Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Đặc thù nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và yêu cầu về cơ chế quản lý phù hợp.

  Trên cơ sở phân tích các đặc thù về công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bài viết chỉ ra những yêu cầu đặt ra với cơ chế quản lý khoa học lý luận chính trị, đề xuất cơ chế quản lý tài chính phù hợp, góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ khoa học của Học viện trong thời gian tới.

1. Đặc thù về công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện đi đầu trong nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn, góp phần bảo vệ, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, phục vụ việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam và các chiến lược, chủ trương, định hướng phát triển đất nước qua các thời kỳ. Là trung tâm quốc gia về nghiên cứu lý luận chính trị, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện có nhiều điểm đặc thù so với các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn (như: Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học khác của cả nước. Điều này được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một làđặc thù về chức năng, nhiệm vụ của Học viện (theo Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08-8-2018 của Bộ Chính trị)

Về chức năng: Học viện là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý. Đây là đặc thù mang tính bao trùm, riêng có của Học viện.

Về nhiệm vụ: Nhiệm vụ chủ yếu trong nghiên cứu khoa học của Học viện là: (1) Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (2) Tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; (3) Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử phong trào cách mạng thế giới; (4) Nghiên cứu, xây dựng nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; (5) Nghiên cứu, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch địch đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và Nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.

Hai làđặc thù xét chọn chủ nhiệm và cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học

Hiện nay, việc tuyển chọn chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học được thực hiện thông qua 03 phương thức chủ yếu là: xét tuyển, đấu thầu hoặc giao trực tiếp. Tùy vào quy mô, tính chất, cấp độ của đề tài mà cơ quan quản lý lựa chọn chủ nhiệm và cơ quan chủ trì thực hiện một cách phù hợp, nhằm mục đích đạt kết quả cao nhất trong nghiên cứu. Việc tuyển chọn, xét tuyển, giao trực tiếp cho cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Đối với các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, việc tuyển chọn, xét tuyển, giao cá nhân, tổ chức thực hiện được thực hiện theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26-6-2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, đặc biệt là một số ngành, chuyên ngành đặc thù, là thế mạnh của Học viện, như Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Xây dựng Đảng, Lịch sử Đảng, Học viện là nơi tập trung nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của cả nước. Do vậy, một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đỏi hỏi phải có phương thức xét chọn chủ nhiệm, tổ chức chủ trì thực hiện đặc thù. Để lựa chọn được các tổ chức có đủ năng lực, có uy tín cao thực hiện nhiệm vụ, các cá nhân có trình độ tốt, chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu làm chủ nhiệm, Học viện ưu tiên thực hiện phương thức giao trực tiếp hoặc chỉ định, hạn chế hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, với hình thức giao trực tiếp hay chỉ định cá nhân làm chủ nhiệm, cần đặc biệt lưu ý đến năng lực, kinh nghiệm của cơ quan chủ trì, cá nhân làm chủ nhiệm để phân công đúng người, đúng việc, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ khoa học; tránh giao cho các tổ chức, cơ quan và cá nhân không đủ năng lực, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

Ba là, đặc thù về phương thức quản lý khoa học

Đặc thù về phương thức quản lý khoa học xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Học viện. Trong đó, có nhiều nội dung nghiên cứu do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp xem xét, quyết định liên quan trực tiếp đến nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất của chế độ chính trị XHCN ở nước ta và tiền đồ, vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc lan tỏa kết quả nghiên cứu trong xã hội, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng trong đời sống, thì một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, như: nghiên cứu luận cứ khoa học để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam, nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới, nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật... cần phương thức quản lý đặc biệt để bảo đảm tính mật của nhiều nội dung nghiên cứu.

Bốn là, đặc thù trong chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu

Khác với khoa học, kỹ thuật, công nghệ, việc triển khai chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung, khoa học lý luận chính trị nói riêng luôn có độ trễ về thời gian trong đánh giá tác động của kết quả nghiên cứu đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nếu như trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu có tác động trong thời gian ngắn, thậm chí tác động ngay sau khi ứng dụng. Nhưng đối với kết quả nghiên cứu lý luận chính trị, sự tác động đến đời sống chính trị - xã hội cần một thời gian dài, thậm chí có những luận điểm phải mất 5-10 năm hoặc lâu hơn mới đánh giá được tác động. Do đó, trong quá trình tổ chức đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu, cần có một cơ chế đặc thù phù hợp.

Ở một khía cạnh khác, việc công bố các bài báo khoa học quốc tế (được xã hội hóa) của một số ngành khoa học lý luận chính trị, như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh... gặp rất nhiều khó khăn.

Năm là, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện vừa trực tiếp cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa trực tiếp phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện

Trong thời gian qua, các nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Học viện, như: Đề án Nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Chương trình Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam, Đề án Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; Những giải pháp thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, v.v. đã đóng góp quan trọng vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể là: (i) Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khóa XI, XII, XIII. (ii) Cung cấp các luận cứ khoa học, giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam; nghiên cứu tổng kết Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. (iv) Bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo và đối ngoại. (v) Phân tích, đánh giá và lý giải những vấn đề nảy sinh trong quá trình đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, từ đó đề xuất các kiến nghị về mặt chính sách đối với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện trực tiếp phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; đóng góp tích cực vào đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới công tác tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sáu là, đặc thù trong quản lý tài chính về hoạt động nghiên cứu khoa học

Học viện là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, Học viện nhận được nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quan trọng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, như: Chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia KX.02/16-20: “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác -Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”; tuyển chọn, biên dịch, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài... hoặc một số nhiệm vụ khoa học đột xuất, đòi hỏi kinh phí phát sinh ngoài dự toán ngân sách nhà nước hằng năm dành cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Học viện. Các nhiệm vụ đột xuất này cần triển khai ngay trong thời gian ngắn, song không thể sử dụng kinh phí hằng năm để thuê khoán các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện các nội dung cụ thể của nhiệm vụ hoặc tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm nhằm thu thập ý kiến chuyên gia, đồng thời cũng không thể chờ đến năm kế tiếp để bổ sung kinh phí. Do vậy, đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù trong việc bổ sung kinh phí cho những nhiệm vụ khoa học do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Học viện để triển khai kịp thời, hiệu quả.

2. Những yêu cầu đặt ra đối với cơ chế tài chính phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện là đơn vị tài chính cấp 1. Các hoạt động quản lý tài chính của Học viện phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành về quản lý tài chính, như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán, kiểm toán và các văn bản quy định khác của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, do những đặc thù trong nghiên cứu khoa học, Học viện cần một cơ chế đặc thù về tài chính, góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Một là, đối với các nhiệm vụ nghiên cứu, làm sáng tỏ những giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này, rất nhiều nội dung nghiên cứu không có tư liệu gốc, chủ yếu là tư liệu do Liên Xô dịch và xuất bản trước đây; song điều kiện, hoàn cảnh đã thay đổi khá nhiều so với thời kỳ các nhà kinh điển Mác - Lênin viết các tác phẩm đó. Để nghiên cứu được ý nghĩa, giá trị khoa học của các tác phẩm về chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cơ sở “nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới”(1), tất yếu cần có một lực lượng khoa học vừa am hiểu về các lĩnh vực khoa học, vừa có khả năng ngoại ngữ tốt... để góp phần làm rõ những quan điểm, tư tưởng còn nguyên giá trị, những quan điểm, tư tưởng đã bị thực tiễn vượt qua, những quan điểm, tư tưởng trước đây có thể chưa đúng...

Đây là nhiệm vụ lớn, khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài, lực lượng tham gia phải có năng lực tốt, giàu kinh nghiệm và có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp... Do đó, kinh phí để chi trả, thuê khoán những chuyên gia, nhà khoa học không thể áp dụng như một nhiệm vụ khoa học thông thường mà phải có cơ chế hay quy định đặc thù. Có như vậy, Học viện mới huy động được đông đảo các nhà khoa học uy tín, có năng lực, các chuyên gia hàng đầu tham gia vào những nhiệm vụ trọng tâm của không chỉ của Học viện mà của Đảng, Nhà nước.

Hai là, đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trực tiếp cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như: Nghiên cứu luận cứ khoa học để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam; Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật; Những giải pháp thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.... Những nhiệm vụ này yêu cầu rất cao về tính chính trị, tính khoa học của các sản phẩm nghiên cứu. Do đó, trong quá trình thực hiện, cần huy động được đội ngũ chuyên gia đầu ngành, uyên bác trong một số lĩnh vực cụ thể, đồng thời bao quát được một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Để huy động được lực lượng chuyên gia này, đòi hỏi phải có mức chi kinh phí (thù lao) tương xứng, không nên áp dụng mức kinh phí thông thường.

Ba là, đối với các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, như chương trình sưu tầm, nghiên cứu tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu. Do nhiều đồng chí lãnh đạo hoạt động bí mật trong thời kỳ đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược, tư liệu lưu trữ rất hiếm. Để hoàn thành các công trình này, các nhà khoa học cần nhiều thời gian, dày công nghiên cứu, kiên trì, tâm huyết với trách nhiệm cao để sưu tầm trong các kho lưu trữ của Đảng và Nhà nước; tư liệu nước ngoài; tư liệu lưu trữ thu được của chính quyền tay sai thực dân, đế quốc... Do đó, phải có nguồn kinh phí để chi trả cho cho các hoạt động này một các tương ứng, phù hợp.

Bốn là, đối với nhiệm vụ nghiên cứu làm sáng tỏ những giá trị lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh. Các nhiệm vụ này giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề về giá trị khoa học, giá trị lịch sử và ý nghĩa vô cùng to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, cụ thể: khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và dân tộc; làm rõ nguồn gốc tư tưởng - lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; làm rõ bản chất và những nội dung căn bản, cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh; làm rõ và khẳng định giá trị và sức sống lâu bền, bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp vận dụng những di sản tư tưởng mà Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Học viện cần huy động được đội ngũ đông đảo nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu am hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này cũng có nghĩa là, cần xây dựng được nguồn kinh phí phù hợp để chi trả tương xứng cho công sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, đối với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các luận cứ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong thời gian qua, Học viện đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao triển khai nhiệm vụ: “Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” với 10 đề tài nhánh. Bên cạnh đó, sau thành công của Cuộc thi viết chính luận khoa học: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện tổ chức, Ban Bí thư quyết định mở rộng quy mô tổ chức cấp toàn quốc và giao Học viện là cơ quan chủ trì, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương là cơ quan chỉ đạo tổ chức cuộc thi. Đây là nhiệm vụ lớn, thường xuyên, liên lục và lâu dài, đòi hỏi phải tập hợp được những nhà khoa học có năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, cần có một nguồn kinh phí phù hợp và có cơ chế chi trả cho các hoạt động nghiên cứu một cách phù hợp.

Sáu là, đối với những hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đảng cầm quyền, nhất là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong việc hỗ trợ nghiên cứu tiểu sử Cayxỏn Phômvihản; tư tưởng Cayxỏn Phômvihản; biên dịch Hồ Chí Minh toàn tập sang tiếng Lào; nghiên cứu, tuyển chọn, xuất bản tuyển tập Hồ Chí Minh và biên dịch những tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Việt sang một số tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc) để giới thiệu ra thế giới... Đây là những nhiệm vụ lớn được thực hiện trong một thời gian dài bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu. Điều này đặt ra yêu cầu cần bố trí, chi trả kinh phí cho các chuyên gia một cách phù hợp, để phát huy được sức mạnh trí tuệ của các nhà khoa học trong các hoạt động nghiên cứu.

Bảy là, giảm tải các thủ tục hành chính trong quản lý, thanh quyết toán tài chính của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để phù hợp với đặc thù của các hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện và các quy định pháp luật hiện hành.

Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện có nhiều đặc thù so với các trung tâm, cơ sở nghiên cứu khác. Xuất phát từ những đặc thù riêng đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện cần có cơ chế, chính sách riêng trong quản lý, nhất là cơ chế quản lý tài chính, nguồn lực phù hợp, để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 27-4-2023; Ngày bình duyệt: 14-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1) Ban Bí thư: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09-2-2018 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Hà Nội, 2018, tr.3.


1 nhận xét: