Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: ĐỊNH HƯỚNG NHẬN THỨC CHO THANH NIÊN QUÂN ĐỘI TRƯỚC SỰ CHỐNG PHÁ MỚI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY

     Sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội đã đem lại những lợi ích thiết yếu trong đời sống xã hội, tạo ra môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin và thâm nhập vào cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới!

Với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet, mạng xã hội trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống nhân loại, tác động một cách trực tiếp đến nhận thức, hành vi của mỗi con người, cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Song, internet, mạng xã hội cũng có những mặt trái tác động tiêu cực kìm hãm sự phát triển của xã hội, nhất là chi phối đến lập trường tư tưởng và khả năng xử lý thông tin của người sử dụng còn có sự bất cập, hạn chế.

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lực lượng chống cộng cực đoan ở nước ngoài đã triệt để lợi dụng internet và các trang mạng xã hội để tán phát các tin, bài, video clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội với sự gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng tin, bài; bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng. Những thủ đoạn chúng thường dùng trên mạng xã hội, như: tung tin thất thiệt, lừa bịp, mị dân, thật giả lẫn lộn,… làm cho một bộ phận cư dân mạng mất phương hướng, lầm tưởng đó là sự thật, dẫn đến hoài nghi, thiếu niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, nghe theo lời kích động để tụ tập đông người, gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của nhà nước và công dân. Thủ đoạn của chúng là rất nguy hiểm, nổi lên một số hiện tượng sau:

1. Thực hiện Live stream trực tiếp để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham gia bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Đây là thủ đoạn dùng tài khoản Facebook với công cụ Live stream để phát video clip trực tiếp về một sự việc do chúng dựng lên hoặc “lên sóng” trực tiếp trên mạng xã hội để tạo “diễn đàn” kêu gọi mọi người tham gia bình luận về một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Chúng xây dựng “kịch bản” khá công phu, nội dung được quay video phát trực tiếp thường là các vụ việc liên quan đến các cuộc tụ tập đông người, khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan công quyền. Chủ đề chúng chọn bình luận thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực, vấn đề bức xúc của người dân, như: môi trường, dân sinh, giải phóng mặt bằng, quan hệ ứng xử của cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, v.v. Thời điểm chúng chọn để Live stream thường vào dịp có các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước (các kỳ họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam,…), hoặc chúng lồng ghép quan điểm cá nhân, bình luận xuyên tạc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và kêu gọi sự “phù họa” của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị cùng tham gia, chia sẻ. Mục đích của chúng nhằm: “vẽ ra” trong mắt công chúng một Đảng cầm quyền bất ổn, một nhà nước bị chia rẽ cục bộ, một hình ảnh Quân đội yếu đuối, Công an tham nhũng, v.v. Từ đó, kêu gọi sự can thiệp của dư luận quốc tế và các tổ chức phản động vào chống phá Việt Nam.

2. Sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Đây là thủ đoạn chúng lợi dụng việc báo chí chính thống trong nước khi đưa tin đều phải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập, thông qua mới cho đăng tin, bài (thậm chí, để bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính toán lợi ích của việc đưa tin, một số vấn đề cụ thể nào đó, có thể bị chậm trễ khi đưa tin). Lợi dụng “khoảng trống thông tin” này, chúng phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật bằng những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về những gì dư luận đang quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng, như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề bể bạn đọc suy ngẫm,… với những thông tin trộn lẫn thật giả, kích thích tính hiếu kỳ, tò mò của cộng đồng mạng vào các trang Facebook, Blog và các tờ báo điện tử có nội dung phản động, gây tâm lý hoang mang, bán tín, bán nghi, v.v.

3. Làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá Quân đội là thủ đoạn được chúng tiến hành khá “bài bản. Thông tin cũ được lựa chọn để “làm mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thường là những đoạn video clip hoặc hình ảnh có liên quan đến mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, cán bộ được cho là “hành hung chiến sĩ”, “chiến sĩ cũ đánh chiến sĩ mới”, các vấn đề liên quan đến dân chủ trong Quân đội, quan hệ quân dân,… do chúng tạo dựng lên. Thủ đoạn của chúng là, các vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng đưa ra “làm mới”; hoặc những thông tin mới, mặc dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng nhưng chúng bịa đặt, xuyên tạc, đưa ra những bình luận trái chiều làm sai lệch bản chất của vấn đề. Thời điểm tán phát để “làm mới” hoặc bịa đặt thường là trước mùa tuyển chọn, giao nhận quân, quá trình huấn luyện chiến sĩ mới, trước các sự kiện chính trị của đất nước, Quân đội, v.v. Mục đích của việc tán phát các thông tin, hình ảnh, đoạn video clip không thuần túy chỉ là sự phản ánh một vụ việc, một con người cụ thể, mà đằng sau đó là âm mưu và sự toan tính hết sức thâm độc của các thế lực thù địch. Họ muốn đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi trong nhân dân và thanh niên không muốn nhập ngũ vì sợ vào Quân đội sẽ bị “đánh đập tàn bạo”, sẽ trở thành những “quân oan”, hoặc tâm lý chấp nhận “ma cũ bắt nạt ma mới” trong chiến sĩ, v.v. Từ đó, gây dư luận trái chiều trong xã hội về bản chất của Quân đội ta, kích động thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, làm giảm sức mạnh chiến đấu, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Quân đội. Qua các thông tin, hình ảnh, video clip tán phát, sẽ gây nghi ngờ, làm mất đi hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm giảm niềm tin của nhân dân về môi trường Quân đội, cuối cùng là thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội.

Trước thực trạng đó, cần tạo sức đề kháng, “hệ miễn dịch” trong mỗi quân nhân - thanh niên trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, góp phần tạo sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng trong thế hệ trẻ nói chung, thanh niên Quân đội nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bởi, trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng thanh niên rất đông đảo, lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đây cũng là lực lượng rất năng động, giàu hoài bão, dễ tiếp thu các luồng thông tin, nhất là thông tin trên internet và những tư tưởng mới lạ. Tuy nhiên, khả năng phân tích, nhận định, chọn lọc thông tin của đối tượng này còn hạn chế, dễ bị dao động, lôi kéo, kích động dẫn đến những quyết định không chính xác, thậm chí sai lầm. Vì thế, cần định hướng cho thanh niên Quân đội khi tham gia mạng xã hội là vấn đề cấp thiết hiện nay. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục giáo dục mục tiêu, lý tưởng, đạo đức cách mạng, tinh thần tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện kỷ luật của quân nhân. Là lứa tuổi sôi nổi, ham học hỏi, hiểu biết, sáng tạo, khám phá cái mới, mỗi thanh niên Quân đội phải nỗ lực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tầm hiểu biết về mục tiêu, lý tưởng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tình cảm gắn bó cán bộ với chiến sĩ, quân với dân, chức trách, nhiệm vụ; không ngừng trau dồi đạo đức, nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, thái độ và hành vi ứng xử có văn hóa; xung kích, tích cực đấu tranh phê phán, loại bỏ những thói quen, hành vi thiếu văn hóa trong sinh hoạt và công tác. Yêu cầu đó, đòi hỏi thanh niên Quân đội phải đi sâu vào xây dựng nền nếp chính quy, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tự giác học tập, cầu tiến bộ, phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự tiên tiến. Đồng thời, nêu cao cảnh giác cách mạng, biết phân biệt đúng - sai, ý thức tự phòng, chống các tác động xấu từ mặt trái kinh tế thị trường và âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch tiến hành chống phá cách mạng nước ta thông qua không gian mạng.

Hai là, đoàn viên thanh niên trong Quân đội cần được trang bị “vũ khí phòng vệ và phản công” khi tham gia mạng xã hội. Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên Quân đội về mạng xã hội, cách sử dụng mạng xã hội hợp lý. Tăng cường các hoạt động phổ biến, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của đơn vị. Động viên đoàn viên, thanh niên tự học, tự trang bị các kiến thức, kinh nghiệm sống để nhận diện thông tin xấu độc, hình thành khả năng phân tích trước các thông tin tràn lan trên mạng xã hội. Phát huy vai trò định hướng của cơ quan chính trị, tổ chức Đoàn các cấp và tính tự giác của đoàn viên thanh niên khi tham gia mạng xã hội; đề ra cơ chế kiểm soát thông tin, loại bỏ các nội dung xuyên tạc, gây bất an trong dư luận trên mạng xã hội. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội để cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên tham gia đấu tranh chống “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; đấu tranh trên không gian mạng, v.v. Coi việc đấu tranh, phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, tạo ra hệ “miễn dịch” đối với mọi thông tin sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch là thước đo kết quả xây dựng bản lĩnh chính trị của đoàn viên thanh niên Quân đội.  

Ba là, chủ động, tự giác, tích cực tuyên truyền làm cho mọi đoàn viên thanh niên Quân đội thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chủ động trong việc giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi quân nhân, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định trong việc dùng và sử dụng mạng xã hội trong đơn vị. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng, khai thác mạng xã hội trong việc học tập, nghiên cứu, sử dụng phải đúng mục đích; nghiêm cấm đưa các hình ảnh phản cảm lên mạng xã hội để chia sẻ. Kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực, phản cảm và các biểu hiện lơ là mất cảnh giác khi tham gia mạng xã hội, không để các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội tác động xấu tới tư tưởng, nhận thức của đoàn viên thanh niên.

Bốn là, thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền để mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh quan điểm sai trái cho mọi đoàn viên thanh niên. Khi định hướng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh trên mạng xã hội cần chú ý: không sử dụng ảnh đại diện của cá nhân mang mặc quân phục, hình ảnh của đơn vị trong huấn luyện, trong sinh hoạt làm ảnh đại diện, cũng như không chia sẻ thông tin, hình ảnh trên, tránh bị các đối tượng lợi dụng làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của quân nhân và Quân đội. Xây dựng ý thức và phong cách ứng xử có văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ để khi tham gia mạng xã hội, không làm lộ, lọt thông tin liên quan đến quân sự trên mạng./.
Yêu nước ST.

1 nhận xét: