NHẬN THỨC TÍNH ĐÚNG ĐẮN CỦA NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ, CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC
Là đảng cách mạng, ngay từ khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuân thủ những nguyên tắc của Đảng kiểu mới do V.I.Lênin đề ra. Nguyên tắc tập trung dân chủ được đặt lên hàng đầu và đã sáng tỏ trong nhận thức trên những vấn đề căn bản.
Đảng thống nhất nhận thức lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm học thuyết lý luận, khoa học và là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Cùng với tuân theo học thuyết lý luận, mọi tổ chức đảng và đảng viên phải theo lý tưởng cách mạng, ra sức đấu tranh theo Cương lĩnh, đường lối của Đảng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, mục tiêu cách mạng Đảng đã đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của Đảng và đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên. Phải thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật và các quy định của Điều lệ Đảng và đảng viên phải sinh hoạt trong một tổ chức đảng là chi bộ.
Từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng và yêu cầu xây dựng Đảng, Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960) đã xác định: “Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng. Nội dung của nó là tập trung trên cơ sở dân chủ và dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung. Mục đích của nó một mặt là phát huy và nâng cao tính tích cực cách mạng, tính sáng tạo của đông đảo đảng viên và các tổ chức của Đảng, mặt khác là bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động và gìn giữ kỷ luật của Đảng. Đảng phải luôn luôn nắm vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp với phân công phụ trách. Đảng chống mọi hiện tượng phân tán, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, tự do vô kỷ luật cũng như chống mọi hiện tượng tập trung quan liêu, sự vụ, gia trưởng, độc đoán, coi thường tập thể, coi thường cấp dưới”. Đó là bản chất cách mạng, khoa học và tính đúng đắn của nguyên tắc tập trung dân chủ và được thực hiện nhất quán trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, các đảng cộng sản cầm quyền ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam và chủ nghĩa xã hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy vậy, mô hình chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm chậm được sửa chữa. Điều đó dẫn tới khủng hoảng và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (1989-1991). Nguyên nhân khách quan là chủ nghĩa đế quốc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Nguyên nhân chủ quan là các đảng cộng sản cầm quyền đã rời bỏ nền tảng tư tưởng, lý luận và Chủ nghĩa Mác-Lênin, đã hạ vũ khí trên mặt trận tư tưởng trước sự tiến công hiểm độc của kẻ thù. Các đảng cộng sản đã không kiên định và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, để cho những quan điểm sai trái về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, công khai hóa, dân chủ hóa lộng hành dẫn tới sự rối loạn trong Đảng và xã hội, Đảng không kiểm soát được tình hình và mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền.
Ở Việt Nam, lợi dụng tình hình xấu đi của các nước xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch ở trong nước và lưu vong ra sức phá hoại hòng đưa đất nước rời bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, ngay từ năm 1989, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa... Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng nhấn mạnh: “Mở rộng dân chủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa, không phải dân chủ tư sản. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng; mặt khác lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội”.
Trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng đã lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) trong tổng kết công tác xây dựng Đảng đã nêu rõ kinh nghiệm hàng đầu là: “Nâng cao bản lĩnh chính trị; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng; kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để đổi mới sáng tạo, chống bảo thủ, trì trệ, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện cơ hội chính trị”.
Thực hiện nghiêm các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng và Nhà nước đã xử lý thành công các nội dung cơ bản.
Một là, thực hiện tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo tập trung của Đảng, Nhà nước với thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự lãnh đạo tập trung trước hết phải thống nhất về nền tảng tư tưởng, học thuyết lý luận là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lãnh đạo bằng đường lối đổi mới, cương lĩnh, chính sách, pháp luật không ngừng được bổ sung, phát triển, bảo đảm tính đúng đắn, hiện thực và hiệu quả. Phát huy dân chủ trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội dựa trên nâng cao trình độ trí tuệ và nâng cao dân trí. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kiên quyết chống tập trung quan liêu, lộng quyền, lạm quyền, tha hóa quyền lực, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Khắc phục biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan và lợi dụng dân chủ để gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Hai là, xử lý tốt mối quan hệ giữa mở rộng dân chủ với tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Dân chủ thực chất là mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đề cao trách nhiệm, trí tuệ, quyền hạn, góp phần xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật và tự giác thực hiện. Kỷ luật, kỷ cương của Đảng đòi hỏi cá nhân phục tùng tập thể, tổ chức, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương. Phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã xử lý đúng đắn những mối quan hệ lớn. Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.
Ba là, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn luôn được thực hiện trong mối quan hệ thống nhất, đồng bộ với các nguyên tắc khác về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đó là các nguyên tắc tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong Đảng; gắn bó mật thiết với nhân dân, hiểu dân, tin dân và vì dân; thực hiện chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Sự thống nhất của các nguyên tắc đó bảo đảm không ngừng nâng cao bản chất cách mạng và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một số hạn chế trong việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện hiệu quả thấp, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cần được quy định cụ thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm nêu gương.
Các thế lực thù địch đang ra sức phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ với luận điệu ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo, không có dân chủ và Đảng độc đoán, chuyên quyền. Đó là sự xuyên tạc, nhắm mắt trước sự thật, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng phải không ngừng hoàn thiện và thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, tiếp tục xử lý đúng đắn quan hệ giữa lãnh đạo tập trung và phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc đó không chỉ cần thiết của Đảng cầm quyền mà còn trở thành nguyên tắc quản lý của một xã hội văn minh, hiện đại.
Thước đo năng lực lãnh đạo của Đảng là những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ một nước nghèo kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Chính trị ổn định. Văn hóa, xã hội phát triển. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, từ 58% hộ nghèo năm 1993, nay còn dưới 3%. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Đối ngoại và hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ. Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới. Cả hệ thống chính trị và toàn dân tập trung hành động vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh. Lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an thật sự là “lá chắn thép” bảo vệ nhân dân. Điều đó tỏ rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bản chất của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa xã hội là hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Hiện nay, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tốt với hơn 200 đảng cầm quyền, đảng chính trị trên thế giới, trong đó có những đảng cầm quyền ở các nước tư bản hàng đầu. Nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 nước trong 193 nước thành viên Liên hợp quốc, quan hệ kinh tế, thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) nhận được hơn 500 điện, thư chúc mừng của các đảng, các tổ chức, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới. Việt Nam đang từng bước sánh vai với các cường quốc trên thế giới như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thực tiễn luôn luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Tập trung dân chủ là nguyên tắc mang tính khoa học và hiện thực trong xây dựng Đảng và có vai trò rất quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, bảo đảm phát huy dân chủ thực chất và giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Nguyên tắc đó vì thế có giá trị bền vững trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét