Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023


Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tạo nên uy tín và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức trở thành vấn đề cấp bách; vì đạo đức cách mạng là “cái gốc” của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi tổ chức đảng. Để tăng cường xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục, phát huy vai trò gương mẫu, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đạo đức là gốc của người cách mạng”; “Không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3). Tuy nhiên, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên “không phải từ trên trời rơi xuống” mà phải được nhận thức đầy đủ, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Vì vậy, các tổ chức đảng phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa của đạo đức cách mạng, của việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; phải thường xuyên xây dựng ý thức tự phê bình và phê bình, rèn luyện thói quen, hành vi đạo đức, ý chí phấn đấu, hy sinh, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm… cho cán bộ, đảng viên.

Hai là, xây dựng các cơ chế, quy chế, quy định cụ thể và tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống ra khỏi bộ máy của các cơ quan công quyền . 

Quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thông qua các cơ chế, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là một trong những biện pháp giáo dục, rèn luyện và giữ gìn đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng phức tạp, có nguy cơ tăng cao là một phần do hệ thống các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, thực hiện thiếu nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên. Vì vậy, cần cụ thể hóa các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng các quy chế, quy định làm căn cứ, cơ sở cho việc tư dưỡng, rèn luyện đạo đức và làm căn cứ để đánh giá đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những tấm gương tiêu biểu; kịp thời cảnh báo, răn đe những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, mức độ uy tín, tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng đối với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(4).

Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ; việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống; việc hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đặc biệt kiểm tra, giám sát vai trò gương mẫu của người đứng đầu tổ chức đảng trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. 

 Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp trên, các cơ quan chuyên môn và của Nhân dân, kiên quyết không để một cá nhân, tổ chức nào đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không có “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.  Phương châm là, bất cứ ai, ở đâu, cấp nào được giao quyền lực và trách nhiệm thì quyền lực và trách niệm phải được kiểm soát. 

Ba là, gắn công tác xây dựng Đảng về đạo đức với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Những nội dung xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn với xây dựng bản lĩnh, lập trường, quan điểm chính trị; với xây dựng bộ máy tổ chức trong sạch, vững mạnh. Một đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tận tụy với công việc, có trách nhiệm với Nhân dân, luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc… thì nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ vững chắc, bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả, có kỷ luật nghiêm minh, nội bộ luôn đoàn kết, nhất trí. Nền tảng tư tưởng của Đảng được xây dựng vững chắc, bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả sẽ góp phần rất quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện tác phong, lối sống, thái độ, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức phải gắn liền với xây dựng Đảng về tổ chức và xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng vững mạnh. 

Bốn là, thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, lần thứ 7, lần thứ 8 khóa XII, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.

Năm là, xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức làm căn cứ để giáo dục, rèn luyện và đánh giá đạo đức của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được quan tâm, được các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng. Tuy nhiên, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức còn chung chung, thiếu cụ thể. Trong nhận thức, chúng ta mới tiếp cận nội dung đạo đức của cá nhân mà chưa cụ thể hóa thành những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức của cá nhân và của tổ chức đảng; khi nhận xét, đánh giá, khi giáo dục, rèn luyện đạo đức thường là chung chung, trừu tượng. Vì vậy, cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức của tổ chức đảng và của cán  bộ, đảng viên. Xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức phải cụ thể, gắn với từng chức danh, từng cương vị công tác của mỗi người. Đây là nội dung rất quan trọng, là căn cứ để đánh giá đạo đức, là cơ sở để xây dựng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. 


1 nhận xét: