Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy về công tác tổ chức của Đảng.
Đây là khâu đầu tiên để đổi mới công tác tổ chức của Đảng. Đổi mới tư duy về công tác tổ chức cần quán triệt các quan điểm, phương châm: 1) Việc ra đời, tách nhập, sắp xếp một cơ quan, tổ chức là do nhu cầu xã hội, không lấy ý chí chủ quan của người lãnh đạo để áp đặt một cách tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học - thực tiễn; 2) Đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm giảm biên chế, kinh phí, tạo cơ hội, khai thác tiềm năng của xã hội. Đối với những lĩnh vực mà xã hội đảm đương được thì Nhà nước không thành lập tổ chức, cơ quan trong lĩnh vực đó; 3) Một lĩnh vực hoạt động chỉ có một cơ quan đảm nhiệm, không để chồng chéo, trùng lắp. Tiếp tục thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp hoặc gần nhau; 4) Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy phải bảo đảm theo hướng “gọn” trước, “tinh” sau; có nghĩa là, kết hợp rà soát lại chức năng của các cơ quan, tổ chức gắn với việc mô tả vị trí công việc, chức danh để kết hợp giảm biên chế với giảm đầu mối tổ chức, sau đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức và con người.
Thứ hai, tập trung xây dựng, kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị thật sự khoa học theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII.
Cần tăng cường đổi mới, sắp xếp nhằm bảo đảm cho bộ máy của toàn hệ thống chính trị thực sự gọn nhẹ, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, tư tưởng, trong sạch về đạo đức; nâng cao về trình độ, năng lực, nghiêm minh về kỷ luật.
Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, có kỷ luật nghiêm minh, cần tập trung vào một số nội dung: 1) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược thực sự vững vàng, trong sạch, gương mẫu; 2) Tập trung kiểm soát quyền lực và trách nhiệm; đảm bảo nhiệm vụ được giao luôn gắn với trách nhiệm. Khi đã được giao trách nhiệm, quyền lực thì quyền lực, trách nhiệm phải được kiểm soát, rõ ràng. Nguyên tắc là, ở đâu được giao trách nhiệm và quyền lực thì quyền lực và trách nhiệm phải được kiểm soát chặt chẽ; 3) Quyết liệt hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng cơ chế, quy chế để sàng lọc, loại bỏ những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Phải thực hiện cơ chế “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Có cơ chế khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, công bằng, công khai.
Thứ tư, thể chế hóa và hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác tổ chức và cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và cán bộ.
Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc, cơ chế, quy chế về công tác tổ chức và cán bộ một cách đồng bộ, đồng thời triển khai việc thực hiện các nguyên tắc, kỷ luật đảng nghiêm minh, nhất là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ. Phải thông qua cơ chế, quy định của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đảng, chính quyền, thông qua hệ thống công cụ pháp lý để kiểm tra, kiểm soát, giám sát công tác tổ chức và quản lý chặt đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác tổ chức và cán bộ. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan cấp trên đối với các tổ chức, cơ quan cấp dưới. Dựa vào Nhân dân để kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động và chất lượng cán bộ.
Đồng thời, gắn việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức và đội ngũ cán bộ với cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác tổ chức và cán bộ phải góp phần quan trọng trong việc sàng lọc cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; kiên quyết không để những kẻ cơ hội núp bóng tổ chức để mưu lợi cho bản thân./.
bài rất thực tế
Trả lờiXóa