Hà Nội một sáng đầu hè, tôi trở dậy lúc 4 giờ sáng nhưng cứ nằm chờ âm thanh báo thức quen thuộc trên tàu KN290 đưa đoàn công tác Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Đoàn công tác số 2) chúng tôi đến Trường Sa: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”… Những ký ức về hành trình 9 ngày dài lênh đênh giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc cứ thế hiện dần lên theo nỗi nhớ da diết, thổn thức mãi trong trái tim…
Phát thanh trên tàu
Trong chuyến công tác, tôi cùng một số đồng chí phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, Báo Hải quân Việt Nam được phân công nhiệm vụ thực hiện các chương trình phát thanh trên tàu. Tôi đã có nhiều năm làm phát thanh ở đơn vị và cộng tác trong nhiều chương trình phát thanh các báo đài, nhưng đây là lần đặc biệt nhất. Ngày nào tổ phát thanh của chúng tôi cũng hành quân theo kế hoạch của đoàn, mỗi ngày 2 điểm đảo nhưng đúng 17 giờ 30 chiều hằng ngày, rời đảo về đến tàu là chúng tôi nhanh chóng có mặt trên cabin, cùng nhau chụm đầu lại trước màn hình máy tính biên tập nội dung chương trình và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Nhà văn, Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tươi cười động viên chúng tôi rằng: “Anh cảm thấy rất vui khi nhìn các em làm việc. Anh thấy mình như được sống lại thời làm phóng viên chiến trường”.
Tác giả - Thiếu tá Đỗ Thị Mai Hoa Trợ lý phụ nữ, Công đoàn Phòng Chính trị, Học viện Quân y trong một kíp trực phát thanh trên tàu KN290. Ảnh: Quang Tiến |
“Huyền Anh, Quang Tiến, Mai Hoa, Vũ Ninh… xin kính chào các thủ trưởng cùng toàn thể các đồng chí! Đây là chương trình phát thanh nội bộ trên tàu KN290 của đoàn công tác số 2 đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1...”. Cùng với hiệu lệnh báo thức tàu, chương trình phát thanh của chúng tôi đã trở thành người bạn đồng hành, món ăn tinh thần sinh động của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Mong rằng những đồng chí, đồng đội của tôi sau chuyến công tác sẽ nhớ những giọng đọc thân quen trong hành trình đẹp của đời quân ngũ ấy.
Dẫn chương trình giữa biển trời Tổ quốc
Tôi may mắn được lựa chọn là một trong 2 MC dẫn các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ trong hải trình của đoàn công tác số 2. Đây là nhiệm vụ đột xuất nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên do thay đổi thời tiết, tôi thường xuyên bị viêm họng, có lúc trước “giờ G” tôi còn lên cơn sốt, những tưởng không thể nói được. Nhưng tôi không dễ dàng đầu hàng như vậy bởi có niềm tin của mọi người dành cho mình. Với sự chăm sóc tận tình của đồng chí, đồng đội tôi đã vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Chương trình giao lưu văn nghệ tại đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Tiến |
“Hồng Huy - Mai Hoa xin được nồng nhiệt chào mừng các thủ trưởng, các đồng chí đại biểu, khách quý của đoàn công tác Trường Sa trên tàu KN290…”. Lần đầu tiên tôi dẫn chương trình trên sân khấu lưu động của con tàu vẫn đang tiến về phía trước, cả người cứ chao đảo, bồng bềnh, lắc lư theo từng con sóng. Rồi lại được cất tiếng nói kết nối đoàn công tác và những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa lớn… Đó là những sân khấu đong đầy cảm xúc, ngập tràn tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội. Tiếng nói của tôi được cất lên giữa mênh mông biển trời thiêng liêng Tổ quốc, được thủ trưởng, đồng chí, đồng đội tôi lắng nghe, chào đón. Có những phút giây, tôi đứng trên sân khấu trong sự nghẹn ngào, thổn thức bởi những ánh mắt, nụ cười của đồng chí, đồng đội ở nơi đầu sóng ngọn gió… Đó là sự thổn thức của người lính và cũng là sự thổn thức đong đầy niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào để tôi có thể nói với những đồng chí, đồng đội bằng âm thanh của trái tim mình.
Tiếng hát trên tàu
Tôi vẫn rất nhớ những buổi giao lưu văn nghệ trên tàu. Chuyến hải trình dẫu có say sóng, đuối sức thì mọi người vẫn cùng nhau cháy hết mình với từng lời ca, tiếng hát ca ngợi biển, đảo thân yêu. Từ trước khi bước lên tàu đến khi rời bến về lại phố thị, các thành viên đoàn công tác đều thuộc làu “Khúc quân ca Trường Sa”. Ở bất cứ góc nào đó của con tàu đều có thể nghe thấy những thanh âm vang lên sôi nổi, hào hùng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta…”. Lên các đảo, từ những em bé mẫu giáo đến những người lính đảo, ai cũng thuộc nằm lòng và sẵn sàng cất cao tiếng hát, hòa chung vào sự kết nối, hiệu triệu những trái tim yêu Tổ quốc cùng hướng về biển đảo quê hương.
Tác giả với cây đàn chiến sĩ trên tàu KN290. Ảnh: Quang Tiến |
Trong trái tim mỗi người đều có một Trường Sa
Trong vô vàn những cảm xúc, những câu chuyện của những người lần đầu tiên đến với Trường Sa mà tôi thu nhận được có một cảm giác rất kỳ lạ. Kỳ lạ là, chúng tôi lênh đênh giữa biển suốt mấy ngày liền, khi đất liền - nơi chúng tôi sống - đã ở xa lắm rồi... thì đặt chân lên các đảo, chúng tôi lại thấy mình như đang trở về một nơi thân thuộc và gắn bó nhường nào. Bởi, đất mẹ cũng chính là đây, ở giữa Biển Đông mênh mông này...
Đất mẹ, với cờ Tổ quốc, thấp thoáng mái nhà, ngôi chùa với cuộc sống người dân bình dị… Giữa biển cả mênh mông vẫn có đất đai của người Việt, có dáng hình người dân Việt Nam cần cù lao động và những tiếng cười nói của con trẻ, có rợp tán bàng vuông vẫn ngày ngày che chở cho đảo trước sóng gió mặn mòi khắc nghiệt của biển. Và đặc biệt là hình ảnh những người con của Trường Sa, những chiến sĩ Trường Sa cũng giống như cây bàng vuông, cây phong ba, họ là những bông hoa của biển. Lặng lẽ, nhưng bền bỉ và kiên gan trước muôn trùng sóng gió.
Chúng tôi thấy như mình đang trở về chứ không phải đi tới một nơi rất xa xôi. “Gần lắm Trường Sa ơi!”… là ở ngay trong tim mỗi người dân Việt Nam.
Trường Sa luôn trong tim mỗi người con đất Việt
Ở nơi này, Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật hay cả những con vật dường như cũng đều là một câu chuyện đáng để người ta phải suy ngẫm và trân trọng. Đó là những câu chuyện về sự kiên cường, nghị lực, tinh thần lạc quan của con người cho tới từng cành cây, ngọn cỏ ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Giống như tôi, mỗi người trong đoàn đều có nhiều, rất nhiều những câu chuyện, cảm xúc riêng trong hành trình đi về phía quần đảo Trường Sa. Nhưng chắc chắn trong chúng tôi có cùng một sự đồng cảm, đó tình cảm yêu thương và cảm giác gắn bó máu thịt khi đến với Trường Sa, một cảm nhận rất chung đó là mối liên kết không thể tách rời giữa đất liền với Trường Sa.
Chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa là những kỷ niệm đẹp trong mỗi thành viên đoàn công tác số 2. Ảnh: Phương Dung |
Chúng tôi luôn muốn nhắn gửi tới những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo Tổ quốc mà chúng tôi đã gặp rằng: Họ luôn có một bến bờ bình yên, luôn có nguồn sức mạnh vô tận của tình yêu thương, lòng tin từ nơi đất liền gửi gắm để họ đạp bằng mọi sóng gió, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng: Bảo vệ máu thịt của Tổ quốc ở Biển Đông.
Đất liền luôn đùm bọc, yêu thương và hướng về những người con nơi đầu sóng ngọn gió. Và họ, những chiến sĩ Trường Sa, cũng luôn hướng về đất mẹ. Đó là sự đồng vọng của đất liền và Trường Sa, là nguồn sức mạnh vô tận, để cùng nhau quyết tâm bảo vệ, gìn giữ biển trời của Tổ Quốc.
Thiếu tá ĐỖ THỊ MAI HOA (Trợ lý phụ nữ, Công đoàn, Phòng Chính trị, Học viện Quân y)
nguồn báo QĐND
rất tuyệt vời
Trả lờiXóa