Tỷ lệ chọi trong kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội cao khiến càng gần đến ngày thi, cả học sinh và phụ huynh càng lo lắng. Trong khi học sinh tăng tốc ôn tập, phụ huynh cũng đang ráo riết tìm phương án dự phòng nếu con không đỗ. Họ sẵn sàng chi tiền mua hồ sơ vào các trường tư thục để mua sự yên tâm.
Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại Hà Nội sẽ có gần 60% học sinh lớp 9 được vào lớp 10 THPT công lập. Như vậy, khoảng 30.000 học sinh sẽ vào hệ thống 100 trường THPT ngoài công lập hoặc trường nghề. Với mục tiêu thi đỗ vào các trường công lập, học sinh đang tranh thủ ngày đêm ôn thi. Các thầy cô cũng nỗ lực hỗ trợ các em.
Với sức học vừa phải, em Đăng Khôi nguyện vọng đăng ký dự thi vào Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ). Em cho biết, kỳ thi này áp lực rất lớn, em cố gắng để có cơ hội học tập lên bậc THPT. Các bạn trong lớp em học tốt nhưng vẫn đi học thêm cả 3 môn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ. Bởi vậy, sau giờ học thêm, em còn học thêm gia sư trực tuyến giải đề mẫu đến gần 11 giờ đêm mới ngủ.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. |
Nếu học sinh lo một thì phụ huynh lo mười. Chính chuyện chọn trường nào để cho con em mình thi vào lớp 10 công lập mới khiến các bậc cha mẹ đau đầu, vì lỡ chọn sai, con sẽ trượt, chứ không phải con sau này sẽ học hành ra sao, vào trường đại học nào... Khi đầu vào cấp THPT thắt chặt, để không rơi vào thế bị động, đối mặt với nguy cơ “đứt gánh giữa đường”, nhiều phụ huynh đã chủ động xoay sang các phương án khác. Chị Ngọc Minh (mẹ của Đăng Khôi) cho hay: “Gia đình đầu tư tiền cho con học thêm 5 buổi/tuần nhưng sức học của cháu sẽ khá vất vả để đỗ vào trường công lập nên vẫn phải có phương án dự phòng. Tôi tìm hiểu một số trường ngoài công lập để đăng ký cho con. Mức học phí 3 triệu đồng cho tháng đầu thực chất là phí giữ chỗ. Nếu sau này con đỗ vào trường THPT công lập thì khoản tiền đó sẽ không được hoàn trả, nhưng bù lại, gia đình thấy yên tâm”.
Cô Đào Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Long (quận Ba Đình) cho hay: “Trường đã phát hành hơn 500 hồ sơ để xét bằng điểm học bạ. Đây là phương thức xét tuyển mà các phụ huynh đều mong muốn vì an toàn hơn so với xét điểm thi vào lớp 10. Năm nay, trường dự kiến tuyển ở mức 35 điểm trở lên như năm trước”. Không chỉ những gia đình con có sức học trung bình, tự lượng sức mình tìm thêm cánh cửa vào lớp 10 cho con mà ngay cả những học sinh khá cũng lo sợ “sẩy chân” nên rải hồ sơ ở nhiều trường dẫn tới hiện tượng tỷ lệ ảo lớn.
Dù chỉ tiêu là 500 nhưng đến nay, Trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) đã nhận hơn 2.000 hồ sơ đăng ký. Cô Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm cho rằng, thí sinh không chỉ gửi hồ sơ ở trường mình mà còn nộp ở nhiều trường khác nên với con số như vậy, nhà trường không biết liệu có tuyển đủ chỉ tiêu hay vượt quá nên buộc nhà trường phải thông báo tạm dừng nhận mới.
Làm sao để phụ huynh và cả học sinh không bị áp lực thi vào lớp 10? Đó là băn khoăn của nhiều người. Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay trường tư sẽ ngày càng nhiều. Trong tương lai, nhóm trường công và trường tư cũng sẽ tiệm cận về chất lượng giảng dạy cũng như mức học phí. Như vậy, áp lực thi cử sẽ phần nào giải tỏa khi phụ huynh tìm cho con em những lựa chọn mới. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần dành quỹ đất và xây dựng thêm trường lớp để theo kịp sự gia tăng dân cư, nhằm giảm tỷ lệ chọi ở một số khu vực “nóng” của thành phố.
Bài và ảnh: PHAN HOÀI
nguồn báo QĐND
học thôi mà cũng vất vả vậy đó
Trả lờiXóa