Chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2023), chúng tôi trình bày đặc sắc tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam - một nội dung lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đường lối cách mạng Việt Nam, là một phát kiến riêng của Bác, đã trở thành “cẩm nang thần kỳ” để Đảng ta xác định đường lối chính trị; vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành công của cách mạng Việt Nam nói chung, của công cuộc đổi mới đất nước nói riêng, là nhờ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đặc biệt là quan điểm của Bác về quá độ gián tiếp đi lên CNXH, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam thông qua phương thức xây dựng chế độ dân chủ, cộng hòa nhân dân; thay thế “thể chế Chính phủ Công - Nông - Binh” từ tiếp thu kinh nghiệm của Liên Xô thành “Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nét riêng, đặc sắc của cách mạng Việt Nam.
Đây là một trong những đóng góp to lớn về mặt tư tưởng - lý luận của Hồ Chí Minh với tư cách là người đặt nền móng cho đường lối cách mạng Việt Nam, bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - một nội dung quan trọng cấu thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta.
Đúng vậy! Mục tiêu cao cả, xuyên suốt cuộc đời, thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Bác là mong muốn giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm, niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân. Vì lẽ đó, Bác ra đi tìm đường cứu nước; tiếp nhận, lựa chọn con đường cách mạng vô sản theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga; khẳng định độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu, con đường duy nhất đúng đắn để cách mạng Việt Nam phát triển. Đó cũng là điều giải thích tại sao suốt cả cuộc đời, Bác hy sinh vì nước vì dân; lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm: thực hiện lẽ sống cao quý ấy. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển quan điểm, tư tưởng của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH, chúng ta thấy rõ hơn nhận định trên.
Tư tưởng về CNXH và con đường đi lên CNXH của Bác Hồ được hình thành từ rất sớm, thể hiện rõ trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1930. Đó là “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” nhưng quan điểm của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH được thực hiện trên thực tế từ năm 1945 đến nay. Đây là kết quả của hơn 30 năm tìm đường cứu nước, nghiên cứu tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây; nhất là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, cụ thể là “Chính sách kinh tế mới” của V.I. Lênin (1923-1924) và bài học kinh nghiệm xây dựng CNXH ở Liên Xô (1922-1938); tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH trên thế giới và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Với vốn sống, tầm nhìn biện chứng, quan niệm của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH đã có sự thay đổi căn bản, mang tính bước ngoặt, nhất là khi Bác bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Điểm nổi bật, độc đáo và sâu sắc là Bác đã tiếp thu, kế thừa và chuyển hóa quan niệm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô viết với “thể chế Chính phủ Công - Nông - Binh” thành lý luận về xây dựng chế độ dân chủ, cộng hòa nhân dân. Điều này ghi rõ trong các văn bản, tài liệu của Đảng, Nhà nước ta, đó là: “Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Phải khẳng định rằng, đây là “sự chuyển hóa” độc đáo, riêng có của Bác; phản ánh đặc sắc tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, vượt trước thời cuộc. Một mặt, vừa phản ánh đúng lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật chung đi lên CNCS, mà giai đoạn đầu là CNXH. Mặt khác, vừa là sự sáng tạo độc đáo của Bác trong việc nắm vững quy luật chung, vừa có nét riêng, phản ánh đặc điểm, đặc thù của mỗi nước để từ đó, lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp và con đường đi lên CNXH cho phù hợp.
Đó là các bước cần thiết để vượt qua thời kỳ quá độ lên CNXH theo phương thức trực tiếp hay gián tiếp. Bác cho rằng, đối với các nước đã trải qua chế độ TBCN, về cơ bản, lực lượng sản xuất đã được chuẩn bị ít nhiều thì có thể đi thẳng lên CNXH như Liên Xô... Đối với các nước chưa trải qua giai đoạn phát triển của CNTB, như Việt Nam, thì nhất thiết phải trải qua chế độ dân chủ mới, tức là cần có thời gian xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và con người mới, rồi sau đó mới tiến lên CNXH. Giải thích điều này, Bác chỉ rõ: Nước ta bị nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến rất lâu năm, đế quốc gần một trăm năm, phong kiến hàng mấy nghìn năm. Hơn thế, chúng ta phải dồn sức người, sức của để kháng chiến, đập tan ách thống trị của “giặc ngoại xâm và nội xâm” thực hiện giải phóng dân tộc; làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, thực hiện chế độ dân chủ mới. Trên cơ sở ấy mới tiến lên CNXH được.
Như vậy, theo Bác, Việt Nam phải trải qua thời kỳ quá độ gián tiếp để đi lên CNXH. Điều đó là phù hợp với một nước nghèo, lạc hậu, chưa trải qua giai đoạn phát triển của CNTB. Quan điểm này của Bác được trình bày đầy đủ trong Hội nghị cán bộ của Đảng (lần thứ sáu, ngày 18-1-1949), đến Đại hội II của Đảng (1951), Bác tái khẳng định: Mục đích trước mắt của Đảng ta là kháng chiến, giành cho được thắng lợi, tiến tới thống nhất đất nước; sau đó lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng các điều kiện cần thiết để tiến lên CNXH.
Muốn vậy, Đảng ta phải thực hiện 3 bước: Một là, kháng chiến thành công; Hai là, xây dựng xã hội dân chủ mới; Ba là, tiến lên CNXH. Đây là con đường tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam, bởi vì chỉ có thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chế độ dân chủ mới - một kiểu tổ chức xã hội quá độ theo hình thức gián tiếp, thì chúng ta mới tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để tiến lên CNXH - những cái này chưa có tiền lệ ở nước ta nên chúng ta phải làm từ đầu.
Bác nhấn mạnh: Xây dựng chế độ dân chủ mới là con đường, điều kiện tiên quyết để chúng ta bước qua thời kỳ quá độ lên CNXH từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến lạc hậu. Cần phải nói thêm rằng, tính độc đáo, sáng tạo của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH hoàn toàn không đối lập với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin; mà trái lại, Bác đã bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH, con đường đi lên CNXH đối với các nước ở phương Đông như Việt Nam. Điều đó khẳng định quan điểm của Bác đã đi trước thời gian so với các nước thực hiện cuộc cách mạng cùng thời điểm và qua đó, Bác đã khái quát mô hình mới về Nhà nước mới ở phương Đông phù hợp với bối cảnh, điều kiện lịch sử của “phương thức sản xuất châu Á”.
Tính độc đáo, đặc sắc của mô hình “thực hiện dân chủ mới để tiến lên CNXH” là: (1) Đảng lãnh đạo nhân dân đánh đổ thực dân, phong kiến; đưa nhân dân lên địa vị làm chủ nhân đất nước; xây dựng chế độ nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù; (2) Phải trải qua nền kinh tế nhiều thành phần, đa chế độ sở hữu; trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; (3) Phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; (4) Xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội theo đường lối của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; (5) Nhân dân thực sự làm chủ đất nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện dân chủ mới.
Làm được điều đó là bảo đảm bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Rõ ràng là, xây dựng dân chủ mới để tiến lên CNXH là con đường đúng đắn, hợp lòng dân, đúng quy luật, hợp xu thế phát triển của nhân loại và Việt Nam.
Trên cơ sở nhận thức đúng tầm vóc, giá trị, ý nghĩa tư tưởng của Bác về CNXH và con đường đi lên CNXH, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo; hợp quy luật, đúng ý Đảng - lòng dân; trong đó xác định: Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Nhờ đó, nhân dân ta đã đánh thắng các đội quân xâm lược hùng mạnh và tay sai; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đây là cơ sở lý luận - thực tiễn rất quan trọng để quân và dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch đã và đang xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa