước. Truyền rằng có người khuyên bà lấy chồng, bà đã trả lời rằng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bà thường đêm cùng anh là Triệu Quốc Đạt vào rừng tập luyện quân sĩ, chuẩn bị khởi nghĩa.

Năm vừa trón 19 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh hô hào nhân dân trong vùng nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa được dân chúng Cửu Chân hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng lan tỏa ra quận Giao Chỉ. Nghĩa quân chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người. Nhà Ngô lo sợ, phải điều động hơn 8000 quân do An Nam hiệu úy, thứ sử Giao Châu là Lục Dận chỉ huy sang đàn áp. Triệu Quốc Đạt bị hy sinh trong trận chiến đấu với quân Ngô, Triệu Thị Trinh thay anh chỉ huy nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng trong nhiều trận, nhưng lực lượng bị tiêu diệt dần, liệu thế chống không nổi, Bà đã chạy lên núi Tùng tự vẫn.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã khẳng định tinh thần yêu nước, bất khuất sáng ngời của nhân dân từ thời Trưng Nữ Vương vẫn chưa phai. Nó đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta bấy giờ. “Tùng Sơn nắng quyện mây trời / Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh” ( Thơ ca dân gian) (Sđd trang 85, 86). Sử sách ghi chép như vậy. Ngày nay chúng ta gọi anh hùng dân tộc là Trưng Trắc, Trưng Nhị hoặc Hai Bà Trưng đều được nhưng tác giả gọi Bà Triệu Thị Trinh là bà Triệu Ẩu. Tác giả là người học rộng, tài cao: ông có chức Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay, song không hiểu tại sao ông lại viết như vậy. Chữ Ẩu có nghĩa là Mụ ((Theo sách “Tam thiên tự” của tác giả Đoàn Trung Còn, NXB Đồng Nai 1995, trang 18).

Rõ ràng, quân Ngô ngày xưa vừa tàn ác, vừa hổn láo với Bà Triệu nên chúng gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu có nghĩa là Mụ Triệu. Với chúng ta, không ai được phép gọi Bà Triệu Thị Trinh anh hùng cứu quốc là Triệu Ẩu (Mụ Triệu)./.

1 nhận xét: