Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH Ở THỜI KỲ MỚI

 

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đoàn kết là bản tính thân thiện, sự yêu thương và quý trọng con người, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhân tố tạo nên sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, thời đại nào củng cố được sức mạnh đoàn kết toàn dân, thì đều tạo được sức mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước. 
Chính vì lẽ ấy mà trong thực hiện “diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam. Nhưng chúng không thể làm gì được, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt được Việt Nam”. 
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Không chỉ xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, theo quan điểm: “Dân ta xin nhớ chữ đồng, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, Đảng ta còn phát triển quan điểm của Mác - Ănghen: “Vô sản các nước đoàn kết lại”, thành “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, nhằm mở rộng khối đại đoàn kết. Chúng ta đã xây dựng khối đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa các dân tộc Việt - Lào - Campuchia trên bán đảo Đông Dương. Cùng với xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc, giai cấp, nhân dân ở các quốc gia, Đảng và Nhà nước ta còn xây dựng tinh thần đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân và các tầng lớp tiến bộ ở đất nước kẻ thù tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh, để quân và dân ta đánh thắng nhiều đế quốc to, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Mặc dù vậy, do kết cục của chiến tranh, cũng như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng dịch bệnh và tội pham xuyên quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh chống phá nước ta trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, nhất là quốc phòng và an ninh... 
Trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, chúng ta cần có chiến lược đoàn kết, nhằm tăng cường sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới. Để xây dựng sức mạnh đoàn kết trong tình hình hiện nay, trước hết: Các cấp và các ngành cần xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc và tôn giáo ở trong nước, người Việt Nam sống, lao động và học tập ở nước ngoài. Trên cơ sở tôn trọng nền văn hóa, quyền bình đẳng, sự tự do và tín ngưỡng của từng dân tộc, tôn giáo trên mọi vùng, miền của đất nước. Xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến về quá khứ, chấp nhận những quan điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của đất nước, đề cao tinh thần và truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc. Đó là yếu tố tạo ra sự đồng thuận, để ta xây dựng tinh thần đoàn kết và hành động thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu xây dựng đất nước hòa bình, ổn định, đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra sức mạnh để ta bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chế độ và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ mới. Trong xây dựng tinh thần đoàn kết, các cấp phải lấy sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng làm hạt nhân, trong hệ thống chính trị làm cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, thực hiện có hiệu quả các chính các sách xã hội, tạo nền tảng để xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. 
Mặt khác, cần xây dựng, củng cố ngày càng vững bền khối đoàn kết truyền thống đặc biệt với nhân dân Lào - Campuchia, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới ngày nay. Đây là các dân tộc có nhiều hiểu biết, đã từng gắn bó, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, dốc lòng, dốc sức chi viện về vật chất và tinh thần, kề vai sát cánh đấu tranh, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Xây dựng và củng cố khối đoàn kết truyền thống với các quốc gia và dân tộc, các cấp và các ngành, cần tăng cường, mở rộng quan hệ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động, nguồn vốn của từng quốc gia và dân tộc, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, cũng như quốc phòng và an ninh... Bên cạnh đó, ta còn chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng đất nước và quản lý xã hội, giúp đỡ nhau trong hội nhập quốc tế; cũng như đấu tranh giải quyết các vấn đề nảy sinh ở từng quốc gia và tìm ra tiếng nói chung trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Vì mục tiêu hòa bình, công lý và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Đó còn là văn hóa và truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. 
Đồng thời, mở rộng và tăng cường khối đoàn kết với các tổ chức quốc tế, các đối tác chiến lược và các nước, theo quan điểm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. ở thời kỳ mới, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của toàn nhân loại. Nước ta lại là nước đang phát triển, vì vậy rất cần sự hợp tác và giúp đỡ của nhiều tổ chức, cũng như nhiều quốc gia trong cộng đồng thế giới. Do đó, các cấp, các ngành cần mở rộng và tăng cường đoàn kết với các tổ chức và đối tác quốc tế. Đoàn kết ở thời kỳ mới phải trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác và giúp đỡ nhau trên nhiều lĩnh vực, theo nhu cầu, phát huy thế mạnh và tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ; trong phòng, chống các thảm họa thiên tai và môi trường, các dịch bệnh, cũng như tội phạm xuyên quốc gia và quốc tế. Trong quá trình hợp tác chúng ta cần gắn liền với đấu tranh, để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở tôn trọng luật pháp từng nước và công ước quốc tế đã cam kết, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại hòa bình. Thực hiện mục tiêu vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. 
Đây là cơ sở tạo ra sự đồng thuận, thống nhất, làm tăng niềm tin và hiệu quả hợp tác và đầu tư, cũng như nâng cao trách nhiệm, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia, của từng quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế ở thời kỳ mới. Đồng thời, đây cũng là động lực, sức mạnh để chúng ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.


1 nhận xét: