Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

 THI ĐUA YÊU NƯỚC, PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG


Nhắc tới Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ tới hình ảnh một vị tướng luôn lăn lộn với thực tế chiến trường, với cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân để tổng kết, khái quát và phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhằm phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng.


Trên từng cương vị, chức trách, đồng chí đều chú trọng công tác xây dựng phong trào, chỉ đạo quá trình thực hiện. Rất nhiều phong trào đã ghi dấu ấn sâu đậm về khả năng tổ chức tài tình của Đại tướng.


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người thực hiện xuất sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí được quân và dân ta gọi bằng các danh xưng rất gần gũi, thân thương, giản dị như: “Đại tướng của nông dân”, “Đại tướng của phong trào” hay “Đại tướng bám đội, lội đồng”... Trong giai đoạn cách mạng mới, việc đúc kết, làm rõ nghệ thuật về tổ chức các hoạt động thi đua yêu nước của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhằm phát huy cao độ nhân tố con người và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, là cơ sở để tham khảo, tổ chức các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn. Nghệ thuật này được thể hiện sinh động trên một số phong trào tiêu biểu sau:


Người khởi xướng, dẫn dắt Phong trào thi đua “Ba nhất”


Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng một cách sáng tạo vào chỉ đạo tổ chức công tác thi đua thành hành động cách mạng của hàng triệu quần chúng, bộ đội. Ngay sau khi được Đảng, Chính phủ điều động vào Quân đội và giao trọng trách Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tại Hội nghị cán bộ chính trị chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới năm 1950, đồng chí đã căn dặn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch phải làm thật tốt các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; đặc biệt, cần phải phát động một cuộc vận động lập công.


Trong những năm 1954-1958, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng với Tổng Quân ủy, Tổng cục Chính trị đề ra chủ trương và chỉ đạo toàn quân đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, góp phần củng cố, bảo vệ miền Bắc và sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Quán triệt chủ trương này, Lữ đoàn 364 pháo binh mở phong trào học tập, rèn luyện trở thành “Pháo thủ toàn năng”. Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 305 bộ binh phát động phong trào “Vượt lên hàng đầu”. Quân khu Tả Ngạn phát động và lãnh đạo phong trào rèn luyện thể lực mang tên “Đại đội gió”, bắt đầu từ Đại đội 2, Trung đoàn 50... Trước những diễn biến này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm đưa phong trào thi đua vào chiều sâu, có chất lượng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, tháng 11-1958, Tổng Quân ủy phát động Phong trào thi đua “Tiến nhanh hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng Quân đội”.


Để phong trào thi đua đạt được hiệu quả, thiết thực, cần phải tìm ra các nhân tố mới, phát hiện các điển hình tiên tiến; đồng thời, chú trọng công tác tổng kết kinh nghiệm để phát huy. Thấu triệt quan điểm đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn dành thời gian đến với các đơn vị cơ sở để phát hiện và tạo dựng phong trào. Ngay khi đến Đại đội 2, Trung đoàn 68 pháo binh, Đoàn Vinh Quang (Sư đoàn 304), đồng chí đi sâu tìm hiểu tình hình và phát hiện, đơn vị đã dựa vào chi bộ, chi đoàn để phát động quần chúng và đề ra khẩu hiệu “Tiến công vào khoa học-kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị mới”. Với sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào và ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, ở hội thi bắn đạn thật toàn quân (tháng 6-1960), Sư đoàn 304 đạt đơn vị bắn giỏi nhất, đoàn có nhiều phân đội tham gia nhất, thành tích đều nhất. Tại lễ trao Huân chương tặng Đại đội 2, Trung đoàn 68 pháo binh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát những thành tích của đơn vị là “Ba nhất”. Nội dung của “Ba nhất” (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về mặt gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất) đã lôi cuốn các đơn vị trong toàn quân, mở rộng ra cả những đơn vị dân quân, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa bộ đội thường trực và lực lượng hậu bị, củng cố khối đoàn kết công-nông-binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


“Ba nhất” được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động thành phong trào thi đua trong toàn quân. Đó là một phong trào thi đua, một hình tượng thi đua điển hình vừa cụ thể vừa sinh động, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể. Với ý nghĩa đó, “Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân hăng say thi đua sáng tạo, lập công.


Dấu ấn phong trào thi đua “Gió Đại Phong”


Những năm đầu thập niên 1960, miền Bắc bước vào thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960) đề ra. Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động và phân công làm Trưởng ban Công tác nông thôn (sau đổi là Ban Nông nghiệp Trung ương). Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, Đại tướng được giao trọng trách người đứng đầu, là “Tư lệnh ngành” để chỉ đạo một lĩnh vực kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp liên quan đến sự đói no của hàng chục triệu con người, đến nguồn lương thực cung cấp cho miền Nam đánh Mỹ. Thời điểm này, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào làm ăn tập thể còn gặp không ít khó khăn, khi phần lớn nông dân Việt Nam đã quen với cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ và rất ngại thay đổi.


Sau khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn canh cánh trong lòng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên, để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi nhiều địa phương, xuống nhiều hợp tác xã, từ đồng bằng đến miền núi, từ những địa phương thuận lợi đến những địa phương còn khó khăn. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, đồng chí đã lên huyện Bằng Mạc, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu Hợp tác xã Nà Cà, đi tiếp lên một bản huyện Lộc Bình, Lạng Sơn chưa lập hợp tác xã xem nguyên nhân do đâu..., đồng thời tranh thủ tìm hiểu tình hình về hợp tác hóa nông nghiệp ở một số nước bạn như Trung Quốc, Triều Tiên. Trên cơ sở thực tiễn, đồng chí đã phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng điển hình tiên tiến là Hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).


Hợp tác xã Đại Phong ban đầu chỉ có 24 hộ với 24 mẫu ruộng. Đây là quy mô khá khiêm tốn so với nhiều hợp tác xã ở miền Bắc lúc đó. Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nêu khẩu hiệu “phá xiềng 3 sào”; đồng thời, giúp hợp tác xã quản lý tốt, phân công lao động hợp lý, vừa khuyến khích khai hoang, phục hóa, vừa tăng cường xen canh, gối vụ, tăng năng suất... Chỉ trong vòng 3 năm, Hợp tác xã Đại Phong đã phát triển thành hợp tác xã bậc cao với 455 hộ và 1.113 mẫu ruộng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển, đời sống xã viên ngang với mức trung nông.


Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã kịp thời chỉ đạo công tác tổng kết, rút kinh nghiệm và đề nghị với Trung ương Đảng phát động Phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”. Sau gần hai tháng phát động, đã có hơn 1.000 hợp tác xã đăng ký thi đua với Đại Phong. Một trong những xã có phong trào thi đua sôi nổi và đạt nhiều thành tựu về mọi mặt, được ví như “Đại Phong của miền Bắc” đó là Hợp tác xã Tòng Bạt ở Ba Vì (Hà Nội). Điều đó chứng tỏ sức mạnh to lớn của nông dân nước ta trên con đường hợp tác hóa, xây dựng đời sống hạnh phúc, ấm no, đem lại những thành tựu quan trọng về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp; góp phần to lớn vào việc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đánh giá về phong trào này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta". 


Kiến tạo các phong trào thi đua giết giặc, lập công


Từ năm 1964, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh và chư hầu vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Đây là thời điểm có tính bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh. Cách mạng Việt Nam đứng trước thử thách mới. Tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Bí thư Trung ương Cục, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích: “Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có cả một đống vũ khí nhưng lại vấp phải cả một đống mâu thuẫn, Mỹ là tỷ phú về đô la nhưng quân và dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như “ăn cháo bằng dĩa”, nên ta nhất định thắng”. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu. Cùng với đó, quân và dân ta tiếp tục thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công và sáng tạo nhiều cách đánh mới trên chiến trường. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo tổ chức Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các LLVT giải phóng miền Nam lần thứ nhất từ ngày 2 đến 6-5-1965 tại Chiến khu Dương Minh Châu, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí giải phóng quê hương miền Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu khẩu hiệu nổi tiếng “Cứ tìm Mỹ mà đánh sẽ tìm ra cách đánh thắng”.


Luôn sâu sát thực tiễn, nắm bắt nhanh nhạy thực tiễn chiến đấu của các đơn vị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết nên các phương châm chỉ đạo tác chiến quan trọng, trở thành những khẩu hiệu hành động cách mạng, nhanh chóng đi vào lòng người và lan tỏa thành các phong trào thi đua giết giặc lập công trên toàn chiến trường miền Nam như: “Ở gần đánh gần”, “Không cho Mỹ, ngụy phân tuyến”, “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua “Tìm Mỹ mà đánh, gặp ngụy là diệt”, phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”... Đặc biệt, chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng. Với cách đánh này, vừa phát huy được nghệ thuật quân sự của quân ta, vừa hạn chế tối đa ưu thế vốn có của quân đội Mỹ.


Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nếu như Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng Phong trào Thi đua yêu nước dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính là người thực hiện xuất sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Người trong hai cuộc kháng chiến. Bất cứ ở đâu, trên các cương vị khác nhau, đồng chí đã kiến tạo nên các phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu, động viên sức mạnh của hàng triệu con người vào sự nghiệp cách mạng. “Ba nhất”, “Gió Đại Phong” hay “Nắm thắt lưng địch mà đánh”... đã, luôn và mãi được nhắc đến như những phong trào thi đua tiêu biểu gắn liền với vai trò to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đó là những bài học còn nguyên giá trị để chúng ta vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào các phong trào thi đua hiện nay, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét