Đổi mới công tác đánh giá đội ngũ giảng viên các trường chính trị qua hội thi giảng viên dạy giỏi
(LLCT) - Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị) được đặc biệt quan tâm. Có nhiều cách thức nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao và lan tỏa rộng rãi là việc tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc. Đây được coi là cách thức rèn luyện, bồi dưỡng mới, đặc biệt là cách thức đánh giá giảng viên khách quan, sâu sắc.
1. Hội thi giảng viên dạy giỏi với việc đánh giá đội ngũ giảng viên
Từ năm 2005, Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Hội thi) do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) tổ chức đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
Hội thi là đợt sinh hoạt chuyên môn lớn để đội ngũ giảng viên trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời là dịp để các cấp lãnh đạo, quản lý và giảng viên nhận thức rõ hơn về phẩm chất, năng lực và yêu cầu “đạt chuẩn” của đội ngũ giảng viên(1).
Đối với Học viện, việc tổ chức Hội thi là cách thức quan trọng để nắm bắt cụ thể hơn tình hình đội ngũ giảng viên của các trường; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này, trên cơ sở thực tế có kế hoạch xây dựng, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, học tập; bổ sung quy chế đào tạo, bồi dưỡng giảng viên v.v… góp phần thực hiện hiệu quả và sát thực nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường chính trị.
Hội thi lần thứ I (năm 2005), chỉ dành cho giảng viên các trường chính trị. Các Hội thi lần thứ II (năm 2007), lần thứ III (năm 2009) đã thu hút đối tượng dự thi là giảng viên trường cán bộ các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (gọi tắt là Trường Cán bộ) giảng dạy “Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” (hệ Trung cấp lý luận chính trị).
Đến nay, Hội thi đã trải qua 7 kỳ, có 883 giảng viên tham gia ở cấp toàn quốc và trở thành hoạt động thường kỳ của các trường chính trị và Trường Cán bộ. Hội thi lần thứ VII (năm 2021), lần đầu tiên thu hút được 63/63 trường chính trị, 11 Trường Cán bộ với tổng số 140 thí sinh dự thi(2).
Hội thi được tổ chức qua hai cấp: cấp cơ sở và cấp toàn quốc. Căn cứ kết quả thao giảng cấp trường, mỗi trường chính trị chọn, cử 02 giảng viên; Trường Cán bộ chọn, cử 01 giảng viên tham gia Hội thi toàn quốc. Giảng viên dự thi thực hiện 03 nội dung thi: thi giáo án (01 bài trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính), thi viết (01 bài tự luận trong thời gian 120 phút) và thi giảng bài trên lớp (01 tiết, 45 phút). Xếp hạng danh hiệu giảng viên dạy giỏi trên cơ sở tổng số điểm ở bài thi và xét điểm nghiên cứu khoa học của người dự thi(3).
Kết quả của Hội thi không chỉ là lựa chọn, công nhận khách quan giảng viên dạy giỏi mà còn là dịp đánh giá tình hình, đúc rút kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phát hiện, bồi dưỡng những giảng viên có năng lực; kịp thời động viên, biểu dương thành tích, thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong hệ thống các trường chính trị, trường cán bộ.
Có thể khái quát những kết quả đạt được qua 07 lần tổ chức Hội thi trên những phương diện sau:
Một là, công tác tổ chức hội thi có nhiều đổi mới, nhất là xây dựng, ban hành quy chế, thể lệ Hội thi. Giám đốc Học viện đã sớm ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII (năm 2021) và Quy định Thể lệ Hội thi với những đổi mới đáng chú ý trong điều kiện dự thi, thể thức thi giáo án, thi viết và thi giảng, điểm nghiên cứu khoa học, giúp lựa chọn được những giảng viên giỏi toàn diện hơn.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm qua tổ chức Hội thi lần thứ VII (năm 2021), Giám đốc Học viện ra Quyết định số 9085-QĐ/HVCTQG ngày 11-5-2022 ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(4). Quy chế năm 2022 so với Quy chế năm 2018 có những điểm được bổ sung, làm rõ về tên gọi Hội thi, phạm vi, mục đích, yêu cầu hội thi… tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Hội thi cấp trường và Hội thi cấp toàn quốc được tiến hành bàn bản, khoa học.
Hai là, số lượng và chất lượng thí sinh tham gia Hội thi ngày càng tăng. Hội thi lần thứ I (năm 2005) có 121 giảng viên của 61/64 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia, trong đó có 23 giảng viên được Giám đốc Học viện tặng Bằng khen "Giảng viên dạy giỏi xuất sắc".
Đến Hội thi lần thứ VII (năm 2021) có 63/63 trường chính trị và 11/11 Trường Cán bộ tham gia với tổng số 140 thí sinh dự thi, quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Khu vực phía Bắc có 40/40 trường, gồm 31 trường chính trị, 09 Trường Cán bộ, tổng số 75 thí sinh dự thi; Khu vực phía Nam có 34/34 trường, gồm 32 trường chính trị, 02 Trường Cán bộ, có tổng số 65 thí sinh dự thi. Giảng viên tham gia Hội thi có tuổi đời cao nhất là 56 tuổi, trẻ nhất là 31 tuổi. Giảng viên có số năm giảng dạy tại trường lâu nhất là 24 năm, ít nhất là 02 năm(5).
Trên cơ sở kết quả Hội thi, căn cứ Quy chế Hội thi, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi, đã công nhận 37 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi xuất sắc, 96 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc(6).
Ba là, công tác tuyên truyền về Hội thi được đổi mới và ngày càng bài bản, khoa học,có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Học viện với các địa phương, đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi.
Tại Hội thi lần thứ VII, lần đầu tiên Hội thi có Thông cáo báo chí chính thức. Thông tin thao giảng các cấp và hoạt động Hội thi được đăng tải trên website, các tạp chí, bản tin của Học viện; trên các bản tin, nội san của các trường; trên các phương tiện thông tin truyền thông địa phương đăng cai tổ chức cả trước, trong và sau thời gian diễn ra Hội thi. Công tác truyền thông về Hội thi được thực hiện tốt đã góp phần tạo sức lan tỏa, tạo không khí sôi nổi cho Hội thi.
Thành công của các kỳ Hội thi là kết quả từ những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của các trường chính trị, trường cán bộ cũng như những đổi mới trong công tác tổ chức hội thi của Học viện. Hội thi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là sự đổi mới mang tính đột phá, sáng tạo của Học viện trong công tác đánh giá giảng viên, mở ra cơ hội để các giảng viên được khẳng định, thể hiện năng lực của mình.
Trước đây, Hội thi chủ yếu đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên thông qua các bài giảng được trình bày trực tiếp trước Hội đồng giám khảo thì trong những Hội thi gần đây, nội dung và hình thức dự thi đa dạng và mở rộng hơn. Từ Hội thi lần thứ VII, ngoài chấm giáo án và thi giảng, thí sinh dự thi phải tham gia một bài thi kiểm tra kiến thức chuyên môn và khả năng nhận thức về nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, phải có công trình khoa học, các công trình này được quy đổi thành điểm, giảng viên phải đạt số điểm tối thiểu mới đủ điều kiện để công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi. Điều này giúp đánh giá giảng viên dạy giỏi một cách toàn diện hơn, theo đúng phương châm: giảng viên dạy giỏi không chỉ “giảng hay” mà phải “nghiên cứu tốt”, giảng dạy và nghiên cứu khoa học phải bổ trợ cho nhau.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đánh giá giảng viên qua Hội thi đang đặt ra một số vấn đề sau:
Một là, việc triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thi ở một số trường chính trị còn bị động, do đó, không xây dựng lộ trình phù hợp để bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên về kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng giảng dạy, tích lũy điểm khoa học…, cũng như giảng viên không có đủ thời gian nghiên cứu và chuẩn bị, mặc dù Học viện ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi khá sớm (trước đó từ 8 đến 10 tháng).
Hai là, một số trường chưa tổ chức tốt công tác sàng lọc giảng viên tham gia dự thi cũng như tổ chức hoạt động thao giảng để đánh giá giảng viên cấp cơ sở. Một số trường có tâm lý cử luân phiên giảng viên tham gia hoặc chỉ ưu tiên cho những giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia, ít tạo cơ hội cho những giảng viên trẻ. Do đó, giảng viên có tuổi đời, tuổi nghề ít không có cơ hội được đánh giá, trau dồi, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ thông qua Hội thi. Mặt khác, việc tổ chức đánh giá cấp cơ sở ở nhiều trường còn tiến hành qua loa, hình thức, không tập trung đầu tư cho các hoạt động thao giảng để tạo thêm nhiều cơ hội cho các giảng viên được rèn luyện, học hỏi lẫn nhau, dẫn đến một số thí sinh tham gia hội thi cấp toàn quốc đạt kết quả chưa cao.
Ba là, nhiều thí sinh tham gia dự thi có điểm khoa học không cao, có tới “2/3 giảng viên có điểm khoa học đủ tiêu chuẩn hoặc trên chuẩn không cao. Có rất ít giảng viên vượt chuẩn cao điểm khoa học”(7). Đây là một chỉ báo cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên tham gia Hội thi cần tiếp tục được quan tâm, có cơ chế động viên cụ thể.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đánh giá giảng viên thông qua Hội thi giảng viên dạy giỏi
Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đánh giá giảng viên thông qua Hội thi, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên các trường chính trị, trường cán bộ về vai trò, tầm quan trọng của Hội thi. Các trường cần khắc phục tình trạng lơ là, xem nhẹ ý nghĩa của Hội thi, tránh bị động, hoặc làm đối phó khi triển khai kế hoạch. Cần cân đối giữa việc lựa chọn giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy với những giảng viên trẻ giàu nhiệt huyết để tạo cơ hội cho các giảng viên trẻ được rèn luyện, học hỏi và trưởng thành. Các giảng viên sau khi tham gia Hội thi cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực sự là hạt nhân, nhân tố quan trọng trong xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của hệ thống các trường chính trị trong cả nước.
Hai là, tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào “dạy tốt, học tốt”, với phương châm thi đua “Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả” để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; có kế hoạch cụ thể và duy trì nền nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm.
Qua thao giảng để đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt và lâu dài. Cần cử những giảng viên có trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho những giảng viên được lựa chọn. Chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, gắn nghiên cứu với giảng dạy, nghiên cứu, làm giàu tri thức là cơ sở bổ sung thực tiễn sinh động cho bài giảng lý luận.
Ba là, hiện nay, công tác đánh giá giảng viên thông qua Hội thi được xây dựng trên các tiêu chí về kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị; kỹ năng giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Để các trường chính trị, Trường Cán bộ sớm hoàn thành tiêu chí trên, Học viện cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của trường chính trị về kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức lý luận chính trị; cập nhật thông tin thực tiễn trong nước và quốc tế; phương pháp giảng dạy hiện đại và kỹ năng sư phạm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2019 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng mã ngành đào tạo cử nhân lý luận chính trị, hoàn thiện mô hình tổ chức, giảng dạy lớp đào tạo giảng viên lý luận chính trị, góp phần tạo nguồn giảng viên cho các trường chính trị.
Bốn là, để công tác đánh giá giảng viên toàn diện, chính xác, khách quan hơn, thì việc lựa chọn thành viên ban giám khảo có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc lựa chọn các giảng viên, nhà khoa học tại Học viện, cần lựa chọn các giảng viên có trình độ cao với các chuyên ngành khác nhau, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy ở các trường chính trị tham gia.
Năm là, thường xuyên sơ kết, tổng kết sau mỗi lần tổ chức hội thao, Hội thi để rút kinh nghiệm. Qua mỗi lần tổ chức Hội thi các cấp và Hội thi toàn quốc, Học viện cũng như các trường cầntiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh quy chế, quy định, tiêu chí đánh giá phù hợp với yêu cầu cụ thể. Qua đó, cần ghi nhận, biểu dương những đơn vị có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong đánh giá giảng viên thông qua việc tổ chức Hội thi cấp cơ sở.
Có thể khẳng định, Hội thi giảng viên dạy giỏi là một cách làm sáng tạo, hiệu quả của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác đánh giá chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên, đồng thời cho thấy tư duy đổi mới của Học viện với phương châm “lấy học viên là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng”, “muốn có học viên giỏi phải có thày giỏi"(8). Qua các lần tổ chức Hội thi, quy chế đánh giá ngày càng được hoàn thiện hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên không chỉ có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy mà còn là cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.
Hội thi đã thúc đẩy toàn diện phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, phong trào nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Hội thi cũng tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc trong hoạt động chuyên môn của Học viện và các trường, hướng tới mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11/QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư “về trường chính trị chuẩn”. Hội thi là dấu ấn sáng tạo của Học viện trong việc đổi mới phương thức đánh giá chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên các trường chính trị,đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
_________________
Ngày nhận bài: 01-6-2022; Ngày bình duyệt: 7-6-2022; Ngày duyệt đăng: 23-3-2023.
(1), (5) Tác giả tổng hợp từ “Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Hội thi “Giảng viên dạy giỏi” lần thứ VII khu vực phía Bắc” và “Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Hội thi “Giảng viên dạy giỏi” lần thứ VII khu vực phía Nam”, tháng 4-2021
(2), (6), (7) Vụ Các trường chính trị: “Dấu ấn từ Hội thi “Giảng viên dạy giỏi lần thứ VII”, Bản tin Các trường chính trị, tháng 6-2021
(3) Quyết định số 1269-QĐ/HVCTQG ngày 13-3-2018 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII
(4) Quyết định số 9085-QĐ/HVCTQG ngày 11-5-2022 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(8) Phát biểu của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Lễ Khai mạc Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII khu vực phía Nam, ngày 27-4-2020, hcma.vn.
nguồn : ThS HÀ THỊ BÍCH THỦY
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa