Để giữ vững vị thế cầm quyền, nhiệm vụ tiên quyết của Đảng là giữ vững nền tảng tư tưởng, từ đó đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân để thực hiện mục đích xây dựng đất nước độc lập, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về mặt từ ngữ, “nền tảng tư tưởng” được hợp thành bởi hai thành tố “nền tảng” và “tư tưởng”. Theo từ điển Tiếng Việt, “nền tảng” - là bộ phận vững chắc dựa trên đó các bộ phận khác tồn tại và phát triển; “tư tưởng” - là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện về quan hệ của con người với thế giới xung quanh. Nghiên cứu khái niệm “nền tảng tư tưởng” theo góc độ chính trị học, không thể ghép cơ học hai thành tố “nền tảng” và “tư tưởng” mà “tư tưởng” phải được hiểu theo nghĩa “hệ tư tưởng” - đó là những tư tưởng, quan điểm đã được hệ thống hóa thành lý luận, thành học thuyết về xã hội, phản ánh và bảo vệ lợi ích của một giai cấp nhất định được giai cấp đó thừa nhận và truyền bá.
Hiểu một cách khái quát: Nền tảng tư tưởng của chính đảng là hệ thống lý luận, học thuyết về xã hội của một giai cấp mà từ đó hình thành, phát triển nên các quan điểm, tư tưởng về các lĩnh vực của đời sống xã hội trên quan điểm của giai cấp đó. Nền tảng tư tưởng là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời và hoạt động của mỗi chính đảng; mỗi chính đảng phải có một hệ tư tưởng nhất định, làm cơ sở để tập hợp lực lượng, định hướng hoạt động. Đây là yếu tố cơ bản cấu thành đảng chính trị, nó quy định bản chất giai cấp của chính đảng.
Ở các nước chế độ đa đảng, nhiều chính đảng cạnh tranh việc cầm quyền; các chính đảng xác định hệ tư tưởng và đề ra các chính sách tranh cử nhằm mong đạt được sự ủng hộ từ xã hội. Ví dụ như Mỹ, có hàng trăm chính đảng, nhưng chỉ có Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh quyết liệt; mặc dù các chính đảng luôn cạnh tranh giành quyền kiểm soát bộ máy nhà nước, nhưng họ vẫn cùng nhau chia sẻ những cam kết chung và những giá trị cơ bản của xã hội tư bản, đó là tôn trọng Hiến pháp.
Trong hoạt động chính trị, các chính đảng không ngừng hoàn thiện, phát triển đi đôi với đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình, đó là hoạt động định hướng chính trị, truyền bá hệ tư tưởng. Mỗi chính đảng đều có hệ tư tưởng của mình để từ đó hoạch định, xây dựng ra các chủ trương, đường lối, chính sách và truyền bá đến quần chúng, gây dựng niềm tin, sự ủng hộ đối với mình. Khi chính đảng trở thành đảng cầm quyền, nền tảng tư tưởng sẽ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành đường lối, chính sách về phát triển đất nước và pháp luật để lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Nền tảng tư tưởng của đảng nào đó được quần chúng thừa nhận và ủng hộ nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc tư tưởng đó có đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng hay không.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của các đảng chính trị là vấn đề tất yếu khách quan, là cuộc đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh chính trị để giành, giữ vị trí cầm quyền. Chủ nghĩa Mác - Lênin ngay từ khi ra đời, khi mới chỉ được gọi là “một bóng ma đang ám ảnh châu Âu” đã gặp phải vô vàn sự chống phá khốc liệt của các thế lực thù địch như trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được Mác và Ăngghen nêu ra năm 1848 cũng như toàn bộ quá trình phát triển đến ngày nay. Đấu tranh chống lại mọi kẻ thù tư tưởng - đó là quy luật phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi ra đời, bên cạnh việc bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố, tìm cách tiêu diệt cùng với đó là quá trình đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng. Ngày nay, khi đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Đảng vẫn luôn gặp phải sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi ra đời đã xác định, chủ nghĩa Mác - Lênin “là cốt”, “là gốc”. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”, Người khẳng định “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Thực tế cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo và giành được thắng lợi đã chứng minh nền tảng tư tưởng mà Đảng đã lựa chọn là hoàn toàn tiến bộ và phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quán triệt vấn đề mang tính nguyên tắc là lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình”.
Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm hai thành tố là Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống tư tưởng, quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người và chỉ ra lực lượng, con đường, phương thức đạt mục tiêu đó gồm ba bộ phận thống nhất hữu cơ không thể tách rời nhau gồm Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Từ nền tảng tư tưởng “Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng cụ thể hóa thành Cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật… theo đó, hiểu theo nghĩa rộng, nền tảng tư tưởng của Đảng còn là Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ. Do đó, làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm vai trò cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa